Tại danh mục dự kiến các dự án trong quy hoạch ngành thép Việt Nam giai đoạn đến năm 2025 định hướng đến năm 2035, dự án thép Cà Ná của Tập đoàn Hoa Sen được đề cập.
Theo dự thảo này, công trình nằm trong danh mục các dự án đầu tư mới và đầu tư mở rộng sản xuất giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến 2035 và chia thành 5 giai đoạn. Sau giai đoạn 5 sẽ kết thúc vào năm 2031 với công suất thiết 3,5 triệu tấn gang, sắt xốp và 3,5 triệu tấn phôi vuông một năm.
Mô hình khu liên hợp luyện cán thép Hoa Sen Cà Ná. Ảnh: PLO. |
Theo rà soát của Bộ Công Thương, đến năm 2020, cả nước sẽ thiếu hụt khoảng 15 triệu tấn thép thô. Năm 2025, thiếu hụt sẽ vượt mức 20 triệu tấn, nhập siêu ngành thép sẽ ngày càng trầm trọng hơn. Vì thế, bản quy hoạch này đặt mục tiêu năm 2020 trong nước sản xuất 8 triệu tấn, năm 2025 đạt 15 triệu tấn và năm 2035 đạt 35 triệu tấn gang và sắt xốp. Riêng sản xuất phôi thép trong 5 năm tới đạt 18 triệu tấn; cán mốc 27 triệu sau 10 năm và 52 triệu tấn trong 20 năm nữa.
Tại dự thảo quyết định quy hoạch ngành lần này, Bộ Công Thương chủ trương khuyến khích đầu tư các khu liên hợp thép ở ven biển, nơi có nhiều cảng nước sâu, quỹ đất còn nhiều và không ảnh hưởng đến an ninh lương thực. Cơ quan này cũng ưu tiên phát triển sản xuất thép tại vùng miền núi, nơi có các mỏ sắt trữ lượng đủ lớn để đầu tư nhà máy sản xuất khép kín, với công nghệ tiên tiến và quy mô thích hợp.
Tuy nhiên trước đó, trả lời chất vấn tại diễn đàn Quốc hội, ông Trần Anh Tuấn, Bộ trưởng Bộ Công Thương cho rằng: “Tôi dám khẳng định công khai ở diễn đàn này là chúng ta không đánh đổi môi trường để lấy dự án công nghiệp bằng mọi giá và cũng không có chuyện các dự án thép đưa ra để đánh đổi về môi trường”.
Dự án thép Cà Ná đã tạo nhiều tranh cãi, nghi vấn thời gian qua. Ngay cả cổ đông quan trọng của Tôn Hoa Sen là tập đoàn Vincapital cũng từng phát biểu với báo chí rằng bản thân nhà đầu tư chưa đồng tình với dự án thép Cà Ná.
Bà Nguyễn Hoài Thu, Giám đốc điều hành VinaCapital cho biết nhà đầu tư này đã đưa ra nhiều câu hỏi nghiêm túc đối với ban quản trị công ty và không đồng ý với dự án trừ phi doanh nghiệp chứng minh được họ có biện pháp bảo vệ môi trường hiệu quả, bền vững.
“Các nhà đầu tư được quyền vote (bỏ phiếu) bằng chân, có thể rời bỏ công ty để bày tỏ phản ứng. Đó là cách chúng tôi có thể làm nếu cảm thấy không còn đồng hành với doanh nghiệp. Những tai tiếng trong quá trình kinh doanh chỉ là chuyện nhỏ, nhưng vấn đề môi trường là thật và đây mối quan tâm thực sự”, bà Thu nói.
Trong dự thảo lần này cũng xuất hiện một dự án khác là Liên hợp thép Quảng Ngãi (Dung Quất) với công suất 7 triệu tấn/năm. Dự án này được quy hoạch trong giai đoạn 2015 - 2020 và lên 14 triệu tấn/năm vào năm 2025.
Tuy nhiên nhà đầu tư của dự án này không phải là Tập đoàn Hòa Phát như tỉnh Quảng Ngãi đề xuất lên Chính phủ trước đó.
Dự án Khu liên hợp cán thép Hoa Sen Cà Ná - Ninh Thuận với tổng vốn đầu tư 10,6 tỷ USD đang gây ra nhiều tranh cãi trong dư luận sau khi được tỉnh Ninh Thuận và Tập đoàn Hoa Sen đề xuất triển khai. Sau sự cố hồi tháng 5 tại một dự án quy mô tương tự là Formosa Hà Tĩnh, nhiều câu hỏi đã được đặt ra với Cà Ná xung quanh vấn đề quy hoạch, môi trường, trách nhiệm giám sát và tính minh bạch của dự án.
Theo Bình Nguyên (Zing.vn)