Sự việc ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch hội đồng quản trị Công ty FLC bán chui cổ phiếu đang là tâm điểm của thị trường.
Trao đổi với PV Lao Động sáng 11.1, ông Nguyễn Hoàng Hải, Phó Chủ tịch Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính VAFI nêu rõ ba điểm cần làm ngay lúc này.
Thứ nhất, phong tỏa ngay tài khoản chứng khoán của ông Trịnh Văn Quyết.
Thứ hai, cơ quan quản lý buộc ông Quyết phải mua ngay lại toàn bộ 74,8 triệu cổ phiếu FLC mà ông này đã bán trong phiên giao dịch hôm 10.1. Trường hợp ông Quyết không chấp hành, không tự đặt mua toàn bộ số cổ phiếu này, công ty chứng khoán nơi ông Quyết mở tài khoản sẽ phải thực hiện lệnh mua.
Thứ ba, toàn bộ số tiền chênh lệch mà ông Quyết thu được sau khi giao dịch số lượng cổ phiếu trên sẽ phải tịch thu để sung vào ngân sách nhà nước vì đây là số tiền thu lợi bất chính.
"Việc bán của ông Quyết là sai luật, Nhà nước cần thu hồi. Hành động của ông Quyết ảnh hưởng rất lớn tới hình ảnh thị trường chứng khoán Việt Nam, cần phải xử phạt hành chính và xem xét xử phạt hình sự", ông Nguyễn Hoàng Hải cho biết.
Trên Doanh Nghiệp & Tiếp Thị, trong trường hợp của ông Trịnh Văn Quyết, Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính (VAFI) đã hai lần có yêu cầu xử lý mạnh tay hơn với cá nhân này trong các giao dịch không công bố thông tin về cổ phiếu FLC, gây thiệt hại cho nhiều nhà đầu tư trong nước.
Theo đó, năm 2017, trước vi phạm bán chui 57 triệu cổ phiếu FLC, thu về hơn 400 tỷ đồng nhưng chỉ bị phạt 65 triệu đồng của ông chủ FLC, VAFI nhấn mạnh mức phạt trên là quá nhẹ, khiến giới đầu tư chứng khoán bất bình. "Hành động này đã lừa gạt nhà đầu tư khiến cho hàng trăm người bị thua lỗ".
Trong lần giao dịch chui mới nhất, ngày 10/1, khi ông Quyết đã bán 74,8 triệu cổ phiếu FLC, thu về hơn 1.580 tỷ đồng nhưng có thể chỉ phải chịu mức phạt tối đa 1,5 tỷ đồng, ông Nguyễn Hoàng Hải, tổng thư ký Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính, tiếp tục đề nghị Ủy ban Chứng khoán mạnh tay xử lý vi phạm của cá nhân này.
Ba hình phạt bổ sung được ông Hải đề xuất gồm: Phong tỏa ngay tài khoản chứng khoán của ông Quyết, buộc mua lại toàn bộ số cổ phiếu đã bán ra trong phiên 10/1 và tịch thu toàn bộ số tiền chênh lệch ông Quyết được hưởng lợi vào ngân sách Nhà nước.
Ngoài ra, ông Hải đề xuất xem xét xử lý hình sự với cá nhân ông Quyết do để xảy ra vi phạm nghiêm trọng này.
Trên Người Lao Động, ông Huỳnh Anh Tuấn, Tổng Giám đốc Công ty Chứng khoán Ngân hàng Đông Á (DAS), cũng đồng tình với việc phải phong toả tài khoản của các đối tượng mà giao dịch phải công bố thông tin nhưng theo ông đó là câu chuyện dài vì cần có thời gian sửa luật…
Ông Tuấn đánh giá hành vi của ông Trịnh Văn Quyết là thiếu chuyên nghiệp, xem thường pháp luật, xem thường nhà đầu tư và không xưng tầm của lãnh đạo doanh nghiệp có tiếng là luật sư. Chính điều này làm hại chính các doanh nghiệp mà ông đang quản lý điều hành.
Theo ghi nhận trên thị trường suốt từ chiều 10-1 đến nay, các nhà đầu tư đang rất trông chờ vào việc cơ quan quản lý xử lý vi phạm của ông Trịnh Văn Quyết như thế nào và có đủ răng đe hay không, bởi nếu xử phạt quá nhẹ thì việc này hoàn toàn có thể lặp lại trong thời gian tới và nhà đầu tư nhỏ là những người thiệt hại đầu tiên.
Sáng ngày 11.1, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết đang phối hợp với các cơ quan liên quan để xem xét xử lý vi phạm của ông Trịnh Văn Quyết theo quy định.
Cụ thể, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết chiều 10.1.2022 (17h45), Ủy ban Chứng khoán Nhà nước nhận được báo cáo số 31/SGDHCM-GS đề ngày 10.1.2022 của Sở Giao dịch chứng khoán (GDCK) TP.Hồ Chí Minh (HOSE) về việc ông Trịnh Văn Quyết - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Tập đoàn FLC - giao dịch 74,8 triệu cổ phiếu của Công ty Cổ phần Tập đoàn FLC (mã Ck: FLC, niêm yết tại HOSE), nhưng không báo cáo, không công bố thông tin trước khi thực hiện giao dịch theo Khoản 1 Điều 33 Thông tư 96/2020/TT-BTC ngày 16.11.2020 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn công bố thông tin trên thị trường chứng khoán.
PN (Nguoiduatin.vn)