Đề xuất này của Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển đô thị Việt Hưng đã được đưa ra giữa những tiếng cười biểu lộ sự ngạc nhiên lớn của nhiều người dự hội thảo.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, rất nhiều dự án đe dọa môi trường sống, cảnh quan thiên nhiên, không bao giờ dừng lại chỉ vì có những tiếng cười phản đối trong một cuộc họp.
Dù Việt Hưng (cũng là chủ đầu tư khu đô thị sinh thái Ecopark) đã lên tiếng cho rằng: Sẽ đào thêm 1 héc ta nữa để làm hồ, bù vào diện tích 1ha lấp hồ xây chung cư, nhưng nhiều câu hỏi vẫn chưa có lời giải: 1 héc ta đó lấy ở đâu? 1 héc ta đó là đất công hay đất tư? Cảnh quan hồ sau đó sẽ thế nào?
Câu chuyện chưa có hồi kết, chưa biết đúng sai, nhưng nó gợi lên một nỗi đau khác.
Nhiều chục năm qua, chưa có một thực thể nào thảm thương như sông hồ ở Hà Nội: Bị lấn chiếm, thu hẹp, ô nhiễm, bị phá vỡ cảnh quan…
Ở Los Angeles, người ta đã phải thả 96 triệu quả bóng nhựa để bảo vệ các hồ nước khỏi sự bay hơi.
Ở Hà Nội, người ta chẳng tốn tiền mua bóng nhựa.
Chỉ tính tính từ năm 2010 đến 2016, Hà Nội có 17 hồ bị "bay hơi" mất hoàn toàn dấu tích do san lấp. Từ 1995, nội thành Hà Nội có tới 2.100ha mặt nước, nhưng giờ chỉ còn hơn một nửa: 1.165ha.
Ngay "kỳ quan hồ trong lòng phố thị" – Hồ Tây, trước đây rộng 500ha nhưng giờ chỉ còn 460ha. 460ha ấy cũng đã bị đột quỵ một lần khi hơn 200 tấn tôm cá phơi bụng trắng…
Những năm qua, rất nhiều toà chung cư muốn được mọc lên cạnh hồ. Ảnh: Diên Khánh. |
Đất ven hồ ở Hà Nội là đất kim cương. Để có kim cương, người ta sẵn sàng đánh đổi gần như mọi thứ và có thể nghĩ ra rất nhiều thứ lý do để ngụy trang để xẻ thịt hồ.
Cải tạo chung cư cũ để làm cho cuộc sống của người dân hạnh phúc hơn. Với đề xuất xây các khối nhà cao tầng siết quanh một lá phổi của Hà Nội, thì dù có một số người nào đó sung sướng, thì sự thụ hưởng cuộc sống của rất rất nhiều người khác sẽ tệ đi, chưa nói đến việc làm mai một bản sắc đặc trưng của Hà Nội.
Không chỉ Giáo sư Trần Quốc Vượng mới nhận ra "Thăng long – Hà nội là một thành phố sông hồ", mà bất cứ người Việt hay du khách nước ngoài nào cũng nhận ra đặc trưng ấy.
PGS. TS Phạm Thúy Loan, Phó Viện trưởng Viện kiến trúc Quốc gia còn có đề xuất cụ thể hơn: Bảo tồn và tạo thêm nhiều không gian mặt nước là một giải pháp nhằm gìn giữ và duy trì nét đặc trưng của Hà nội.
Tất cả những người đã từng ở Hà Nội, khi lần đầu tiên đến Hồ Con Rùa ở Sài Gòn, đều không khỏi mỉm cười ngạc nhiên "Ồ hồ gì mà kỳ vậy?".
Trong cái cười mỉm ấy, đã có hàm ý tự hào: Không đâu có thể so với Hà Nội về đặc sản hồ.
Tâm sự của Ngài Đại sứ
Trong đề xuất của Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển đô thị Việt Hưng đưa ra đề xuất lấp một phần hồ Thành Công, rồi đào bù, người ta thấy có bóng dáng của những khu nhà cao tới 24 tầng.
Không chỉ vậy, còn có những "điểm nhấn", đó là tòa nhà thương mại cao những… 45 tầng.
Dù diện tích hồ Thành Công có được giữ nguyên, thì những ai đã đi qua khu chung cư dày đặc của "ông Thản" ở Linh Đàm đều có thể mường tượng rõ: Cảnh quan hồ Thành Công sẽ ra sao, nếu đề xuất của Việt Hưng thành hiện thực.
Bao giờ Hà Nội lại có được một cái Hồ Linh Đàm với cảnh quan như ngày xưa?
Những cái hồ sẽ ra sao khi nó bị "thập diện" mai phục bởi các tòa nhà cao tầng mọc dài như gai mít, cùng với đó là nạn ùn tắc giao thông?
Tháng trước, con sông Whanganui ở Đảo Bắc New Zealand, đã được quốc hội cấp quyền con người.
Dòng sông ấy, động thực vật trong lòng và bên cạnh nó sẽ có quyền như một thực thể sống, không ai có quyền xâm hại, xúc phạm, bôi nhọ, làm bẩn, đe dọa.
Dù biết là các cơ quan chức năng sẽ thẩm định rất kỹ để các ý định xâm hại hồ không trở thành hiện thực, nhưng câu chuyện này cũng khiến chúng ta không thể không có suy nghĩ về một giải pháp hài hước: Đề nghị di dời Hồ Thành Công, Hồ Linh Đàm và các hồ đang bị đe dọa khác sang… New Zealand.
Ở đấy, chúng sẽ được sống thực sự trong tình yêu thương và trân trọng của con người.
Cũng tháng trước, trong một lần trò chuyện với tôi, đại sứ đặc mệnh toàn quyền Rumani tại Việt Nam, Ngài Valeriu Arteni, đã bảo rằng: "Tôi sẽ không còn muốn quay lại Hà Nội nữa, nếu thành phố này không còn cây cổ thụ".
(Rất may là hai năm trước, trong một trận chiến dư luận vô tiền khoáng hậu và tràn đầy tình yêu với Hà Nội, chúng ta đã giữ được phần lớn cây cổ thụ trong chiến dịch triệt hạ hàng ngàn cây xanh).
Valeriu Arteni đang sắp kết thúc nhiệm kỳ Đại sứ thứ hai của mình tại Việt Nam, sau 13 năm đi làm sứ vụ ở nhiều nước khác.
Ông đến Hà Nội từ năm 1971 khi Hà Nội còn bom đạn của chiến tranh. Với tổng cộng gần 20 năm ở Việt Nam, Valeriu Arteni đã yêu đất nước này như quê hương thứ hai.
Cũng giống như Ngài đại sứ Rumani, nhiều khách phương xa sẽ không muốn đến Hà Nội, nhiều người Hà Nội sẽ không muốn quay về, nếu nhìn thấy "bảo bối hồ" đang bị siết cổ, bị đẩy vào vòng hấp hối…
Theo Bùi Hải (Trí Thức Trẻ)