Câu hỏi ngay lập tức được đưa ra bàn luận: Liệu rằng Doji có được phéphuy động vàng?
Theo Thông tư số 11 ngày 29/04/2011 của Ngân hàng nhà nước (NHNN) ban hành đã yêu cầu chấm dứt huy động và cho vay vốn bằng vàng của tổ chức tín dụng. Điều này có thể hiểu, nếu là doanh nghiệp, không phải tổ chức tín dụng thì sẽ không thuộc diện điều chỉnh của văn bản quy phạm pháp luật này.
Tuy nhiên, theo Khoản 9 điều 4 trong nghị định 24, ngày 3/4/2012 thì lại nêu rõ: Các hoạt động kinh doanh vàng khác, trừ hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu vàng, hoạt động mua, bán vàng nguyên liệu trong nước của doanh nghiệp sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ và doanh nghiệp kinh doanh mua, bán vàng trang sức, mỹ nghệ và các hoạt động quy định tại Khoản 6, 7, 8 Điều này, là hoạt động kinh doanh thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ hạn chế kinh doanh. Tổ chức, cá nhân chỉ được thực hiện các hoạt động kinh doanh vàng khác sau khi được Thủ tướng Chính phủ cho phép và được Ngân hàng Nhà nước cấp Giấy phép.
Kẽ hở nằm ở cụm từ “các hoạt động kinh doanh vàng khác”. Theo Luật sư Trương Thanh Đức - Chủ tịch HĐTV Công ty luật Basico: “Nếu theo đúng câu chữ quy định về điều kiện kinh doanh trong Luật Đầu tư năm 2014, thì việc doanh nghiệp vay vàng không bị cấm, cũng như không thuộc vào bất cứ ngành, nghề kinh doanh có điều kiện nào theo luật định, kể cả trường hợp có thuộc hay không thuộc vào trường hợp ‘kinh doanh vàng khác’ theo quy định của Chính phủ”.
Chính vì vậy mà doanh nghiệp đã dựa vào kẽ hở của pháp luật để “lách”. Có thể xét về khung pháp lý, Doji không phạm luật, tuy nhiên hành động này lại gây 3 tác động tiêu cực.
Thứ nhất, huy động vàng thì phải trả lãi tương tự việc huy động vốn bằng tiền mặt từ thị trường dân cư của ngân hàng, trong khi đó các ngân hàng thì phải nằm trong hệ thống kiểm soát chặt chẽ của NHNN. Người dân có bảo hiểm tiền gửi, dù gửi tiền ở ngân hàng nào, quyền lợi của người gửi luôn được đảm bảo, NHNN sẽ bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người gửi tiền.
Trong khi đó, nếu Doji thực hiện việc huy động vàng - trả lãi khi chưa được sự cho phép của Thủ tướng Chính phủ và NHNN thì giao dịch này giữa DOJI với khách hàng không được pháp luật thừa nhận. Khách hàng sẽ là người chịu thiệt khi phát sinh các rủi ro.
Thứ hai, việc Doji huy động vàng trả lãi là đi ngược chủ trương của Chính phủ; cụ thể nếu việc huy động và cho vay bằng vàng được mở rộng thì sẽ làm tăng tình trạng vàng hóa, đô la hóa trong nền kinh tế, tăng hiện tượng đầu cơ.
Trao đổi với chúng tôi, một số chuyên gia trong lĩnh vực tài chính ngân hàng đều cho rằng ngay cả khi cho phép cũng không đánh giá cao tư duy huy động vàng trong dân bằng công cụ lãi suất. Trả lãi khi huy động vàng sẽ làm tăng vàng hóa, điều mà chúng ta đã phải rất vất vả mới thoát ra được, làm như vậy là đi ngược với những nỗ lực trước đây.
Hơn 4 năm thực hiện các chính sách quản lý thị trường vàng, đến nay, thị trường đang diễn biến ổn định, biến động của giá vàng không còn tác động lớn đến tỷ giá, thị trường ngoại tệ cũng như kinh tế vĩ mô ổn định, tình trạng “vàng hoá” trong nền kinh tế đã từng bước được ngăn chặn, nguồn vốn bằng vàng đang có xu hướng dịch chuyển sang các kênh đầu tư khác.
Thứ ba, đây sẽ là tiền lệ xấu khiến các doanh nghiệp vàng khác cũng hành động theo, thậm chí là doanh nghiệp bên ngoài cũng có thể áp dụng dẫn đến dòng chảy vàng càng lớn.
Thêm nữa, câu chuyện doanh nghiệp huy động vàng và có thể cho vay vẫn là câu hỏi bỏ ngỏ? Song doanh nghiệp chỉ ‘ôm’ vàng rồi trả lãi, đó cũng lại là điều phi lý.
Hoạt động huy động vàng trả lãi của Doji diễn ra từ lâu, thị trường vẫn đang chờ đợi kết quả xác minh của cơ quan quản lý nhưng cho đến thời điểm hiện tại, NHNN vẫn chưa lên tiếng về việc Doji sẽ phải dừng lại hay vẫn tiếp tục được khuyến khích hoạt động?
Theo Hoàng Linh (Cafef.vn/Trí Thức Trẻ)