Đề án thành lập cơ quan chuyên trách làm đại diện chủ sở hữu đối với doanh nghiệp Nhà nước và vốn Nhà nước tại doanh nghiệp mới được Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Chính phủ.
Đề án có tên là Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp. Không ít người gọi đây là “siêu ủy ban” khi số tiền quản lý có thể lên đến 5 triệu tỷ đồng.
Trình Thủ tướng bổ nhiệm chủ tịch HĐTV
Trong đề án thành lập, “siêu ủy ban” sẽ thực hiện quyền, trách nhiệm của cơ quan đại diện chủ sở hữu với doanh nghiệp Nhà nước, doanh nghiệp Nhà nước có cổ phần, vốn góp. Ủy ban cũng phê duyệt và giám sát việc thực hiện các chiến lược, kế hoạch sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp được giao.
Ủy ban sẽ chủ trì, phối hợp trình Thủ tướng quyết định việc bổ nhiệm, miễn nhiệm, khen thưởng, kỷ luật chủ tịch hội đồng thành viên của doanh nghiệp Nhà nước. Cơ quan này cũng giúp Thủ tướng xây dựng đề án thành lập doanh nghiệp, sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp.
Uỷ ban sẽ là cơ quan chuyên trách phê duyệt phương án huy động vốn và dự án đầu tư lớn, dự án đầu tư ra nước ngoài của doanh nghiệp, quyết định chủ trương góp, tăng, giảm vốn góp, chuyển nhượng vốn đầu tư của doanh nghiệp.
Ủy ban sẽ giám sát việc thu hồi vốn đầu tư, thu lợi nhuận, cổ tức, chịu trách nhiệm về hiệu quả sử dụng, bảo toàn, phát triển vốn Nhà nước.
Về địa lý pháp lý, “siêu ủy ban” sẽ là cơ quan thuộc Chính phủ. Cơ cấu tổ chức gồm một chủ tịch ủy ban và 4 phó chủ tịch do Thủ tướng bổ nhiệm.
Ngoài ra, trong cơ cấu còn có bộ máy giúp việc là các ban quản lý như ban xây dựng và hạ tầng, ban công nghiệp chế tạo, ban năng lượng, ban công nghệ, viễn thông, truyền thông….
Cơ chế tiền lương gắn với kết quả hoạt động
Đáng chú ý, chế độ tiền lương của “siêu ủy ban” ngoài theo quy định còn có phần thu nhập bổ sung. Phần thu nhập bổ sung gắn với hiệu quả quản lý vốn Nhà nước và năng suất lao động của doanh nghiệp do cơ quan này chuyên trách làm đại diện chủ sở hữu. Đề án nhấn mạnh gắn tiền lương với kết quả và hiệu quả hoạt động.
“Siêu ủy ban” sẽ là đại diện chủ sở hữu của Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) và các doanh nghiệp quy mô lớn, quan trọng. Các doanh nghiệp mà Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ hoặc có cổ phần chi phối lâu dài theo quyết định số 58 ngày 28/12/2016 của Thủ tướng.
Tại thời điểm thành lập, các doanh nghiệp và tập đoàn lớn dưới đây sẽ được chuyển giao. Ngoài SCIC, còn có 21 tập đoàn, tổng công ty Nhà nước nắm giữ 100% vốn hoặc cổ phần chi phối lâu dài.
Các tập đoàn, tổng công ty là: Tập đoàn xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), Tập đoàn hóa chất Việt Nam (Vinachem), Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN), Tập đoàn dầu khí Việt Nam (PVN), Tập doàn công nghiệp cao su Việt Nam, Tập đoàn công nghiệp than khoáng sản Việt Nam (TKV).
Ngoài ra còn có Tập đoàn bưu chính viễn thông Việt Nam (VNPT), tập đoàn viễn thông VTC, Tổng công ty viễn thông MobiFone, Tổng công ty thuốc lá Việt Nam, Tổng công ty hàng không Việt Nam, Tổng công ty hàng hải Việt Nam, Tổng công ty đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam….
Doanh nghiệp xổ số vẫn ở lại địa phương
Theo đề án, đến năm 2020, các bộ, UBND các tỉnh thành phố phải hoàn thành việc chuyển giao đại diện chủ sở hữu vốn Nhà nước về “siêu ủy ban”.
Các doanh nghiệp không thuộc đối tượng chuyển giao là các doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an. Các doanh nghiệp thuộc 2 bộ này mà mà không đáp ứng tiêu chí an ninh, quốc phòng, việc chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu được thực hiện theo phương án do Thủ tướng quyết định.
Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục quản lý vốn Nhà nước tại ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng theo mô hình ngân hàng 2 cấp như hiện nay.
Một số doanh nghiệp cung cấp sản phẩm, dịch vụ công ích và các tổ chức kinh tế, tài chính đặc thù phục vụ công tác quản lý của các bộ cũng không phải chuyển về “siêu ủy ban”.
Ủy ban nhân dân cấp tỉnh sẽ tiếp tục quản lý công ty xổ số và doanh nghiệp cung cấp sản phẩm, dịch vụ công ích, phục vụ an sinh xã hội địa phương. Bao gồm cả các doanh nghiệp 100% vốn nhà nước và doanh nghiệp đã cổ phần hóa.
Theo Hiếu Công (Tri Thức Trực Tuyến)