"Tính ẩn danh của thương mại điện tử đã làm giảm nhiều rào cản mà phụ nữ phải đối mặt khi kinh doanh đồng thời cũng mang lại cơ hội để họ phát triển mạnh mẽ trong các lĩnh vực mới", Amy Luinstra, Giám đốc chương trình về giới khu vực Đông Á và Thái Bình Dương của International Finance Corporation cho biết.
Tuy nhiên, bà Luinstra cũng nói rằng nhiều bất bình đẳng mà phụ nữ phải đối mặt trong không gian bán lẻ truyền thống cũng đã "tràn vào thế giới trực tuyến", chẳng hạn như khả năng tiếp cận nguồn vốn.
Chính vì thế, Luinstra kêu gọi các nền tảng thương mại điện tử làm nhiều hơn nữa để phụ nữ nắm bắt cơ hội trên thị trường trực tuyến. Một số giải pháp then chốt được nêu ra là mở rộng nguồn tài chính dành cho phụ nữ, đào tạo và khuyến khích họ tham gia vào các lĩnh vực có giá trị cao hơn như điện tử. Làm được điều này, thị trường thương mại điện tử Đông Nam Á sẽ vượt mốc 260 tỷ USD vào năm 2030.
"Với các nền tảng có các phương án tài chính, đó sẽ là một cách tuyệt vời để thu hút nhiều phụ nữ hơn và giúp họ phát triển bằng cách đảm bảo rằng họ biết về những nguồn vốn này và có thể tận dụng chúng", Luinstra nói.
Báo cáo của International Finance Corporation, dựa trên số liệu của Lazada ở Đông Nam Á, cho thấy vào năm 2019, phụ nữ đã đạt được bình đẳng giới trong thương mại điện tử. Tuy nhiên, ngay cả với sự tăng vọt của ngành bán lẻ trực tuyến trong năm qua, những sự phát triển bất cân xứng đã khiến những tiến bộ này thụt lùi.
"Trước khi đại dịch xảy ra, phụ nữ nắm giữ quyền lợi của mình. Trong một số trường hợp, họ còn vượt trội hơn cả nam giới trong lĩnh vực này. Tuy nhiên, đại dịch đã khiến nhiều thứ thay đổi. Ví dụ, tại Philippines, trước đây phụ nữ chiếm 64% người bán hàng trên Lazada. Tuy nhiên, doanh số của họ đã giảm 27% trong đại dịch", Luinstra cho biết.
Chính từ thực tế này, báo cáo nhấn mạnh khoảng cách đã xuất hiện và thu hẹp khoảng cách đó chính là chìa khóa để tăng quy mô thị trường thương mại điện tử Đông Nam Á lên 260 tỷ USD vào năm 2030.
Theo Linh Anh (Doanh Nghiệp & Tiếp Thị)