"Đầu tư quan hệ, công nghệ phong bì" cứ dẫn dắt người ta như vậy thì lấy đâu ra sức để nghĩ ra cạnh tranh. Cái giá của tư duy quản, kiểm khiến thiệt hại vô cùng cho năng lực quốc gia, khiến nhiều doanh nghiệp (DN) buộc phải rút khỏi thị trường", chuyên gia Phạm Chi Lan nhấn mạnh.
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan: tư duy "thích", "nghiện" quản, kiểm của cơ quan Nhà nước hiện nay khiến nền kinh tế không có sức cạnh tranh |
Tại Diễn đàn về "Chính sách cho cạnh tranh quốc gia" vừa diễn ra sáng nay 3/10 tại Hà Nội, các chuyên gia đều khẳng định Việt Nam có chính sách, nói nhiều đến cạnh tranh nhưng trên thực tế quản lý Nhà nước kiểu quản, kiểm và áp đặt đã và đang triệt tiêu ý tưởng, tư tưởng lẫn hành động cạnh tranh.
Chuyên gia Phạm Chi Lan lấy ví dụ: Trong báo cáo Việt Nam 2035, giới chuyên gia kinh tế trong và ngoài nước cảnh báo: Hệ thống quản lý kinh tế của Việt Nam vừa tản quyền vừa thương mại hoá. việc gì cũng chia 5 xẻ 7 để quản lý, mà không ai chịu trách nhiệm cuối cùng. Thương mại hóa quyền lực thể hiện quá rõ bởi mỗi điều kiện kinh doanh (ĐKKD) đều gắn với một chi phí xin cho của DN.
Về những cản trở đối với cạnh tranh, bà Lan thống nhất với nhận định của các chuyên gia kinh tế hiện nay là: đang có tình trạng "thích", "nghiện" quản lý. "Nếu nghiện quản lý thì tốt vì nó là bệnh nghề nghiệp, nhưng cái nghiện quản lý hiện nay đằng sau nó, đi liền nó là quyền, là tiền, là lợi ích", bà Lan nói.
Nữ chuyên gia phân tích: "Cái gốc của sự việc này là không ai phân biệt rõ quyền hạn nên xảy ra tình trạng lạm quyền để đưa ra rào cản; thậm chí nhiều rào cản vượt qua cả các luật. Chính các cơ quan Nhà nước làm trước, sau đó mới đến các DN, người dân làm theo".
"Đầu tư quan hệ, công nghệ phong bì" cứ dẫn dắt người ta như vậy thì lấy đâu ra sức để nghĩ cách cạnh tranh. Cái giá của tư duy quản, kiểm khiến thiệt hại vô cùng cho năng lực quốc gia, khiến nhiều DN buộc phải rút khỏi thị trường", chuyên gia Lan nhấn mạnh.
Đánh giá về hệ quả của quản lý Nhà nước kiểu quản, kiểm hiện nay, bà Lan chỉ rõ: Cơ chế kinh tế kiểu xin cho đã nảy sinh những quan hệ nhùng nhằng và thiếu minh bạch trong xã hội và rất khó công phá. Bằng chứng là nền kinh tế đang tồn dư hơn 5.000 ĐKKD, đây là minh chứng cho tư duy và cách thức quản kiểm. Tuy nhiên, đâu là cơ sở pháp lý và thước đo hiệu quả để các bộ ngành đặt ra nhiều ĐKKD đến thế? Nó có hiệu quả ra sao thì chưa ai đánh giá được.
"Tại sao đưa ra nhiều rào cản, ĐKKD mà vấn đề kinh tế, xã hội vẫn luôn xảy ra như thực phẩm bẩn, ô nhiễm môi trường, trốn thuế, chuyển giá... Văn bản nhiều nhưng cơ quan quản lý Nhà nước đang bất lực hay chỉ thể hiện sự bất lực”, bà Lan nói.
Chuyên gia Lan cho rằng, một mặt Nhà nước đang khó nhọc tái cơ cấu, bỏ tiền của nỗ lực cải cách, nhưng mặt khác các cơ quan khác đưa ra hàng loạt hàng rào, thậm chí có nơi chống cải cách. Quốc hội vừa đưa Luật hỗ trợ DN nhỏ và vừa nhưng thử hỏi với hoàn cảnh như này, liệu rằng chúng ta có giải cứu nổi các DN nhỏ và vừa hay không?
Để Việt Nam có môi trường cạnh tranh, vị chuyên gia kinh tế kỳ cựu kiến nghị: Điều tiên quyết là phải thay đổi về tư duy người lãnh đạo, tranh luận hoài mà các cơ quan quản lý vẫn muốn quản, kiểm thay vì tạo cơ hội cho cạnh tranh năng lực. Thứ hai là phải có cơ chế giám sát quyền lực các bộ ngành, khi họ đẻ ra nhiều quyền lực mà không có biện pháp khắc chế và thứ ba phải cho người dân, DN phản biện chính sách, cùng tham gia "sửa" chính sách một cách tích cực.
Theo An Linh (Dân Trí)