Năm 2018, ông Đoàn Nguyên Đức (bầu Đức) nhiều lần điện thoại và viết một bức thư tay cho ông Trần Bá Dương – người đứng đầu Tập đoàn Thaco để gọi vốn vực dậy HAGL Agrico khi "siêu" doanh nghiệp nông nghiệp này chìm trong nợ nần, khó khăn bủa vây. Sự đồng ý của vị tỷ phú và cú bắt tay giữa 2 doanh nghiệp đã tạo nên một cú chấn động trên thị trường.
Một năm sau sự kiện ấy, khi chia sẻ cùng báo giới, bầu Đức – vị doanh nhân nổi tiếng với các phát ngôn nóng lại tiếp tục mạnh miệng nói về tương lai tươi sáng khi HAGL Agrico có sự tham gia của Thaco: "Anh Dương nhìn thấy vấn đề rất chính xác, đầu tư 1 tỷ USD thì không thể sai được". Và thực tế, từ ý định rót 1 tỷ USD vào HAGL Agrico, cuộc giải cứu đã phải kéo dài với số tiền vượt trội.
Tuy nhiên mới đây, phía doanh nghiệp của ông Trần Bá Dương đã thông báo ngừng đầu tư vào HAGL Agrico với những lý do rất "ngậm ngùi". Thagrico (công ty nông nghiệp của Thaco) sẽ dừng việc mua 741,5 triệu cổ phiếu của HAGL Agrico như đã thông qua tại ĐHĐCĐ bất thường trước đó. Đây là số cổ phiếu HAGL Agrico dự kiến phát hành cho Thagrico nhằm hoán đổi khoản nợ 5.500 tỷ đồng và sử dụng cho việc thanh toán các khoản phải trả ngắn hạn và dài hạn.
2 lý do nổi bật được đưa ra là (1) Thagrico đã đầu tư xây dựng hạ tầng, trồng mới cây ăn trái trên diện tích đất của các công ty đã chuyển nhượng, nhưng đến nay do không có giấy tờ đất, Thagrico không huy động được nguồn vốn để tiếp tục đầu tư cho các dự án này và (2) Từ đầu năm 2021 đến nay HAGL liên tục bán ra lượng lớn cổ phiếu HAGL Agrico, giảm tỷ lệ sở hữu xuống còn 16,34% và sẽ còn giảm xuống 11,43% trong khi theo phương án trước đó thì nhóm cổ đông HAGL phải duy trì tỷ lệ sở hữu tại HAGL Agrico là 25,24%. Việc này đã làm cổ phiếu giảm xuống dưới mệnh giá.
Quyết định này được đưa ra sau gần 3 năm "cộng khổ" nhưng không "đồng cam" của Thagrico và HAGL Agrico.
Vào năm 2018 khi hai bên thống nhất hợp tác, Thaco lập tức ứng hàng nghìn tỷ đồng để tạo thanh khoản tạm thời. Sau đó vài tháng, lãnh đạo hai bên mới chính thức thông qua hợp đồng mua bán trái phiếu chuyển đổi để Thaco và nhóm cổ đông liên quan sở hữu 35% HAGL Agrico.
Năm 2019, Thagrico đã chi ra tổng cộng 7.623 tỷ đồng nhận chuyển nhượng 3 công ty con của HAGL Agrico (tổng diện tích 22.462 ha tại Campuchia và Gia Lai), nhằm hỗ trợ về nguồn tiền cho công ty này trả nợ trung hạn ngân hàng.
Tiếp đó vào cuối năm 2020, công ty nông nghiệp của HAGL không có dấu hiệu thoát khỏi tình trạng "bơi trong biển nợ", ban lãnh đạo hai bên đã nhiều lần họp lại để đưa ra phương án giải quyết. Kết quả là Thaco đã tiếp tục dùng mua về 4 công ty con của HAGL với tổng diện tích 20.744 ha tại Koun mon (Campuchia) và tại Đắk Lắk, Giai Lai.
Tuy nhiên, phía HAGL và HAGL Agrico không thỏa thuận được với ngân hàng về thanh toán nợ nên toàn bộ giấy tờ đất của các công ty trên là tài sản thế chấp đang bị giữ lại ở BIDV.
Do đó, Thaco "bất đắc dĩ" phải tiếp quản luôn HAGL Agrico từ HAGL thông qua việc tăng vốn cho HAGL Agrico để cấn trừ nợ và có vốn để HAGL Agrico tiếp tục đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh trong giai đoạn 2021-2023.
"Đầu tư 1 tỷ USD thì làm sao sai được" – bầu Đức từng tự tin nói vậy nhưng kết quả sau 3 năm đầu tư vào HAGL Agrico, tỷ phú Trần Bá Dương đã phải dừng lại xem xét và nỗ lực tìm đường ra cho quyết định tỷ đô của mình.
Trước đó, Thaco đã thoái lui khỏi Thủy sản Hùng Vương của "vua cá tra" Dương Ngọc Minh sau hơn một năm "giải cứu" không thành.
Đầu năm 2020, ông Trần Bá Dương thông qua công ty con là Thadi đầu tư vào Hùng Vương, "vua cá tra" một thời như con thuyền thủng gặp được cứu hộ với hy vọng có thể được kéo vào bờ. Bức tranh hợp tác chiến lược giữa Thadi và Hùng Vương được định hướng như sau: Thadi sẽ đầu tư vào HVG với tỷ lệ 35% cổ phần, đồng thời tham gia hỗ trợ Thadi trong các hoạt động tái cấu trúc, chấn chỉnh lại chiến lược cũng như hỗ trợ những khó khăn về tài chính.
Thadi cũng sẽ đầu tư 65% vào liên doanh Thadi - HVG trong mảng sản xuất heo giống (bố mẹ) với quy mô 45.000 con trong năm 2020 với tổng giá trị đầu tư là 2.000 tỷ đồng, được triển khai tại An Giang và Bình Định. Đợt đầu trong tháng 3 năm 2020 này là 15.000 con.
Đồng thời hai bên sẽ đầu tư chăn nuôi heo thịt theo tiêu chuẩn thực hành của cơ quan an toàn thực phẩm châu Âu (EFSA) với quy mô 1.200.000 con/năm nhằm cung cấp sản phẩm sạch, chất lượng cao cho xuất khẩu và thị trường trong nước.
Tuy nhiên dưới sự điều hành của nhân sự và vốn tài chính từ phía Thaco, việc kinh doanh của Hùng Vương vẫn không đạt hiệu quả. Khép lại hơn 1 năm đầu tư, ông chủ Thaco thực hiện giao dịch cuối cùng vào ngày 2/7/2021. Trong đó, ông Trần Bá Dương bán toàn bộ gần 11,3 triệu cổ phiếu của Công ty cổ phần Hùng Vương (4,96% vốn), còn Công ty Sản xuất và Thương mại Trân Oanh bán hết 8,6 triệu cổ phiếu (3,79% vốn).
HAGL Agrico và Thủy sản Hùng Vương đều tham vọng xây dựng một đế chế hùng mạnh và rồi hai "ông lớn" này cùng đi đến khủng hoảng tương tự nhau khi lâm vào cảnh nợ nần và mất thanh khoản. Tỷ phú Trần Bá Dương có thể đã kỳ vọng nhiều vào hai cuộc "giải cứu" này, tuy nhiên kết quả của những "mối duyên nghìn tỷ" đều không mang màu sắc tươi sáng.
Tỷ phú có giấc mơ nông nghiệp lớn nhưng quyết định chi mạnh tay để vực dậy không chỉ một mà tới hai doanh nghiệp sa lầy như HAGL Agrico và Hùng Vương đã gặp quá nhiều khó khăn.
Theo Nguyễn Ánh (Trí Thức Trẻ)