Hơn 1,8 tấn vàng cung ứng ra thị trường thông qua đấu thầu
Nhằm mục tiêu bình ổn thị trường vàng, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã nối lại hoạt động đấu thầu vàng miếng SJC kể từ ngày 22/4. Đây là lần đầu tiên sau 11 năm nhà điều hành nối lại hoạt động đấu thầu vàng miếng.
Năm 2013, NHNN đã tổ chức 76 phiên đấu thầu bán vàng miếng, với tổng khối lượng trúng thầu 1.819.900 lượng trên tổng số 1.932.000 lượng chào thầu.
Từ 22/4 đến nay, đã có 9 phiên đấu thầu vàng miếng SJC được NHNN tổ chức. Với 6 phiên đấu thầu thành công, tổng khối lượng vàng miếng SJC đã được các thành viên trúng thầu là 48.500 lượng (485 lô), tương đương hơn 1,8 tấn vàng đã được các thành viên dự thầu (gồm các công ty kinh doanh vàng và các tổ chức tín dụng) mua vào, từ đó cung ứng ra thị trường.
Trong đó, hai phiên đấu thầu thành công nhất tính đến thời điểm này vào ngày 16/5 và 23/5, lần lượt 12.300 và 13.400 lượng vàng được đấu thầu thành công. Cả hai phiên này cũng có lượng thành viên trúng thầu cao nhất, 11 thành viên.
Sau một vài phiên có phần “ì ạch”, từ phiên thứ 6 (14/5), NHNN đã thay đổi điều kiện dự thầu bằng cách hạ lượng vàng tối thiểu mỗi thành viên được đấu thầu từ 7 lô (700 lượng) xuống 5 lô (500 lượng).
Việc điều chỉnh “luật chơi” cùng với sự ổn định dần của thị trường vàng, số lượng thành viên đăng ký dự thầu và trúng thầu đã tăng lên rõ rệt.
Thành viên dự thầu cũng bớt dè dặt khi tham gia đấu thầu vàng miếng từ NHNN khi trước đó họ lo ngại rủi ro biến động tỷ giá và không có lượng khách hàng đến mua vàng miếng SJC như tại Công ty SJC.
NHNN không công bố danh tính cụ thể các thành viên tham gia dự thầu trong các phiên. Song theo tìm hiểu của VietNamNet, luôn thường trực các "ông lớn" trong ngành kinh doanh kim loại quý ở mỗi phiên đấu thầu, như: Công ty SJC, Tập đoàn DOJI, Công ty PNJ, Công ty Phú Quý, Công ty vàng ASEAN. Bên cạnh đó là các một số ngân hàng thương mại.
Biện pháp mạnh với thị trường vàng
Song song với việc tổ chức hàng loạt phiên đấu thầu vàng miếng, NHNN đã thực hiện một loạt biện pháp nhằm bình ổn, lành mạnh hoá thị trường vàng trong thời gian này.
Do Công ty TNHH MTV Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) là doanh nghiệp nhà nước sở hữu 100% vốn, thuộc quản lý của UBND TP.HCM nên trong ngày 12/5, dù là ngày Chủ nhật nhưng NHNN đã có buổi làm việc trực tiếp với lãnh đạo UBND TP.HCM để bàn về giải pháp bình ổn thị trường vàng.
Tại cuộc họp, bên cạnh các giải pháp phối hợp giữa các bên liên quan, lãnh đạo UBND TP.HCM đã chỉ đạo Công ty SJC thực hiện ngay nhiệm vụ chính trị để ổn định thị trường vàng.
Ngày 17/5, NHNN ban hành Quyết định số 324/QĐ - TTGSNH2 thanh tra việc chấp hành chính sách, pháp luật trong hoạt động kinh doanh vàng của các TCTD, doanh nghiệp hoạt động kinh doanh vàng.
Nội dung gồm, thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về hoạt động kinh doanh vàng; thanh tra việc chấp hành các quy định pháp luật về phòng, chống rửa tiền; thanh tra việc chấp hành các quy định pháp luật về chế độ kế toán, lập và sử dụng hóa đơn, chứng từ; về kê khai và thực hiện nghĩa vụ thuế.
Thời kỳ thanh tra từ ngày 1/1/2020 đến ngày 15/5/2024, khi cần thiết có thể thanh tra trước hoặc sau thời kỳ nêu trên.
Đoàn thanh tra có sự tham gia của đại diện Thanh tra Chính phủ, Bộ Công an, Bộ Tài chính, Bộ Công Thương. Thời gian thanh tra 45 ngày. Đoàn thanh tra sẽ tiến hành thanh tra theo đúng quy định của Luật thanh tra và các quy định có liên quan.
Ngày 23/5 NHNN đã tổ chức công bố quyết định thanh tra việc chấp hành chính sách, pháp luật trong hoạt động kinh doanh vàng như đã nói trên.
Đối tượng thanh tra bao gồm: SJC, Doji, PNJ, Bảo Tín Minh Châu, TPBank và Eximbank.
Trong quá trình thanh tra, đoàn thanh tra có thể bổ sung thêm đối tượng thanh tra và nội dung thanh tra nếu cần thiết.
Thời gian tới, NHNN sẽ phối hợp với các bộ, ngành có liên quan tăng cường triển khai đồng bộ các giải pháp quản lý nhà nước đối với hoạt động kinh doanh vàng; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật đối với hoạt động này.
NHNN sẽ tiếp tục triển khai các biện pháp can thiệp, tăng cung vàng miếng SJC, thu hẹp chênh lệch giữa giá vàng SJC trong nước và giá vàng quốc tế với những cách tiếp cận mới để đạt được kết quả một cách bền vững...
Ngoài ra, NHNN sẽ tiến hành tổng kết đầy đủ việc thực hiện Nghị định 24/2012/NĐ-CP, đề xuất sửa đổi, bổ sung trên cơ sở bám sát chủ trương, đường lối của Đảng, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong việc quản lý thị trường vàng, phù hợp với tình hình thực tiễn; ngăn chặn có hiệu quả tình trạng vàng hóa nền kinh tế; không để biến động giá vàng ảnh hưởng đến tỷ giá, lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô; nâng cao vai trò quản lý và điều tiết thị trường vàng của Nhà nước theo đúng quy định, bảo đảm an ninh kinh tế, an ninh tài chính, tiền tệ quốc gia và trật tự an toàn xã hội.
Theo Tuân Nguyễn (VietNamNet)