Trong phiên đấu thầu vàng miếng SJC do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tổ chức ngày 23/4, có 7 ngân hàng và 4 doanh nghiệp dự thầu. Tổng khối lượng vàng miếng đưa ra đấu thầu là 16.800 lượng.
Tuy nhiên, chỉ có 2 đơn vị trúng thầu số lượng là 34 lô, tương đương với 3.400 lượng vàng. Giá trúng thầu cao nhất là 81,33 triệu đồng/lượng, thấp nhất là 81,32 triệu đồng/lượng. Mức giá trúng thầu này cao hơn 620.000-630.000 đồng so với giá tham chiếu 80,7 triệu đồng.
Kết quả phiên đấu thầu vàng cho thấy, chỉ được khoảng 20% lượng vàng có chủ mới, lượng vàng còn “ế” chiếm gần 80%.
Vì sao đấu thầu vàng “ế”?
Trao đổi với PV VietNamNet, ông Huỳnh Trung Khánh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam, cố vấn Hội đồng Vàng thế giới tại Việt Nam, cho biết nguyên nhân chính do giá vàng quốc tế biến động quá lớn. Từ đêm 22/4 đến sáng 23/4, giá vàng thế giới giảm đến 60 USD/ounce.
Cùng với đó, giá tham chiếu để tính giá trị đặt cọc mà NHNN đưa ra ở mức 80,7 triệu đồng/lượng vẫn còn cao, khiến các đơn vị sợ rủi ro.
Hơn nữa, theo ông Khánh, NHNN quy định khối lượng đấu thầu tối thiểu một thành viên được đặt là 14 lô (1.400 lượng), tương đương khoảng 113 tỷ đồng. Như vậy, việc phải bỏ ra một số tiền không nhỏ nhưng chưa biết lời lỗ ra sao khiến các đơn vị cũng ngập ngừng không tham gia.
“Một số đơn vị là hội viên kinh doanh vàng cũng chia sẻ băn khoăn rằng quy định khối lượng đấu thầu tối thiểu tương đối cao, mà quý II thường là mùa thấp điểm của tiêu thụ vàng. Do đó, trong khi giá vàng thế giới có xu hướng điều chỉnh mạnh, nếu không kịp bán ra, họ sẽ lỗ. Nếu quy định khối lượng đấu thầu tối thiểu chỉ khoảng 500-700 lượng, có lẽ sự tham gia của các đơn vị sẽ mạnh mẽ hơn”, ông Khánh nói.
Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cũng cho rằng, giá vàng thế giới biến động, khó đoán định. Còn đối với những đơn vị kinh doanh vàng thường bán bao nhiêu thì mua bấy nhiêu, chứ họ không đầu cơ vàng. Cũng giống như năm 2013, các phiên đấu thầu đầu tiên bao giờ cũng mang tính chất thăm dò, thận trọng, lượng trúng thầu không cao… nên phiên đấu thầu năm nay cũng vậy và điều này không phải là bất ngờ.
Cho rằng đấu thầu vàng chỉ là giải pháp tình thế, tạm giải quyết nguồn cầu trước mắt, song chia sẻ với VietNamNet, chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển đánh giá, đấu thầu vàng là giải pháp an toàn để để tăng cung, ai trả giá cao hơn mới bán, bảo đảm giá vàng sát giá thị trường.
Thế nhưng, theo ông Hiển, với các doanh nghiệp mua cũng sẽ có rủi ro nhất định, kể cả trường hợp có thể mua được với giá đấu thấp hơn giá thị trường.
“Bất cứ lúc nào giá vàng cũng có thể quay đầu giảm; trong khi nhu cầu mua thật với giá cao vẫn là dấu hỏi nếu doanh nghiệp đấu thầu thắng. Chênh lệch giữa giá trong nước và quốc tế cũng vẫn cao… Vì thế, chỉ những doanh nghiệp có nguồn lực lớn, tính được nguồn khách hàng mua thì mới mạnh dạn đấu thầu”, ông Hiển cho hay.
Cần thay đổi
Nếu NHNN vẫn có ý định đấu thầu tiếp, thì Phó Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam góp ý rằng, giá tham chiếu nên lấy giá đêm hôm trước hoặc đầu ngày của SJC, có thể bằng hoặc thấp hơn giá mua vào của công ty.
Cùng với đó, nên điều chỉnh giảm khối lượng đấu thầu tối thiểu xuống một nửa như quy định tại phiên đấu giá hôm 23/4. Như vậy sẽ thu hút các đơn vị tham gia nhiều hơn.
Trong khi đó, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long lưu ý, cần xem dự báo tình hình kinh tế thế giới và trong nước cũng như dự báo xu hướng biến động giá vàng. Đặc biệt, cần biết được nhu cầu vàng hiện nay là bao nhiêu.
“Vẫn nên tiếp tục đấu thầu thời gian tới, nhưng cần tìm hiểu nhu cầu là bao nhiêu? Mỗi phiên đấu thầu, số lượng đưa ra đấu bao nhiêu cũng cần tính toán hợp lý hơn để thu hút các đơn vị tham gia tăng lên. Đồng thời, quy định giá tối thiểu nhưng cũng cần quy định giá bán tối đa, không được bán vượt giá trần quy định khi trúng đấu thầu”, ông Long nói.
Tuy nhiên, vị chuyên gia cũng cho rằng, dùng biện pháp đấu thầu chỉ giải quyết được vấn đề cấp bách. Do vậy, cũng cần tính biện pháp lâu dài. Theo đó, ông Long đề xuất, giải pháp dài hạn là cần thay đổi nhanh chóng Nghị định 24. Đồng thời, ngoài việc quản lý vàng vật chất, cần chú ý đến vàng tài khoản, vàng kỳ hạn, chứng chỉ vàng… mới phù hợp với thông lệ quốc tế, kéo bớt chênh lệch giá và tuân thủ quy luật thị trường.
Theo Nguyễn Lê (VietNamNet)