Vài năm trở lại đây, dâu tây Mộc Châu (Sơn La) không còn là cái tên mới lạ với người tiêu dùng Hà Nội. Đến mùa trái chín, thứ quả thơm ngon của cao nguyên Mộc Châu thường xuất hiện ở các cửa hàng trái cây, cửa hàng thực phẩm sạch hay ở một vài hệ thống siêu thị, tuy nhiên số lượng không nhiều.
Tuy nhiên, thời điểm này, dâu tây hana Mộc Chậu lại đổ bộ thị trường Hà Nội với số lượng cực lớn. Dâu được bày bán khắp các chợ, siêu thị, cửa hàng, được rao bán la liệt trên “chợ mạng”.
Đáng chú ý, những trái dâu tây hana chín đỏ, căng mọng bắt mắt được bán với nhiều mức giá khác nhau, dao động từ 200.000-350.000 đồng/kg tuỳ loại. Riêng loại vip giá khoảng 450.000-500.000 đồng/kg, có cửa hàng còn bán dâu tây hana Mộc Châu siêu vip (quả to như dâu quạt Nhật Bản) với giá lên tới 800.000 đồng/kg. Phần lớn dâu tây đều được đóng theo hộp với trọng lượng 500 gram/hộp.
Chị Nguyễn Thu Uyên - đầu mối bán dâu tây hana Mộc Châu ở Mỹ Đình (Nam Từ Liêm, Hà Nội) - thừa nhận, loại quả này đang vào chính vụ thu hoạch trên Mộc Châu, đặc biệt thời tiết những gần đây nắng ấm nên dâu chín rộ, hàng về ồ ạt bán không kịp.
Dâu năm nay chín đỏ mọng, đẹp hơn rất nhiều những năm trước, trái ăn ngọt lịm nhưng giá lại rẻ hơn do nguồn cung dồi dào. Theo chị Uyên, đây chính là lý do mà dân Hà Nội dịp này rất chuộng mua về ăn.
Chị Uyên đang nhập dâu tây hana trực tiếp từ các nhà vườn ở Mộc Châu. Dâu sẽ được nhà vườn thu hái, đóng hộp để tránh bị dập nát rồi chuyển xuống Hà Nội ngay trong đêm. Sớm hôm sau, chị ra bến xe nhập hàng về bán cho khách, đảm bảo dâu luôn tươi ngon.
Số lượng dâu bán không cố định bởi còn phụ thuộc vào lượng dâu chín mà các nhà vườn thu hái được ít hay nhiều. Có ngày hàng chỉ về khoảng 60-70 kg, nhưng có ngày về tới 1,5-2 tạ. Thời điểm này, chị chỉ nhập sẵn loại dâu cỡ vừa giá 200.000 đồng/kg, cỡ to giá 280.000 đồng/kg. Riêng cỡ vip giá 450.000 đồng/kg do giá tương đối đắt đỏ nên chỉ nhập vừa đủ số lượng khách đặt trước đó, chị cho hay.
Chị Trương Thị Cẩm Hương, chủ cửa hàng trái cây ở Lê Trọng Tấn (Thanh Xuân, Hà Nội), chia sẻ, chị cũng chỉ nhập một lượng vừa đủ trả đơn khách đặt do dâu tây Mộc Châu rất khó bảo quản. Cứ hai ngày chị trả đơn khách đặt một lần, số lượng trên dưới 1 tạ.
“Tôi bán dâu tây hana Mộc Châu đã 3 năm, nhưng năm nay là có nguồn cung dồi dào nhất vì các nhà vườn giờ trồng rất nhiều. Đặc biệt, năm nay thời tiết thuận lợi, dâu được mùa, trái chín đỏ mọng, ngọt thơm nên rất hút khách”, chị nói.
Những năm trước, chị Hương phải gom mua cả tuần mới được vài chục cân dâu trả khách, có khi còn phải chờ 4-5 ngày mới có.
Trao đổi với PV. VietNamNet, anh Nguyễn Văn Hùng - một nhà vườn trồng dâu hana tại Mộc Châu - cho biết, vài năm trở về trước, các vườn dâu hana khá hiếm, số lượng đếm trên đầu ngón tay. Giờ thì dân trồng nhiều không đếm xuể, nguồn cung vì thế cũng tăng mạnh.
Theo anh Hùng, giống dâu này có xuất xứ từ Nhật Bản, tên gốc là dâu tây Tochiotome. Cách đây gần chục năm, một anh chàng người Nhật Bản tên Nahana Shojiro đã quyết định sang Việt Nam sinh sống và chọn Mộc Châu là vùng đất dừng chân. Anh mang theo giống dâu tây trồng thử nghiệm ở Mộc Châu.
Sau một thời gian, dâu tây Tochiotome cho thu hoạch với trái màu đỏ đậm, căng mọng, ăn ngọt thơm, khác hoàn toàn dâu tây Mỹ và Hàn Quốc, được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng. Giống dâu này dần được nhân rộng, trồng ngày càng nhiều ở Mộc Châu. Thế nhưng, vì tên dâu tây Tochiotome khá khó đọc nên người dân cao nguyên lấy tên của anh nông dân Nahana Shojiro để đặt tên cho giống dâu tây này, mục đích chính là dễ gọi và dễ nhớ. Từ đó, dâu tây Tochiotome có tên mới là “dâu tây hana”.
Dâu tây hana chỉ có theo mùa, hiện đang là chính vụ thu hoạch. Vườn của anh Hùng thu được khoảng 2-3 tạ dâu mỗi ngày, có ngày thu tới 5 tạ.
“Loại quả này chủ yếu bán tại thị trường Hà Nội, các tỉnh phía Bắc khác rất ít bởi so với các loại trái cây khác, giá dâu tây hana vẫn tương đối cao”. Song theo anh Hùng, người dân Thủ đô cực kỳ chuộng dâu hana nên hàng chín đến đâu được các đầu mối lấy sỉ hết đến đó.
Anh Trần Quang Duy - nhà vườn trồng dâu tây ở Bản Áng (Mộc Châu) nói thêm, dâu hana được biết đến khoảng 7 năm nay, nhưng trồng nhiều thì chỉ 2-3 năm trở lại đây. Đặc biệt, năm ngoái, các nhà vườn đều tăng diện tích trồng giống dâu này.
Thường thì dâu tây được thu hoạch từ tháng 2 đến khoảng tháng 4. Vườn dâu 2.000 m2 của anh đang chín rộ, cứ 3 ngày cho thu hái một lần với sản lượng 50-70 kg. Số dâu này được anh đưa về Hà Nội bán lẻ với giá từ 200.000-450.000 đồng/kg. Dâu bán tương đối đắt hàng, thường bán hết trong ngày, không có hàng tồn đến hôm sau, anh Duy cho hay.
Theo Tâm An (VietNamNet)