Trong những tháng gần đây, nền kinh tế Trung Quốc đã giảm tốc đáng kể và trở thành một thách thức không nhỏ vởi chính quyền Bắc Kinh. Nếu người dân trong nước lo ngại về tăng trưởng cũng như tỷ lệ nợ cao thì trên chính trường quốc tế, Trung Quốc đang gặp thách thức từ Mỹ về vấn đề thương mại.
Đối với nhiều người lao động Trung Quốc, Tết nguyên đán năm nay có thể kém vui vì nhiều thông tin xấu. Anh Yu Hong, một công nhân 46 tuổi của một nhà máy sản xuất bóng đèn ở Đông Quan đã phải về quê ăn Tết sớm gần 3 tháng mà không có tiền thưởng hay lương nào được thanh toán. Nhà máy nơi anh Yu làm việc đã cắt giảm tiền lương cũng như giờ làm vài tháng nay do thiếu hụt hợp đồng.
"Tình hình bây giờ đã hoàn toàn khác trước. Đối với những lao động nông thôn như chúng tôi, chúng tôi chỉ muốn kiếm thêm tiền chứ không quan tâm đến thứ khác", anh Yu nói.
Mới đây, chính phủ Trung Quốc bất ngờ thông báo số liệu cho thấy ngành bán lẻ và sản xuất công nghiệp của nước này giảm tốc. Rất nhiều chuyên gia kinh tế nhận định tình hình kinh tế Trung Quốc hiện đối mặt rủi ro tồi tệ nhất kể từ cuộc khủng hoảng 2008 đến nay, thời điểm mà chính quyền Bắc Kinh phải bơm hàng nghìn tỷ USD vào thị trường để tránh suy thoái kinh tế.
"Chủ tịch Tập Cận Bình ví kinh tế Trung Quốc như một vùng biển mà không cơn bão nào có thể gây ảnh hưởng, nhưng sự thật là những dấu hiệu rủi ro cho thấy điều ngược lại", chuyên gia kinh tế Diana Choyleva của Enodo Economics nhận định. Bà Diana dự đoán tăng trưởng thật sự của Trung Quốc thậm chí sẽ còn xuống thấp hơn cả thời kỳ khủng hoảng 2008.
Trong vòng 20 năm qua, tăng trưởng kinh tế tại Trung Quốc đã khiến vị thế của chính quyền Bắc Kinh hoàn toàn thay đổi trên chính trường thế giới.
GDP của Trung Quốc đã tăng từ 364,5 tỷ Nhân dân tệ, tương ứng 243 tỷ USD với tỷ giá 1 USD đổi 1,5 Nhân dân tệ năm 1978 lên 82,7 nghìn tỷ Nhân dân tệ, tương ứng 12,6 nghìn tỷ USD với tỷ giá 1/6,6 năm 2017, mức tăng 200 lần theo Nhân dân tệ.
Năm 2017, thu nhập khả dụng bình quân đầu người của Trung Quốc lập kỷ lục mới với 25.974 Nhân dân tệ (3.936 USD). Trong 40 năm qua, khoảng 740 triệu người Trung Quốc đã thoát khỏi cảnh đói nghèo, tương đương 70% tổng số người thoát nghèo trên toàn thế giới trong cùng kỳ.
Kể từ khi Trung Quốc gia nhập Tổ chức thương mại quốc tế (WTO) và đăng cai thành công Olympics 2008, chính quyền Bắc Kinh hầu như chưa một lần nào phải nhờ đến sự trợ giúp của nước ngoài khi đối mặt với các thách thức lớn.
Sự tăng trưởng kinh tế dài hạn cùng việc vượt qua được cuộc khủng hoảng 2008 khiến Trung Quốc ở một vị thế khác hoàn toàn so với thời kỳ mới mở cửa.
Tuy nhiên, cuộc chiến thương mại và những áp lực mà cộng đồng quốc tế tạo ra cho Trung Quốc khiến chính quyền Bắc Kinh giờ đây lại phải đối mặt với nhiều thách thức mới. Vụ bắt giữ giám đốc tài chính Huawei của Mỹ gần đây cho thấy Trung Quốc có phản ứng khá yếu ớt khi chỉ tạo được áp lực cho Canada mà chưa có động thái chính thức nào về phía Nhà Trắng. Rõ ràng, Trung Quốc không muốn làm căng thẳng thêm chiến tranh thương mại và đang nằm ờ thế yếu.
"Trung Quốc mới tuyên bố rằng nền kinh tế của họ tăng trưởng chậm hơn dự đoán và nguyên nhân là do cuộc chiến thương mại với chúng ta", Tổng thống Mỹ Donald Trump đăng trên Twitter cho thấy bản thân nhà lãnh đạo cũng đã nhìn ra được tình hình.
Trước đây Trung Quốc kiểm soát khá chặt các mảng tài chính và công nghiệp nặng nhằm đảm bảo sự ổn định của nền kinh tế. Tuy nhiên việc can thiệp quá sâu vào 2 thị trường này khiến chúng mất các vai trò cơ bản đối với nền kinh tế và gặp nhiều thách thức hơn so với những quốc gia khác.
Những đòn đánh cũ
Nhận thức được vấn đề, chính quyền Bắc Kinh bắt đầu áp dụng các phương pháp cũ giúp họ vượt qua được cuộc khủng hoảng 2008 trước đây, đó là tăng cường cho vay cũng như bơm vốn vào thị trường. Các quan chức yêu cầu ngân hàng gia tăng tín dụng cho mảng kinh tế tư nhân. Các bộ trưởng cam kết sẽ đền bù cho doanh nghiệp nếu không sa thải lao động. Những cuộc kiểm tra về chất lượng môi trường được nới lỏng, khiến các nhà máy gây ô nhiễm vẫn có thể hoạt động và tạo việc làm.
Trong khi đó, Ngân hàng trung ương Trung Quốc (PBOC) đẩy càng nhiều tiền ra thị trường còn những ngân hàng quốc doanh thì tăng cường cho chính phủ địa phương và các công ty quốc doanh vay vốn đầu tư.
Tờ South China Morning Post thì cho biết nhiều khả năng Trung Quốc sẽ thực hiện chiến dịch giảm thuế trị giá 1,64 nghìn tỷ Nhân dân tệ vào năm 2019 hay thậm chí tiến hành giảm thuế trong nhiều năm, ví dụ như cắt giảm 5 nghìn tỷ Nhân dân tệ tiền thuế trong vòng 3 năm nhằm lấy lại niềm tin của dân chúng và doanh nghiệp.
Một số chuyên gia kinh tế dự đoán Trung Quốc sẽ lấy lại được đà tăng trưởng vào năm sau bởi nước này đã tránh được cuộc khủng hoảng sa thải lao động như đã từng diễn ra trong cuộc khủng hoảng 2008. Dẫu vậy, nhiều chuyên gia khác lại cho rằng Trung Quốc khó thành công với bài cũ soạn lại.
Suốt từ cuộc khủng hoảng 2008 đến nay, Trung Quốc đã kiểm soát chặt hệ thống tài chính nhưng những khoản nợ xấu vẫn tăng đều. Ngân hàng vẫn cấp thêm vốn cho các dự án không hiệu quả bởi chính phủ đang muốn bơm thêm tiền cho nền kinh tế. Hệ quả là khi Bắc Kinh muốn cung cấp một gói kích thích mới, dư nợ của thị trường này đã cao gần gấp đôi so với cuộc khủng hoảng cách đây 10 năm và khiến rất nhiều nhà đầu tư lo ngại rút vốn tháo chạy.
Tháng 11/2008, khi chính quyền Bắc Kinh tung gói kích thích 4 nghìn tỷ Nhân dân tệ (586 tỷ USD), tỷ lệ nợ theo GDP của nước này chỉ vào khoảng 150% thì vào năm 2017, con số này đã vượt 260% và vẫn tăng dần.
Như thường lệ, Trung Quốc vẫn công bố kinh tế nước này tăng trưởng 6,5% trong quý III/2018 so với cùng kỳ năm trước, nhưng đầu tư nước ngoài tại đây đã giảm. Doanh số bán xe trong 3 tháng qua tại Trung Quốc đã giảm với mức kỷ lục còn thị trường bất động sản đang dần đóng băng do lo ngại khủng hoảng.
Lao động về quê sớm
"Chúng tôi chẳng có nhiều việc để làm, bởi vậy tôi quyết định về quê ăn tết sớm", cô Li Shulian, lao động 46 tuổi tại nhà máy nhựa ở Đông Quan nói.
Công ty của cô Li đã thực hành cắt giảm giờ làm từ tháng 10/2018 cũng như giảm tiền công khiến gia đình cô bị giảm thu nhập rõ rệt. Họ quyết định đặt vé về quê ăn Tết sớm thay vì sống lay lắt tiếp trong 2 tháng tới.
"Tôi chưa vào giờ phải về quê ăn Tết sớm như thế này kể từ khi tôi rời quê hương năm 2005", cô Li bức xúc nói.
"Năm nay mọi người về quê ăn Tết sơm hơn so với mọi năm", anh Judy Ahu, chủ một tiệm bán vali tại Đông Quan nhận định.
Ông Li Xiaohong, một công nhân xây dựng 50 tuổi tại Guangzhou cũng ngậm ngùi thừa nhận công việc giờ đây không còn nhiều như trước.
"Tôi từng rất bận với 12 tiếng làm việc mỗi ngày và chỉ được nghỉ 3-5 ngày mỗi tháng. Giờ đây chúng tôi lại chẳng có việc mấy để làm", ông Li chán nản nói.
Không riêng gì lao động tay nghề thấp, ngay cả những thành phần tri thức hoặc chủ doanh nghiệp nhỏ cũng cảm thấy áp lực.
"Tôi vẫn cảm thấy khá áp lực khi nghĩ về công việc làm ăn vào mùa đông sau Tết. Rất nhiều bạn bè của tôi kinh doanh nhỏ cũng lo ngại về năm tới", cô Cyril Liu, kỹ sư 23 tuổi tại Đông Nam Trung Quốc đã phải về quê sớm do công ty ít việc.
Theo AB (Soha/Thời Đại)