Trong khi lợn thịt được giải cứu thì lợn nái, lợn con cai sữa (còn gọi lợn giống) ở các trang trại nuôi lợn nái có qui mô từ 100 con trở lên đang thật sự bế tắc vì không có phương án giải quyết.
Theo một cán bộ Trạm thú y huyện, những năm 2014-2015, trong khi giá cao su chạm đáy dưới mức 30 triệu đồng/tấn thì giá lợn hơi lại ở đỉnh cao 45-50 ngàn đồng/kg nên rất nhiều nhà vườn cao su có diện tích 20 ha trở lên ùn ùn đầu tư chuồng trại, trong đó phần lớn là tập trung nuôi lợn nái để bán giống (phổ biến là lợn con cai sữa sau 45 ngày, trọng lượng đạt 13-15 kg/con-PV) do đầu ra lúc đó thuận lợi, đi đâu cũng có người chăn nuôi lập đàn, tái đàn.
Ông Nguyễn Ca, ở xã Phước Hòa, ngoài 24 ha cao su gia đình đang sở hữu, ông còn nuôi 300 lợn nái xen kẽ trong lô cao su từ giữa năm 2013 nên đã có thời gian khá dài ông “đếm tiền” mệt nghỉ nhờ lợi nhuận thu được từ lợn nái, tại thời điểm đó mỗi con lợn giống luôn bán ở mức 1,1 triệu đồng trở lên, tức lãi khoảng 600 ngàn đồng/con.
Mỗi năm 1 lợn nái đẻ 2-2,5 lứa, mỗi lứa thấp nhất 8 con, nên trong chuồng cứ vài tháng là ông Ca có 500-1.000 lợn con cai sữa xuất chuồng. Cách đây nửa tháng, ông bán 1 lợn con giống giá 400 ngàn đồng, tức đã mất 700 ngàn đồng lợi nhuận so với trước, còn ngày 3/5 giá chỉ còn 200 ngàn đồng nhưng không có người mua.
“Một tháng tui chi phí thức ăn 200 triệu cộng với 60 triệu đồng trả nhân công. Hiện nay, trong chuồng còn tồn đọng 400 con lợn giống, trước đây bán được hơn 400 triệu, còn nay chỉ có 80 triệu.
Thế nhưng, sau lễ 30/4 mới có người điện thoại đặt mua 100 con với yêu cầu chủ trại “bán 1 tặng 1” mình nghe vậy cũng vui vẻ chấp nhận. Bởi trong lúc đàn heo đang khủng hoảng thừa, giá rớt kỷ lục có 24 ngàn đồng/lợn hơi mà thời điểm này cũng có người điện đến hỏi mua giống là mừng lắm rồi!”, ông Ca chia sẻ.
Ông Lê Tài, xã An Điền, huyện Bến Cát, có diện tích trồng cao su với hơn 40 ha, trong 3 năm 2014-2016 do giá mủ thấp nên ông Tài có nguồn thu nhập chính là nhờ vào tổng đàn lợn nái lên đến 450 con được ông đầu tư từ đầu năm 2015.
Cũng giống ông Ca, ông Mạnh nuôi nái chủ yếu bán giống, lợn giống sau khi đạt trọng lượng cỡ 6-8 kg là ông tung ra thị trường với giá bán bình quân 500 ngàn đồng/con.
Do không ai dám lập đàn, tái đàn nên các Trại lợn nái bán lợn giống khuyến mại “bán 1 cho 1” |
“Tui chủ trương bán lợn con cai sữa 25-30 ngày, cân nặng khoảng 6-8 kg là đáp ứng yêu cầu, có thời điểm tôi bán một lần 2.000 con thu về cả tỷ đồng mà nhu cầu người nuôi vẫn có, tui phải đi bắt lợn giống ở các trại chung quanh về bán lại, mỗi con “ăn” hoa hồng 50 ngàn đồng.
Hiện nay, trong trại còn tồn khoảng 1.200 lợn giống 30 ngày tuổi, tui quyết định giảm giá xuống 100 ngàn đồng/con, đồng thời khuyến mãi “bán 1 cho 1” từ ngày 25/4 nhưng đến nay không thấy ai đến hỏi thăm.
Trước mắt, nhằm tự giải cứu đàn lợn nái của mình, càng để lâu càng “chết” vì chi phí thức ăn, tui quyết định loại bớt 100 con mặc dù chưa tới thời kỳ loại thải bằng cách phải giết mổ ở nhà và tự mang đi tiêu thụ, nếu thị trường bán 70 ngàn đồng/kg thịt nạc, tôi sẽ bán rẻ phân nửa. Theo dự tính, khoảng 20 ngày là tôi sẽ giảm bớt 100 nái, tức 1 ngày giết mổ 5 con.
- Tại sao ông không bán lợn nái hơi luôn cho tiện? - Tôi hỏi.
“Hiện nay, bán lợn nái thì thương lái ép giá quá rẻ ngang bằng với nái loại thải chỉ hơn 1 triệu đồng/con nhưng cân nặng 150 kg, trong khi mình tự giết mổ mang đi tiêu thụ, sau khi hết trừ chi phí, có thể thu về 4-5 triệu đồng/con. Rõ ràng, cái nào lợi là mình làm thôi”, ông Tài quả quyết.
Tại tỉnh Đồng Nai, giá bán lợn con cai sữa chỉ còn khoảng 200 ngàn đồng/con. Giá bán này vừa đủ bù chi phí tiêm phòng vacxin, còn mọi chi phí khác coi như lỗ. Chính vì giá bán lợn giống quá thấp nên người chăn nuôi cũng đang mạnh tay loại bớt đàn lợn nái. Chỉ riêng tại huyện Thống Nhất, thống kê sơ bộ cho thấy trong hơn 3 tháng qua, đàn lợn nái tuy chưa tới thời kỳ phải loại thải, nhưng các trang trại, hộ chăn nuôi cũng đã mạnh tay giảm đàn với số lượng không dưới 20 ngàn nái. |
Theo Nhật Vy (Nông Nghiệp Việt Nam)