19h tối thứ hai (ngày 27/7), hơn 3 tháng sau khi Hà Nội hết cách ly, trục Phố Huế, Hàng Bài dài gần 2 km vẫn chưa trở lại nhộn nhịp người mua kẻ bán như trước. Cứ cách vài nhà có 1-2 cửa hàng đóng cửa nghỉ hoặc treo biển cho thuê mặt bằng.
Tuyến phố Hàng Bông, Hàng Gai vốn kinh doanh mặt hàng lụa, đồ thủ công, áo quần cũng tĩnh lặng với hàng loạt dãy cửa cuốn cũng được kéo sập. Chủ cửa hàng áo quần số 12 Hàng Bông cho biết đã chuyển địa điểm kinh doanh sang phố Hàng Mành. "Giá thuê mềm hơn, không khí kinh doanh cũng ít ảm đạm hơn chỗ cũ", chị này nói.
Theo khảo sát của VnExpress, giá cho thuê mặt bằng những cửa tiệm 8–11 m2 ở phố Hàng Bông 10–12 triệu đồng một tháng, giảm 2–3 triệu đồng so với trước Covid-19. Chủ nhà thường yêu cầu đóng tiền 6 tháng một lần. Có chủ nhà để giữ khách đồng ý duy trì mức giá đã giảm trong 1,5–2 năm.
Một chủ nhà có mặt tiền cho thuê 4 m2, diện tích sàn hơn 80 m2 cho 3,5 tầng ở phố Huế cho biết, trước Covid-19 giá thuê là hơn 100 triệu đồng một tháng. Mặt bằng này được 2 cửa hàng quần áo thuê chung. Sau dịch bệnh, một trong hai không trụ nổi nên trả mặt bằng buộc người còn lại, dù tiếc nuối, phải rút lui vì không gánh được toàn bộ. Giá thuê mới vì thế giảm 11,5 triệu đồng một tháng.
Theo khảo sát không chính thức của JLL, giá cho thuê nhà mặt phố ở thị trường Hà Nội giảm từ 20% trở lên so với trước.
Khảo sát CBRE cuối tháng 4 với 200 khách thuê mặt bằng bán lẻ để đo lường phản ứng về Covid-19 cũng phần nào cho thấy thực trạng ảm đạm này. 79% khách thuê lo ngại môi trường kinh doanh 6 tháng cuối năm sẽ xấu hơn. 43% khách thuê cho rằng doanh thu sẽ giảm 10–30% trong 2020.
Chia sẻ với VnExpress mới đây, đai diện các đơn vị tư vấn về thị trường cũng nhìn nhận mặt bằng cho thuê "ngấm đòn" nặng.
Bà Nguyễn Hồng Vân, Giám đốc thị trường Hà Nội của JLL nói: "Các ngành hàng đều có sự dè dặt nhất định trong việc thuê và mở mới các địa điểm kinh doanh. Dịch bệnh trong quý I đã ảnh hưởng lớn đến hiệu quả của các cửa hàng thuê nhà mặt phố". Quý II, thị trường có sự phục hồi nhưng còn nhiều hạn chế khi sức mua phụ thuộc hoàn toàn vào khách nội địa.
Ông Lê Tuấn Bình, Trưởng bộ phận cho thuê thương mại Savills Hà Nội nhận định,Các ngành hàng sẵn sàng trả mức giá cao hơn cho mặt bằng đẹp đã ít hơn so với trước đây. Giá thuê mặt bằng bán lẻ nhà phố sẽ có điều chỉnh hợp lý hơn sau Covid-19.
Báo cáo của Batdongsan.com.vn cho biết lượng tin đăng cho thuê nhà mặt phố Hà Nội trong quý II đã tăng 6% so với quý I. Tuy nhiên, giá cho thuê nhà tiếp tục giảm xuống trong quý II. Đơn cử khu vực Hai Bà Trưng giá cho thuê giảm 4%.
Các vị trí thường bị trả lại mặt bằng bao gồm các địa điểm "đất vàng" có giá thuê cao tại các khu trung tâm quận Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng như phố Tràng Tiền, Hàng Gai, Hàng Bông, Phố Huế, đại diện Savills cho biết.
Theo JLL, các vị trí này thường nằm trong nhóm 1 – mặt bằng đắc địa của mặt bằng nhà phố, như mặt tiền lớn, nằm ở góc phố. Khách hàng chủ yếu của nhóm này là công ty kinh doanh theo chuỗi về thời trang, nhà hàng, cafe... Trước đây, với nhu cầu rất lớn trong khi nguồn cung hạn chế, giá thuê địa điểm thường bị đẩy lên rất cao. Do đó, khi tình hình kinh doanh khó khăn, khách hàng sẽ có sự cân nhắc.
Các công ty kinh doanh theo chuỗi sẽ "soi" các cửa hàng ở vị trí đắt đỏ đầu tiên về hiệu quả khi tính đến chuyện cắt giảm. "Bên thuê sẽ tính toán nếu trả lại mặt bằng này, có nơi nào trong hệ thống nằm ở vị trí lân cận có thể thay thế", bà Vân nói.
Nhóm 2 là những nhà phố có mặt bằng cơ bản 4–5 m, phục vụ người thuê có nhu cầu cần địa điểm tương đối đẹp để tiếp đón khách hàng và nhóm 3 là những mặt tiền siêu nhỏ, 2–3 m với người thuê buôn bán nhỏ lẻ cũng có xu hướng bị trả lại.
Ngoài lý do áp lực tài chính, một số người thuê cho rằng không nhất thiết phải có cửa hàng vật lý. Những người này đang hoạt động trong các ngành hàng có thể bán hàng trực tuyến và giao hàng tận nơi cho khách.
Thời gian tới, ông Lê Tuấn Bình nhận định thị trường mặt bằng bán lẻ nhà phố sẽ cần có sự linh hoạt hơn trong thoả thuận giá cả, diện tích cho thuê, phương án chia mặt bằng hay thời hạn thanh toán...Hợp đồng cũng cần được hai bên cân nhắc kỹ về các điều khoản chấm dứt, phạt, bất khả kháng. Ông Bình lưu ý các chủ nhà cần tính toán và chọn lọc ngành hàng trước khi quyết định giao mặt bằng.
Về phía người đi thuê, bà Vân cho rằng đây là lúc để tìm kiếm vị trí kinh doanh đẹp khi thị trường có nhiều nguồn cung hơn với giá "mềm mại hơn".
"Một số doanh nghiệp bán lẻ nước ngoài có kế hoạch mở rộng có thể vẫn cân nhắc vào Việt Nam vì đây là thời điểm tốt để đàm phán và có những điều khoản thương mại cạnh tranh có lợi cho bên thuê", bà Vân nói.
Theo Phương Ánh (VnExpress.net)