Mỗi mét vuông đất rừng giá bằng bát phở bò
Sau cơn “sốt đất” từ giữa năm 2021 đến đầu năm 2022, giá đất rừng sản xuất ở nhiều nơi tại Hòa Bình đã có mức giá hạ nhiệt hơn. Đất rừng sản xuất nhiều nơi rao bán giá rẻ, có nơi giá chỉ vài chục nghìn một mét vuông.
Theo chân môi giới H. trong vai nhà đầu tư đi tìm đất rừng sản xuất để đầu tư, PV VietNamNet được dẫn đến một số lô đất ở khu vực xã Hùng Sơn, huyện Kim Bôi (Hòa Bình). Đây là xã được sáp nhập từ 3 xã Bắc Sơn, Hùng Tiến và Nật Sơn, có địa hình đồi núi phức tạp.
Trên đường đi, môi giới chỉ tay về hướng các lô đất đã bán cho khách A, khách B đã mua đầu tư; khi có nhu cầu bán môi giới lại hỗ trợ tìm khách giúp.
Môi giới H. cho hay, có mảnh đất nhà đầu tư có nhu cầu thu về giá 600 triệu đồng, nhưng khi có khách trả 750 triệu đồng họ lại không bán nữa.
Sau hàng chục km đường quanh co, chúng tôi đến được mảnh đất rừng sản xuất được giới thiệu có diện tích trên 3.400m2, bám đường bê tông 40m.
Theo giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, mảnh đất rừng này được sử dụng đến năm 2044, tức chỉ còn khoảng 21 năm nữa. Mức giá bán 150 triệu đồng, mỗi mét vuông mảnh đất này có giá hơn 44.000 đồng, giá ngang bằng bát phở bò bình dân.
“Lô đất này chúng em đã trả hết tiền cho chủ đất nhưng chưa sang tên, nếu anh chị mua, chỉ cần công chứng là sang tên thẳng cho anh chị, sổ vẫn đẹp. Nếu không muốn sang tên, anh chị cứ cầm, lúc nào muốn bán cho người khác chúng em lại hỗ trợ bảo chủ đất đi ký giúp… Pháp lý bên em lo hết đầy đủ. Đất đã có sổ chỉ cần ra xã công chứng sang tên, rồi chuyển nộp hồ sơ một cửa khoảng 17-20 ngày đóng thuế xong người ta viết sang trang tư là xong”, môi giới nói.
Theo quan sát, các lô đất rừng sản xuất tại đây nằm sát nhau, được môi giới xịt sơn đỏ lên gốc cây, căng dây đánh dấu mốc ranh giới. Trên đất hiện đang trồng bương, có lô trồng keo… cùng cây cỏ rừng mọc um tùm.
Để khách yên tâm, môi giới chỉ tay giới thiệu mảnh đất liền kề đã được bán cho những khách hàng khác từ Hà Nội; thậm chí có người đang ở nước ngoài cũng đã mua để đó.
Môi giới H. khẳng định, đất rừng sản xuất bám mặt đường cả huyện Kim Bôi rất ít. Nếu có giá cũng đắt hơn khoảng 400-500 triệu đồng/ha vì đã qua đầu tư.
“Khách từ nơi khác đến muốn mua trực tiếp từ chủ đất là người dân khá khó, bởi hầu hết các mảnh đất rừng sản xuất đều được môi giới làm việc trực tiếp với chủ đất từ trước và người mua chỉ có thể chốt giá qua môi giới, đến khi làm thủ tục chuyển nhượng chủ đất sẽ chỉ ký giấy tờ”, môi giới H. nói thêm.
Cũng tại địa bàn xã Hùng Sơn, chúng tôi tiếp tục được môi giới cho xem mảnh đất rừng sản xuất có diện tích hơn 6.300m2, thời hạn sử dụng đến năm 2044, có giá bán 190 triệu đồng.
Hay mảnh đất rừng gần 6.000m2 ở xã Đú Sáng, bám đường nhựa trên 30m, có giá 200 triệu đồng…
Cũng theo môi giới, khi đầu tư những lô đất rừng sản xuất bám đường hiện hữu, tương lai có khả năng chuyển đổi mục đích sử dụng dần dần. Đó là lý do nhà đầu tư từ nơi khác, thậm chí ở nước ngoài không gửi tiền nhờ người thân mua rồi để đó chờ đợi.
Thực tế giao dịch chuyển nhượng ít, giá giảm
Trao đổi với PV VietNamNet, ông Bùi Văn Hiếu, Phó Chủ tịch xã Hùng Sơn, huyện Kim Bôi (Hòa Bình) cho biết, xã Hùng Sơn được sáp nhập từ 3 xã Bắc Sơn, Hùng Tiến và Nật Sơn; diện tích đất rừng sản xuất trên địa bàn là 1.307,84ha.
“Từ đầu năm 2023 đến nay, việc chuyển nhượng đất rừng sản xuất trên địa bàn cũng có nhưng rất ít. Chỉ một số hộ có đất ở gần khu quy hoạch sân golf mới chuyển nhượng. Quy hoạch sân golf kéo dài từ xã Bình Sơn đến xã Hùng Sơn, quy mô khoảng trên 300ha.
Chúng tôi cũng thấy xe biển 29, 30 vào xã, còn người ta tự đặt cọc với nhau chúng tôi cũng không nắm được. Có trường hợp, bà con giao dịch người ta lên văn phòng công chứng chứ không qua xã”, ông Hiếu thông tin.
Cũng theo Chủ tịch xã Hùng Sơn, việc bà con chuyển nhượng đất rừng sản xuất, chính quyền không can thiệp về giá cả, tuy nhiên địa phương vẫn nắm được mức độ dao động giá cả theo từng thời điểm.
“Ở giai đoạn ‘sốt đất’ trước đây, giá chuyển nhượng có thời điểm lên đến 500-600 triệu đồng/ha. Tuy nhiên, thời điểm này khi thị trường trầm xuống, mức giá bán tùy từng mảnh có mức giá dao động 260 triệu đồng đến trên 300 triệu đồng/ha, cá biệt vẫn có lô đất giao dịch 400-500 triệu đồng/ha.
Bà con chỉ có một số chuyển nhượng, còn đặt cọc với nhau khá nhiều. Việc đặt cọc này họ không đến ủy ban xã, mà tự đặt cọc với nhau khoảng 50 triệu đồng hay 100 triệu đồng; khoảng một tháng sau sẽ thanh toán hết. Nếu không thanh toán hết, gia đình không giao dịch nữa, tôi nắm được sơ qua như vậy”, ông Hiếu thông tin thêm.
Từ đầu năm 2022 đến nay, trên địa bàn huyện Kim Bôi có tất cả 1.023 giao dịch chuyển nhượng đất rừng. Trong đó, tính từ đầu năm 2023 đến hiện tại, cả huyện có 117 giao dịch chuyển nhượng.
Trả lời PV VietNamNet, ông Nguyễn Thành Trung, Trưởng phòng Tài nguyên Môi trường huyện Kim Bôi cho hay, đất rừng sản xuất không bị cấm mua bán, chuyển nhượng khi mục đích vẫn phải là để trồng rừng.
“Tuy nhiên, cũng có thời điểm giữa năm 2021 đất rừng sản xuất ‘sốt’, chúng tôi phải có biện pháp hạn chế việc mua bán, chuyển nhượng. Còn thời điểm này, thị trường trầm lắng chung, giá đất rừng sản xuất hiện đã thấp hơn thời điểm ‘sốt’, thậm chí có nhiều người mua trước đây hiện đang bán ‘cắt lỗ’”, ông Trung nói.
Cũng theo ông Trung, trong trường hợp đất rừng bị Nhà nước thu hồi, huyện Kim Bôi đang tính mức giá đền bù theo quy định là 12.000 đồng/m2; cùng với một số chi phí khác, mức đền bù tương đương khoảng hơn 200 triệu đồng/ha.
Căn cứ vào mức giá đền bù này, người mua có thể biết được mức độ lỗ, lãi khi "xuống tiền" đầu tư nếu chẳng may lô đất dính quy hoạch, bị thu hồi.
Theo PV (VietNamNet)