Đất quận 9 lại sốt, phòng đăng ký thủ tục mua bán dày đặc người

13/04/2018 16:11:24

Giá đất leo thang tại khu vực quận 9 khiến các văn phòng công chứng, phòng tiếp nhận xử lý hồ sơ hành chính của UBND quận những ngày gần đây tấp nập người làm thủ tục nhà đất.

Nhiều ngày nay, từ 6h sáng, hàng trăm người đã xếp hàng trước Văn phòng tiếp nhận - hỗ trợ giải quyết thủ tục hành chính thuộc UBND quận 9 để giải quyết hồ sơ hành chính, chủ yếu liên quan đến vấn đề đất đai. Phần lớn người xếp hàng trong số này là các đầu nậu môi giới bất động sản (BĐS), các nhân viên ngân hàng hỗ trợ hồ sơ thế chấp đất đai đến làm thủ tục. Trong câu chuyện họ chia sẻ với nhau, việc giao dịch đất nền ở khu vực này đang được gấp rút xúc tiến, vì giá đất đã đạt được kỳ vọng.

Giao dịch liền tay

Trước Tết, nhóm đầu tư của anh Trần Việt Anh có mua lô đất 1.050 m2, tại khu vực đường Trường Đai (phường Long Trường, quận 9), để phân lô bán nền. Giá thời điểm đó mỗi m2 là 16 triệu đồng/m2, hiện nay lên 22 triệu đồng/m2. Đang trong thời gian làm hạ tầng và giấy phép phân lô, khu đất đã có nhóm đầu tư khác tìm đến mua sang tay với giá 27 tỷ đồng (chênh khoảng 4 tỷ đồng so với trước Tết).

“Hiện nay thị trường tập trung chủ yếu là dân đầu cơ, nhà đầu tư thứ cấp nhỏ lẻ cũng là dân lướt sóng mua đi bán lại. Những dấu hiệu này rất giống với thời điểm này năm 2007”, anh Việt Anh nói.

Chính sách về phân lô bán nền vừa được UBND TP.HCM phê duyệt lại có nhiều thay đổi thuận lợi hơn cho thị trường này, trong đó có quy định không bắt buộc xây nhà vẫn tách thửa bình thường, và việc phân lô được cho phép với diện tích nhỏ hơn trước. Theo khảo sát, sau Tết, giá đất nền tại một số quận ven TP.HCM đã tăng với mức 20-30%.

Đất quận 9 lại sốt, phòng đăng ký thủ tục mua bán dày đặc người
Người dân tấp nập đi làm thủ tục đăng bộ đất, trích lục điều chỉnh, cấp đổi, gia hạn giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sáng 13/4. Ảnh: V.Dũng

Có mặt tại phòng công chứng và trả kết quả của UBND quận 9 sáng 13/4, phóng viên chứng kiến cảnh nhộn nhịp người mua kẻ bán, từ chủ đất đến cò đất, nhân viên hỗ trợ tín dụng. Bên ngoài là những chiếc ôtô và xe máy đậu kín chỗ, các quán cà phê xung quanh chật người ngồi chờ kết quả. Bên trong, từng nhóm trao đổi huyên náo của giới cò đất bàn về cách thức mua bán và chuyển đổi mục đích sử dụng đất.

Nhân viên hỗ trợ thủ tục cho cho biết phần lớn người đến đây là nhân viên ngân hàng và dân môi giới hỗ trợ thủ tục công chứng cho chủ đất. Trong một tuần trở lại đây, cứ sáng sớm là có cảnh xếp hàng chờ làm thủ tục. Nhưng đông nhất là ngày đầu tuần, vì số thứ tự được bốc lại từ đầu nên càng đông. Chủ đất cứ đến ngồi ở các quán cà phê xung quanh chờ, phần thủ tục đã có môi giới và nhân viên ngân hàng lo.

Một môi giới đang hỗ trợ người mua làm thủ tục trò chuyện với nhà đầu tư: “Từ Tết đến nay chị mua thêm miếng nào chưa? Mua nhanh lên, cứ tham khảo xem miếng nào giá sát thị trường là mua ngay, vì nó tăng lên nhanh lắm. Nếu không mua là người khác dòm ngó ngay, lo xong miếng này em giới thiệu chị thêm vài miếng khác, tranh thủ gom đi chị".

Chính quyền tiếp tục vào cuộc khống chế đầu nậu, loạn giá

Tại khu Đông TP.HCM, giá đất vốn đã leo thang từ vài năm gần đây, do sự phát triển mạnh của hạ tầng. Việc giao dịch đang thuận lợi nên thời gian qua có hiện tượng nhiều đối tượng "tiếp tay" để tăng giá đất ảo. Bằng nhiều hình thức tác động, các đối tượng đã đưa ra những thông tin sai lệch làm giá đất.

Một hiện tượng thường thấy là giới đầu nậu ra sức "thu gom" đất có giấy tờ hợp lệ, cố tình găm lại, đẩy giá cao rồi "bung hàng", thu về hàng trăm triệu đồng/mỗi nền chỉ trong thời gian ngắn.

Bà Trần Hải Yến, một khách hàng đang làm thủ tục, cho biết trước Tết Mậu Tuất bà mua đất ở khu vực bên trong đường Lò Lu với giá 28 triệu đồng/m2, nay đã có người sang với giá 34 triệu đồng/m2 nên tranh thủ bán chốt lời.

Đất quận 9 lại sốt, phòng đăng ký thủ tục mua bán dày đặc người - 1
Người dân quận 9 đang xúc tiến các thủ tục chuyển nhượng trong đợt giá đất đang lên cao đạt kỳ vọng. Ảnh: V.Dũng.

Ngày 10/4, tại cuộc họp với các sở ngành, quận huyện sau hơn 3 tháng Quyết định 60/2017 của UBND TP.HCM quy định về diện tích tối thiểu được tách thửa có hiệu lực, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Trần Vĩnh Tuyến thông tin thời gian qua có hiện tượng nhiều đối tượng "tiếp tay" để tăng giá đất ảo giống như một hình thức đa cấp. Bằng nhiều hình thức tác động, các đối tượng đã đưa ra những thông tin sai lệch, không đúng làm đất tăng ảo.

Ông Tuyến yêu cầu quận huyện phải lưu ý, đẩy mạnh tuyên truyền, nhắc nhở để người dân không bị kẻ xấu lợi dụng.

“Khi người dân muốn mua bán đất đều có sự liên hệ với chính quyền bằng nhiều hình thức. Có thể là do quen biết hoặc qua con đường chính thức để coi khu vực này sắp tới có mở đường hay không, có dự án gì không. Nếu cán bộ nói chính xác thì không sao. Nhưng nếu cán bộ 'có lợi ích cá nhân' ở đây thì rõ ràng tạo ra thông tin sai lệch. Người dân đổ xô đi mua làm tăng giá đất ảo", ông Tuyến nêu.

Quyết định 60 có hiệu lực từ ngày 1/1. Theo đó, tùy trách nhiệm, lĩnh vực của từng sở ngành, quận huyện hay các đơn vị liên quan, phải ban hành hướng dẫn để triển khai. Tuy nhiên, cho đến nay mới có 6 quận, huyện ban hành kế hoạch thực hiện. Một số đơn vị, sở ngành cũng chưa có văn bản hướng dẫn. Chính sự chậm trễ này khiến một số quận huyện còn lúng túng khi tiếp nhận, giải quyết hồ sơ cho người dân.

Theo ông Trần Vĩnh Tuyến, việc tách thửa là tạo điều kiện cho người dân nhưng cũng không được để đầu nậu lợi dụng trục lợi.

Theo Bình Nguyên (Tri Thức Trực Tuyến)