Chị V.T. xác nhận với PV. VietNamNet, chị đặt phòng một resort 5 sao ở Đà Lạt qua Agoda và đã thanh toán thành công, nhận được mã đặt phòng. Tới ngày nhận phòng tại resort này, chị V.T tá hỏa khi biết Agoda không đặt phòng tại đây. Chị cùng nhân viên lễ tân của resort liên hệ với Agoda thì không liên lạc được do hết ca trực của người Việt.
Khi kiểm tra email, chị mới phát hiện, Agoda đã gửi thư cho chị vào lúc 11h19 phút hôm đó (tức trước 2 giờ khi nhận phòng) với nội dung không đặt được phòng. Agoda xin lỗi và đề nghị chị có muốn chuyển sang khách sạn gần đó 500m hay không.
“Mình thật sự đứng hình. Hủy phòng lúc trước khi nhận chỉ 2 giờ, bạn bè mình ở đây và mình chỉ còn cách chuyển qua khách sạn khác. Càng bức xúc hơn là mình không có ai để xử lý. Khách sạn cũng đã hết sạch phòng dù mình chấp nhận trả gấp đôi. Thật kinh khủng”, chị chia sẻ.
Trong ngày, chị V.T. đã trao đổi liên tục qua email với Agoda nhưng vấn đề khẩn cấp của chị vẫn chưa giải quyết.
“Agoda cho mình chờ trong vô vọng từ 18-21h tối. Không một phản hồi nào dù trước đó đã không báo xử lý ngay cho mình. Giữa đêm tối trời mưa, một mình lái xe vượt đèo di chuyển 40km về Đức Trọng để tìm chỗ ngủ. Đến tận bây giờ là 22h30, mình vẫn không một hồi đáp, xử lý nào từ Agoda”, chị cho biết thêm.
Theo chị V.T., thanh toán thành công nhưng không có phòng trong ức chế đã khiến chị trải nghiệm tồi tệ, phá vỡ hết kế hoạch của trong chuyến du lịch Đà Lạt.
Nhiều thành viên khác trên diễn đàn cũng chia sẻ về tình trạng tương tự. Thành viên Le Mai Hong Dao cho hay, chị book phòng trước khi lên máy bay thanh toán đầy đủ. Sau đó, Agoda đã gọi cho chị 2 cuộc thông báo về khách sạn đã không còn phòng, nhưng chị không thể nghe được vì trên máy bay.
Đến khách sạn, chị mới biết không còn phòng trống. Rất may, lễ tân đã hỗ trợ chị đặt phòng sang một khách sạn khác với mức giá cao hơn. Sau đó, chị đã gửi hàng loạt email phán ánh về chất lượng dịch vụ khi đặt trên Agoda mới nhận được hoàn tiền phòng.
Tương tự, H.T, một thành thành viên khác cho biết đã từng bị một lần như vậy khi đặt phòng qua Agoda. Chị đã thanh toán qua thẻ, nhận số phòng đầy đủ. Khi tới khách sạn check-in thì ngã ngửa khi lễ tân cho hay khách sạn đã ngừng làm việc với Agoda cách đây 2 năm. Khách hàng này đã gọi điện, gửi email tới Agoda nhưng cũng không được phản hồi ngay.
Cẩn thận khi đặt phòng
Liên quan tới vấn đề mà chị V.T. gặp phải, một thành viên khác chia sẻ kinh nghiệm, vào mùa cao điểm, khách đặt phòng trực tiếp và qua hệ thống ứng dụng rất nhiều. Gặp trường hợp khách đặt trực tiếp quá nhiều, khách sạn chưa kịp khóa phòng trên ứng dụng, dẫn tới tình trạng như chị V.T. gặp phải. Để giải quyết vấn đề này, khách sạn hoặc các đơn vị bán hàng phải liên hệ trực tiếp với khách để hủy phòng hoặc chuyển qua khách sạn khác.
Một thành viên từng làm trong khách sạn cho hay: "Ngày trước mình làm bên khách sạn, tuy tắt đặt phòng trên Agoda nhưng không hiểu sao hệ thống vẫn nhận phòng, nhất là dịp lễ. Bên mình chỉ còn cách là từ chối và khách bị bỏ rơi ở khách sạn. Liên hệ với Agoda, nếu may thì được dời qua khách sạn khác, không chịu thì hoàn tiền. Trường hợp khách sạn chậm tắt trên ứng dụng đặt phòng, khách sạn phải chịu trách nhiệm tự chuyển khách sang nơi khác".
Theo kinh nghiệm của các thành viên, sau khi đặt phòng trên Agoda, khách hàng nên liên hệ thẳng với khách sạn để kiểm tra xem phía khách sạn đã nhận được mã đặt phòng hay chưa. Qua đó, khách hàng sẽ biết được tình trạng đặt phòng và kịp thời xử lý, tránh gặp tình huống đáng tiếc như trên.
Bên cạnh đó, một số thành viên đưa ra lời khuyên, khách hàng nên đặt qua các ứng dụng đặt phòng hoặc đại lý trong nước dù mức giá cao hơn nhưng dễ dàng liên hệ, xử lý khi không may gặp vấn đề rắc rối.
Theo Thư Kỳ (VietNamNet)