Năm 2007, anh Nguyễn Minh Long đã bỏ ra gần 2 tỷ để mua một căn hộ 20m2 tại khu tập thể cũ nát. Tính theo giá vàng, cho đến bây giờ căn hộ của anh vẫn thuộc dạng đắt nhất Hà Nội.
2 tỷ đồng căn hộ 20m2
Năm 2007, anh Nguyễn Minh Long đã bỏ ra gần 2 tỷ để mua một căn hộ 20m2 tại khu tập thể Thành Công (Ba Đình, Hà Nội). Vị trí ngay giữa trung tâm, thuận tiện đi lại, trường học, chợ búa đều tiện. Bên cạnh đó, theo tính toán của anh Long, đất khu vực này luôn có giá nên không lo. Chưa kể tới việc trong tương lai, khi chính sách xây lại chung cư cũ được thực hiện, nhà anh sẽ có suất căn hộ đẹp tại đây. Chính vì thế mà anh Long phải trả giá khá đắt như vậy.
Anh Long cho hay: “Thời điểm đó, với số tiền lớn như vậy, tôi dễ dàng mua được một căn ở khu Trung Hòa Nhân Chính hay một miếng đất thổ cư trong ngõ. Nhưng nghĩ ở trong phố bao giờ cũng tốt hơn nên cả gia đình đành phải sống trong cảnh chật chội như thế này”.
Những khu nhà lụp xụp có giá hàng tỷ đồng
Khu nhà anh Long đang xuống cấp khá nghiêm trọng. Từ bên ngoài, từng mảng rêu xanh ẩm mốc loang lổ, các ống nước và dây điện chằng chịt. Quần áo treo kín các ban công. Chuồng cọp cũng đua nhau xây dựng. Chính vì thế, trong nhà luôn luôn phải bật đèn.
Dù sống trong điều kiện chật chội, ẩm thấp như vậy song nhiều gia đình đều không muốn di dời, bởi giá ở đây lên tới gần 100 triệu đồng/m2. “Nếu khu đất vàng này được xây mới, chắc chắn giá nhà sẽ tăng cao, ngay cả đền bù cũng sẽ cao hơn so với khu vực khác”, anh Long nói.
Chính vì tâm lý nếu như dự án trong khu vực được phép triển khai và chủ đầu tư cam kết thực hiện đúng tiến độ thì sinh lợi cao nên chung cư cũ ở vị trí đắc địa vẫn được nhiều khách hàng ưu ái lựa chọn.
Trong thời gian thị trường bất động sản Hà Nội “sốt nóng”, giá các căn hộ tập thể cũ trong thành phố cũng “ăn theo”, tăng giá vùn vụt. Khá nhiều đại gia đang thực hiện chủ trương thu gom các căn hộ này. Ngay cả những người có tiền cũng tự tìm cho mình một vài căn hộ cũ thủ sẵn để "chờ thời".
Anh Huy, sống tại khu tập thể Bách Khoa, cho hay, thời điểm sốt nhà đất, một căn hộ tầng 5 rộng khoảng 40m2 cũng có giá gần 2 tỷ đồng. Cũng với giá tiền đó, anh có thể mua được chung cư cao cấp tại những khu vực như Trung Yên, Cầu Giấy, hay Hà Đông tuy nhiên việc đi lại xa vì vậy mà anh quyết định mua chung cư cũ.
Từng có người hỏi mua nhưng anh Huy vẫn không muốn bán bởi tuy giá mỗi m2 lên tới 40-50 triệu đồng, song khi khu tập thể bị đập bỏ xây chung cư thì giá trị của căn hộ lại tăng lên rất nhiều.
“Mỏ vàng” chờ xây mới
Với những gia đình như anh Long, anh Huy phải sống trong điều kiện như vậy dù cực hình nhưng không còn cách nào khác. Hiện nay, dự án cải tạo chung cư cũ vẫn còn đang ì ạch, chung cư ngày càng xuống cấp, các gia đình tại đây rơi vào tình cảnh ở cũng dở mà bán cũng không xong.
Vỡ mộng chờ được suất tái định cư |
Cuối năm 2009, Ủy ban nhân dân TP Hà Nội có công văn chỉ đạo dừng ngay việc cấp giấy phép xây dựng các tòa nhà cao tầng tại bốn quận Hoàn Kiếm, Ba Đình, Hai Bà Trưng và Đống Đa khiến thị trường chung cư cũ bị sốc. Những người bỏ tiền tỷ ra đầu tư như bà Hường lo hùi hụi vì giá chung cư cũ bị giảm mạnh.
Hiện, bà Hường đã bán được 3 căn, còn lại hai căn ở Nguyễn Công Trứ đang trong tình trạng rất khó bán. Giải pháp tình thế là cho thuê nhưng hiện nay xuống cấp quá nên giá thuê giảm mạnh. Theo tính toán của hà Hường, số tiền gần 10 tỷ đồng nếu không bỏ vào căn hộ chung cư cũ thì hiện tại bà đã có thêm một khoản lớn.
Thực tế không phải bất cứ chung cư cũ nào cũng được chủ đầu tư mua lại với giá cao ngất ngưởng. Các chung cư được mua giá cao khác trên địa bàn quận Hai Bà Trưng, Đống Đa, Hoàn Kiếm, phần lớn các DN chỉ nhắm đến các chung cư cũ xây dựng thấp tầng, khuôn viên đất rộng, mật độ xây dựng từ 50% đến 60%, vị trí tốt,...
Theo D.Anh (VietNamNet)