Đất Cổ Loa đua đẩy giá, hơn 200 triệu/m2 vẫn chưa bán chờ nghe ngóng

19/09/2024 08:01:39

"Sức nóng" từ một dự án lớn tại Cổ Loa lan tỏa sang các khu vực xung quanh. Nhiều lô đất mặt đường gần dự án đang được rao 200-250 triệu đồng/m2 nhưng chủ nhà vẫn muốn nghe ngóng, chưa muốn chốt.

Thị trường đất nền Đông Anh bắt đầu được quan tâm từ thời điểm cách đây 3 tháng. Ngoài thông tin sẽ lên quận, Đông Anh còn có sức hút lớn từ dự án Vinhomes Cổ Loa, "kéo" các nhà đầu tư khắp nơi đổ về, đặc biệt những khu đất “vệ tinh” quanh dự án Cổ Loa. Nhiều khu đất được rao giá rất cao, những lô mặt đường thậm chí đã được phát giá hơn 200 triệu đồng/m2.

Môi giới Lĩnh (Đông Anh, Hà Nội) cho biết, "sức nóng” của giá đất nền ven dự án Vin Cổ Loa cảm nhận rõ rệt nhất là trong 2 tháng trở lại đây, thậm chí nhiều người còn cho rằng đây mới chỉ là khởi đầu của “cơn sốt”. Điển hình, từ đầu tháng 7 tới nay, giá trị những lô mặt đường lớn kinh doanh tại khu vực Đông Trù, Đông Hội, Uy Nỗ, Mai Lâm… đã tăng từ 20-30 triệu đồng/m2, từ khoảng 150-190 triệu đồng/m2 lên 170-220 triệu đồng/m2.

Còn nếu tính trong vòng một năm qua, giá đất Đông Hội đã tăng gần gấp đôi. 

Tại xã Đông Hội (Đông Anh), môi giới tên Linh rao bán lô đất có diện tích 80m2, mặt tiền 6,66m với giá 16,8 tỷ đồng, tương đương 210 triệu đồng/m2. Môi giới này nhấn mạnh, lô đất rất gần cầu Tứ Liên và là “hàng xóm” của dự án Vinhomes Cổ Loa.

Theo khảo sát, tính đến thời điểm đầu tháng 9/2024, ngoài một số ít lô giá vọt lên trên 200 triệu mỗi mét, giá đất phổ biến tại xã Đông Hội dao động trong khoảng 90-95 triệu đồng/m2. Giá thấp nhất của các lô đất tại đây từ 55-60 triệu đồng/m2.

Đất Cổ Loa đua đẩy giá, hơn 200 triệu/m2 vẫn chưa bán chờ nghe ngóng
Lô đất mặt đường có giá hơn 150 triệu đồng/m2 tại xã Đông Hội, cách dự án Vinhomes Cổ Loa 2,5km. Ảnh: Tiến Anh

Tương tự, tại xã Xuân Canh, xuất hiện một số người "rao bán vội do nhu cầu cá nhân". Tại đường Trường Sa, thôn Lực Canh (Xuân Canh, Đông Anh), chủ lô đất diện tích 150m2, mặt tiền 7,6m đang rao bán với giá 37,5 tỷ đồng, tương đương 250 triệu đồng/m2. 

Lô đất trên nằm sát dự án Vin Cổ Loa, gần Trung tâm Hội chợ triển lãm quốc gia. Môi giới Hằng (Đông Anh, Hà Nội) cho hay, trước đó, lô đất còn được chào bán với giá 300 triệu/m2, nhưng "do chủ cần tiền gấp" nên mới có mức giá này.

Ngoài ra, tại xã Xuân Canh (Đông Anh, Hà Nội) môi giới này cũng rao bán một số lô đất nằm trong ngõ rộng 3m, có giá từ 100-110 triệu đồng/m2. 

“Với tầm tài chính từ 5-6 tỷ thì rất khó mua được lô đất mặt đường mà gần dự án lớn như vậy, chỉ có thể mua ra xa, cách đó chừng 3-4km”, môi giới Hằng khẳng định. 

Theo anh Bá Lĩnh - một môi giới bất động sản có văn phòng ngay trên trục đường của dự án, nếu là đất đấu giá có vị trí gần dự án thì giá khoảng 140 triệu đồng/m2. Tài chính tầm 5-6 tỷ quay đầu thì nên "dạt ra", hướng đến những lô cách dự án chừng 3km. 

“Còn lại những lô mặt đường, sát dự án sẽ có giá hơn 200 triệu đồng/m2. Tuy nhiên, rao giá là vậy để lấy khách, chứ rất ít chủ nhà muốn bán vì họ còn nghe ngóng tình hình sắp tới”, anh Lĩnh nói. 

Còn tại xã Mai Lâm, mặc dù lượng người rao bán rất đông song các giao dịch thành công vẫn lưa thưa.

Anh Việt - chủ một lô đất 40m2 tại xã này cho biết anh đang rao bán lô này với giá 2,65 tỷ "như giá mua cách đây 2 tháng", để chuyển sang đầu tư chỗ khác nhưng vẫn chưa "khớp" được.

Giải thích vì sao bán giá “mềm” như vậy, chủ lô đất cho rằng, vì nhiều người kiểm chứng lô đất có dính quy hoạch hay không thông qua việc truy cập app trên mạng nên dẫn tới kết quả không chính xác.

Theo các môi giới, sở dĩ chỉ trong vòng 2 tháng qua, sức hút đất nền Đông Anh tăng nhanh như vậy là do gần các dự án lớn thì sẽ có tiềm năng sinh lời cao và được kỳ vọng sớm xuất hiện thêm các dự án mới, giao thông được quan tâm hơn… kèm theo đó, chính quyền địa phương có thể sẽ có những ưu đãi.

Nói về việc giá đất ăn theo các dự án lớn tăng chóng mặt, ông Nguyễn Văn Đỉnh, chuyên gia pháp lý bất động sản, cho rằng đất đã trở thành công cụ đầu tư thay vì giải quyết nhu cầu ở thực. Tư duy “không gì giàu bằng buôn đất” chính là nguyên nhân khiến giá nhà, đất leo thang và giấc mơ an cư của người lao động thu nhập thấp ngày càng xa.

Thắc mắc về việc giá nhiều lô đất đã tăng phi mã nhưng nhà đầu tư vẫn “ôm” chưa muốn bán, ông Nguyễn Văn Đỉnh đặt câu hỏi: “Tại sao các nhà đầu tư có thể găm đất trong nhiều năm mà không lo về vốn?”

Theo ông, ở đây phải nhìn nhận vai trò của các ngân hàng. Đây là tệp khách hàng VIP của giới nhà băng, do khoản vay thế chấp bằng nhà đất - vốn được cho là luôn tăng giá và ít rủi ro, ông Đỉnh nhận định. 

 Theo Tuấn Anh (VietNamNet)

Nổi bật