Hàng trăm cây đào thất thốn được ủ mình quanh năm trong phòng máy lạnh tại một vườn đào Nhật Tân (Hà Nội). Theo ông Lê Hàm, chủ vườn cho biết, để thành hình, cây phải được tôn luyện ít nhất 10 năm. Theo nghệ nhân trồng đào ở Nhật Tân, đào thất thốn trồng trong 3 năm mới đơm hoa, 7 năm cây ra hoa kép và mỗi tầng hoa đều có 7 cánh, vào ban đêm hoa tỏa hương thoang thoảng mà các giống đào khác không có được. Đào thất thốn Nhật Tân được cho là 'báu vật cổ', hiếm và mang giá trị cao của làng trồng đào truyền thống tại thủ đô. Tương truyền đây là một loại cây cảnh quý hiếm và chỉ có vua chúa thời xưa sở hữu. Đào thất thốn Nhật Tân thân cây xù xì, đen còn đào thất thốn Trung Quốc không đen, thẳng và nhẵn bóng. Đào thất thốn Nhật Tân vốn là giống đào hoa nở dày. Do những cây đào Trung Quốc hoa cũng khá dày nên được "mượn danh" là đào thất thốn. Khi tác động vào vỏ cây như cậy thân, đào Trung Quốc thường có màu trắng còn đào Nhật Tân thân có màu như quả mận chín. Đào thất thốn Nhật Tân cho nhiều lộc hơn đào Trung Quốc. Đào thất thốn Nhật Tân phải được chăm sóc ít nhất trong 10 năm cây mới thành dáng, màu hoa nở mới đẹp. Giá bán phải từ 10 triệu đồng đến vài chục triệu. Có cây đã trên 50 tuổi được bán với giá hơn trăm triệu. Trong khi đó đào Trung Quốc "mượn danh" đào thất thốn hiện đang được bán tràn lan tại Hà Nội với giá 2 - 5 triệu đồng. Khác với đào thất thốn Nhật Tân, đào Trung Quốc thực ra được ghép cành, tuy nhiên, cành cây vẫn có rễ ổn định, chỉ có điều sau khi chơi Tết sẽ không thể trồng tiếp. Hoa đào Trung Quốc sẽ thẫm màu còn đào thất thốn Nhật Tân có hoa tươi và thắm hơn. Đào Trung Quốc "mượn danh" đào thất thốn Nhật Tân, vốn mang giá trị truyền thống cao, được cho là báu vật cổ để bán tràn lan tại các chợ khắp Thủ đô khiến nghệ nhân trồng đào và người dân bức xúc. Theo Duy Phạm (Tiền Phong)