Ông Hà Đức Tuệ (SN 1961, thôn Nam Cầu Nhân, xã Đông Hòa, TP Thái Bình, tỉnh Thái Bình) sáng những ngày gần đây vẫn giữ thói quen đi dọc vườn quất đang chín đỏ.
Nhiều năm qua, thói quen của lão ông quê lúa là cầm kéo đi thăm từng gốc quất cảnh để cắt tỉa những cành rơi xung quanh, cho cây quất tròn đều, mịn tán.
Ông Tuệ có 3 sào trồng quất, tất cả đều đang đến kỳ thu hoạch bán cho khách chơi Tết. Năm nay, thực trạng chung của các làng nghề cây cảnh dịp Tết, đều đìu hiu.
“Từ đầu tháng đến nay, chỉ có khách lẻ đến thăm vườn, chọn cây về trưng ngày Tết. Mọi năm, khách từ các tỉnh đưa ô tô tải đến đánh cả vườn. Họ đặt cọc, mua buôn cả vườn đưa đi chợ hoa các tỉnh để bán ngày Tết. Nhưng năm nay, dịch bệnh kéo dài, nhiều tỉnh đến giờ vẫn chưa mở chợ hoa xuân nên nhiều người bỏ cọc”, ông Tuệ cho hay.
Theo ông Tuệ, khách buôn đặt cọc vài chục triệu mua cả vườn từ khi cây quất bắt đầu ra hoa, trước Tết vài tháng. Đến hẹn, nếu họ không về lấy cây được, sẽ hợp đồng với chủ vườn đánh bầu, bó tán, thuê xe vận chuyển đến các chợ hoa để trưng bán.
“Năm nay, nhiều khách mua buôn chấp nhận mất tiền cọc, không về lấy cây. Chẳng ai muốn, nhưng đành phải chấp nhận, vì lý do họ lấy cả xe cây về mà không có chợ hoa để bán thì còn thiệt hại nhiều hơn”, ông Tuệ cho biết.
3 sào quất của gia đình ông Tuệ có khoảng 200 cây, trừ chi phí phân bón, vật tư…, mỗi năm ông thu được khoảng 100 triệu đồng.
“Hầu hết các nhà vườn đều giảm giá để người mua có thể chấp nhận được. Giá năm nay giảm 30 - 40%. Cả xã hội khó khăn chung, chia sẻ với nhau cũng là thuận tình. Như cây quất này, năm ngoái bán trên 1 triệu đồng, năm nay khoảng 700 ngàn đồng” - ông Tuệ nói và chỉ cây quất cao ngang ngực người lớn, tán tròn xoe, quả chín vàng, đều đẹp, xuýt xoa.
Đông Hòa là vùng trồng quất cảnh nổi tiếng ở Thái Bình. Cả xã có khoảng 1.000 hộ trồng quất, diện tích mỗi hộ từ 3 - 5 sào ruộng, tập trung ở các thôn Nam Cầu Nhân, thôn 14, 15… Xã quy hoạch, chuyển đổi đất ruộng sang đất chuyên canh trồng cây cảnh gần chục năm qua.
Kế bên vườn quất của ông Tuệ là 5 sào quất của gia đình bà Định. Ngoài kiểu dáng truyền thống làm tán tròn như cái nơm, gia đình bà còn làm quất thế, quất dáng long… với chiều cao trên 1,5m.
“Những cây quất thế, quất tán tròn kích thước khoảng 2m giá trung bình 2 triệu đồng. Năm nay giá bán thấp hơn, nhưng đến thời điểm hiện tại khách mua rất ít”, bà Định nói.
Bà Định cho biết, các năm trước, khách từ Hải Dương, Vĩnh Phúc, Nghệ An, Thanh Hóa, Quảng Bình… về tận các nhà vườn ở Đông Hòa lấy cây. Đến khoảng trước Rằm, hầu hết các vườn đều đã đánh hết cây, chuẩn bị cho vụ sang năm.
Tuy nhiên, mọi việc năm nay đã khác. Nguyên do chính là ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, chưa nói đến việc chợ hoa không mở cửa, việc đi lại giữa các tỉnh còn khó khăn khiến khách buôn không dám đi. Việc này dẫn tới đào, quất “ế liên tỉnh”. Các hộ nông dân mất nguồn thu trông thấy!
Để giảm chi phí phân đạm, thuốc…, vườn bà Định, ông Tuệ… đều chấp nhận bán giá thấp hơn so với mọi năm, nhúc nhắc bán cho khách lẻ đến tận vườn chọn cây.
Dọc tuyến đường tránh TP Thái Bình, hàng chục nhà vườn trồng quất của xã Đông Hòa vắng khách, chỉ lèo tèo vài người đến ngắm… dù biển bán đào, quất cảnh của nhà vườn trưng từ hơn một tháng qua.
Liền kề với vùng quất Đông Hòa là vựa đào Hoàng Diệu. Cùng thực trạng chung, những vườn đào nối dài nhau chúm chím khoe sắc, đợi khách đến mua về chơi Tết.
Ông Phạm Văn Tiến (huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định), một người buôn đào Tết nhiều năm cho biết, như các năm trước, ông đặt mua cả vườn đào, đưa lên chợ hoa Vạn Phúc từ ngày 15 âm lịch. Năm nay, do ảnh hưởng của dịch, ông không dám buôn.
“Nhiều nhà vườn sẵn sàng hạ nửa giá cho người mua buôn, nhưng tôi không dám lấy. Lấy đi không có chỗ bán thì cầm chắc phần thua” - ông Tiến chia sẻ.
Nhiều chủ vườn quất của Đông Hòa cho biết, nếu không bán được, ra Tết, họ phải bứt quả bán cho các nhà hàng làm gia giảm, để chăm sóc cho lứa mới sang năm. Nếu để quả, cây quất sẽ không ra đúng vụ, sẽ rất dễ mất vụ quất thứ 2 vào năm tới.
Theo Thái Bình (VietNamNet)