Nhiều doanh nghiệp địa phương coi thị trường Trung Quốc (TQ) là chợ biên giới nên sản xuất, nuôi trồng được là mang ra các chợ cửa khẩu biên giới tìm đối tác để bán. Sau khi không tìm thấy đối tác thì lại mang về để bán tháo.
Như hàng loạt vụ ùn ứ dưa hấu vừa qua ở biên giới nguyên nhân do TQ ưa dùng loại dưa hấu hắc mỹ nhân quả nhỏ và thon dài, trong khi các địa phương nước ta lại trồng ồ ạt loại dưa quả tròn.
Đại diện Bộ Công Thương cho biết như trên tại hội nghị phát triển xuất khẩu nông thủy sản sang thị trường TQ diễn ra chiều 13-9. Hội nghị do Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ NN&PTNT tổ chức.
Nông thủy sản xuất sang Trung Quốc đồng loạt lao dốc
Tại hội nghị, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu thuộc Bộ Công Thương, cho biết TQ là đối tác thương mại lớn của Việt Nam, là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam sau Mỹ.
Tuy nhiên, trong tám tháng đầu năm 2019, tỉ lệ xuất khẩu nông thủy sản xuất sang TQ của Việt Nam giảm 7,2% so với cùng kỳ năm 2018.
Trong đó, kim ngạch xuất khẩu rau quả sang TQ chỉ đạt 1,6 tỉ USD, giảm 8,1%; kim ngạch xuất khẩu gạo đạt 159,4 triệu USD, giảm 67,5%; sắn giảm 9,6% và cà phê giảm 8,9% so với cùng kỳ năm 2018.
“Căn cứ trên tình hình thực tế hiện nay, việc xuất khẩu nông lâm sản và thủy sản vào thị trường TQ sẽ tiếp tục giảm” - ông Trần Thanh Hải dự báo.
Về nguyên nhân sụt giảm xuất khẩu nông thủy sản sang TQ, bà Lê Hoàng Oanh, Vụ Thị trường châu Á - châu Phi thuộc Bộ Công Thương, cho biết: TQ đã ban hành một bộ khung pháp lý về quản lý xuất nhập khẩu của nông thủy sản. Đặc biệt năm 2015 và 2018, TQ đã hai lần tiến hành sửa đổi Luật An toàn thực phẩm.
Thứ hai, TQ đưa ra một số yêu cầu riêng biệt hoặc siết chặt việc thực thi các quy định đã ban hành, tăng cường siết chặt thực thi pháp luật.
Điển hình như không cho phép thông quan đối với mặt hàng nông thủy sản chưa được TQ mở cửa thị trường, hay chỉ cho phép thông quan theo hình thức chính ngạch tại các cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu song phương.
Thứ ba, yêu cầu đăng ký doanh nghiệp, yêu cầu truy xuất nguồn gốc liên quan đến hàng nông sản hay chỉ cho phép nhập khẩu và thông quan những mặt hàng lương thực, trái cây, thủy sản tại các cửa khẩu đã được chỉ định.
“Hiện thị trường TQ ngày càng trở nên khó tính vì tầng lớp trung lưu ở TQ đã và đang gia tăng đáng kể. Tầng lớp trung lưu đang phát triển đồng nghĩa với việc chi tiêu tiêu dùng của TQ sẽ tăng lên, do đó yêu cầu với nông thủy sản của tầng lớp trung lưu cũng ngày càng tăng” - bà Oanh phân tích.
Ngoài ra, căng thẳng thương mại Mỹ-Trung cũng làm TQ siết chặt biện pháp quản lý ở cửa khẩu, biên giới đất liền, láng giềng nhằm ngăn chặn nông sản Mỹ thông qua các nước khác vào TQ để né thuế.
Thêm nữa do chịu thuế cao khi xuất khẩu sang Mỹ nên TQ cũng sẽ giảm nhập khẩu đối với tôm nguyên liệu, chế biến…
Điều này dẫn tới ảnh hưởng việc xuất khẩu tôm nguyên liệu của Việt Nam sang TQ. Một khía cạnh khác, dù việc xuất khẩu sang TQ có nhiều thay đổi nhưng xuất khẩu nông thủy sản của Việt Nam thời gian qua ở chừng mực nào đó vẫn chưa thích nghi, do đó việc tổ chức, sản xuất, xuất khẩu sang TQ còn bất cập.
Đại diện Bộ Công Thương nhấn mạnh thêm, hiện vẫn còn không ít doanh nghiệp trong nước chưa kịp thời cập nhật hoặc tuy đã biết thông tin nhưng chưa thực sự quan tâm, thay đổi phương thức tổ chức, sản xuất, xuất khẩu và cách thức tiếp cận thị trường phù hợp với các quy định và xu thế phát triển của thị trường TQ.
Điều này dẫn đến tình trạng hàng hóa không thể thông quan và gây ùn ứ tại cảng, cửa khẩu.
Mối lo Trung Quốc tăng cường tự cung tự cấp
Bên cạnh đó, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường còn cho biết thêm: Hiện TQ đang tăng cường tự cung tự cấp để giảm nhập khẩu nông thủy sản như thanh long, dưa hấu, cá tra, lúa gạo. Tuy nhiên, ông Cường cho rằng việc TQ đẩy mạnh phát triển nông nghiệp trong nước không có nghĩa chúng ta không đẩy mạnh được xúc tiến thị trường này.
“Việt Nam là nước kề cận TQ, hơn 30 năm đổi mới, Việt Nam không chỉ phát triển mạnh về số lượng mà tái cơ cấu sản phẩm nông nghiệp rất tốt. Việt Nam có nhiều nhóm nông sản mang tính bổ trợ cho nông sản TQ. Ta có nhóm nông sản nhiệt đới không ai bằng, từ thủy sản, nông sản với cà phê, tiêu, điều, cao su...
Phía Bắc có nhóm sản phẩm trùng nước bạn nhưng mùa đông Việt Nam không cực đoan như TQ nên nếu biết cách né vẫn phát triển tốt” - ông Cường nói.
Từ đó Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đưa ra các nhóm giải pháp để thúc đẩy phát triển xuất khẩu nông thủy sản sang thị trường TQ.
Đó là thường xuyên theo dõi thông tin thị trường nước láng giềng để tổ chức, sản xuất thị trường trong nước làm sao các sản phẩm sản xuất ra không bị thừa; bố trí sản xuất các sản phẩm lệch với thời vụ các sản phẩm cùng thời điểm của TQ; tăng cường áp dụng khoa học kỹ thuật, đặc biệt là khâu chế biến để kéo dài thời hạn sản phẩm.
Ngoài ra, chủ động tìm kiếm nhiều thị trường; tăng cường nghiên cứu ứng dụng khoa học kỹ thuật để một sản phẩm có thể đáp ứng nhiều thị trường khác nhau.
“Như con cá tra đang ứng dụng công nghệ mới để nghiên cứu theo nhiều tiêu chuẩn thị trường. Có loại thì trọng lượng tăng nhanh, có loại thịt trắng, có loại thịt nạc nhiều… để tăng sức cạnh tranh, giúp phân phối được ra nhiều thị trường khác nhau, phục vụ nhiều lĩnh vực chế biến. Từ đó chúng ta vẫn có thể tiếp tục phát triển thị trường, kể cả thị trường TQ” - ông Cường nói.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết theo thống kê của Bộ năm 2018, kim ngạch xuất khẩu nông thủy sản của TQ mới có khoảng 79 tỉ USD nhưng kim ngạch nhập khẩu nông thủy sản của TQ lại 137 tỉ USD.
Như vậy có thể thấy TQ đang nhập siêu nông thủy sản. Trong khi đó, con số xuất khẩu nông thủy sản của Việt Nam sang TQ vẫn chưa đáng kể. Hơn nữa, các sản phẩm của Việt Nam cho dù là quả thanh long, trái cây, rau quả cũng mới chỉ tiếp cận được một số thị trường của TQ, chưa vào sâu bên trong thị trường này.
Do vậy, Việt Nam cần phải nhìn nhận được dung lượng của thị trường này cũng như quy định của thị trường, từ đó xúc tiến đi sâu vào thị trường nội địa của TQ.
"Tiềm năng thị trường TQ rất rộng mở. Dù tiềm năng thị trường lớn nhưng sẽ không khai thác được nếu không chuyển được từ xuất khẩu tiểu ngạch sang chính ngạch" - Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nói.
Theo Mai Hiền (Pháp Luật TPHCM)