Lông và da động vật được coi là một trong những nguyên liệu đẳng cấp và quyền uy nhất của ngành công nghiệp thời trang. Những người giàu có sẵn sàng chi tới hàng trăm đến hàng triệu đô là để sở hữu những trang phục làm từ lông và da thú xa xỉ, mềm mượt như nhung.
Những loại lông thú được các tín đồ yêu thích nhất hiện nay là các loại lông của động vật có màu lông đẹp, mịn như lông thỏ, cáo, chồn, báo, sóc... Lông của động vật càng quý hiếm thì càng tỷ lệ thuận với giá trị của bộ trang phục và cũng tỷ lệ thuận với niềm kiêu hãnh của giới thượng lưu sành điệu.
Tuy nhiên, đằng sau vẻ sang chảnh, đẳng cấp, chất liệu mềm mại hảo hạng và vẻ đẹp mê lòng người ấy lại là những cuộc thảm sát rất dã man những động vật quý hiếm.
Với nhu cầu ngày càng tăng cộng với sự tham lam của các doanh nghiệp thời trang, rất nhiều nhà máy sản xuất lông thú được ra đời trên thế giới, trong đó nhiều nhất là tại Châu Âu.
Theo một nghiên cứu được thực hiện gần đây bởi Tiến sĩ Etwaroo thì 80% số lượng lông thú sản xuất ngày nay được ra đời từ các trang trại nuôi thú công nghiệp. Hình thức săn bắt động vật hoang dã không còn phổ biến vì quá đắt đỏ.
Mỗi năm có khoảng 50 triệu động vật có lông bị giết hại để phục vụ cho ngành công nghiệp thời trang và Trung Quốc chính là một trong những quốc gia sản xuất lượng lông thú lớn nhất thế giới.
Những loài động vật hoang dã được nuôi để lấy lông thường bị nhốt trong một chiếc cũi nhỏ, chật chội khiến chúng không thể di chuyển và cứ thế chúng sẽ không thể sở hữu bản năng vốn có như chồn sẽ không thể biết bơi, cáo không bao giờ biết chạy và thỏ không hề biết nhảy.
Tất cả những con vật này đều bị đối xử tàn tệ, thậm chí chúng không có nước uống và thức ăn trong vài ngày trước khi bị lôi ra đập mạnh bằng gậy, bị dẫm mạnh vào đầu hoặc rạch để lấy lông, da ngay khi chúng còn sống.
Ở những nước như Trung Quốc, nơi không tồn tại luật bảo vệ động vật thì thậm chí chó, mèo cũng bị giết để lấy lông. Dã man hơn, để cắt giảm chi phí và dễ lột da hơn, những động vật này thường bị lột lông khi còn sống.
Năm 2017, một báo cáo chi tiết đã được đưa ra, chỉ rõ rằng một số lớn sản phẩm tiêu dùng trong ngành thời trang Anh quốc được quảng cáo là sử dụng lông thú nhân tạo thực ra đã bị trà trộn bởi "lông thật chính hãng". Điều này đã làm một bộ phận lớn người tiêu dùng ở Anh rất phẫn nộ.
Với một lượng lớn người Anh đang chống lại các sản phẩm thương mại được làm từ lông thú, hàng triệu người mua sắm trên thế giới đã chuyển sang sử dụng lông giả và giả da trong các sản phẩm thời trang của họ.
Tuy nhiên, họ cũng sẽ được phen ngạc nhiên khi biết rằng, trong nhiều sản phẩm được dán nhãn "lông giả" đó vẫn chứa lông thú thực sự, được lột ra từ những con cáo, thỏ và các loại động vật khác.
Một cuộc thăm dò trên trang YouGov cho thấy 9/10 người Anh không ủng hộ việc mua bán và sử dụng các sản phẩm từ lông thú.
Việc nuôi cừu để lấy lông cũng đã bị cấm ở Anh từ năm 2000, đồng thời các quy định của EU cũng đã cấm việc sử dụng lông chó và mèo. Tuy nhiên nước Anh vẫn nhập khẩu và bán lông thú từ một số loài khác như cáo, thỏ, chồn, sói và chinchilla.
Mỗi năm, có hàng triệu động vật hoang dã và chăn nuôi bị giết hại để cung cấp da, lông và sừng cho các ngành công nghiệp thời trang và sản xuất nội thất - theo thống kê của nhiều tổ chức phi chính phủ. Đây đồng thời cũng là nguyên nhân làm nhiều loài động vật quý hiếm đang đứng trên bờ vực tuyệt chủng.
Cái chết thương tâm của chúng bị đem ra để đánh đổi lấy những món đồ phù phiếm, kiêu sa, có thể sẽ nằm lại trong tủ quần áo của các quý bà sành mốt đến hàng chục năm chỉ sau vài lần sử dụng.
Những hình ảnh dưới đây sẽ khiến không ít người phải rùng mình ớn lạnh trước tội ác dã man của con người đi cùng với niềm khát khao thời trang lông thú xa xỉ. Và với những người từng mua cho mình một bộ cánh lông thú sẽ không khỏi hối hận khi họ chính là người tiếp tay cho tội ác:
Theo Lily (Giadinh.net.vn)