Muốn đi qua, phải đóng 10.000-50.000 đồng/xe
Đường Vĩnh Nguyên thuộc xã Long An dài 2 km, là tuyến đường nông thôn của xã, được làm năm 2012 với tổng kinh phí hơn 1 tỉ đồng, dân hiến đất mở rộng đường, kinh phí do huyện đầu tư.
Tuy nhiên, kể từ khi đường này được nâng cấp, nhiều tài xế phản ánh họ bị dân địa phương chặn đường thu phí. “Đầu đường có barie do một người canh, tài xế muốn vô thì phải đóng phí tùy tải trọng, dưới năm tấn bị thu 10.000 đồng, trên năm tấn mất 20.000 đồng, còn 18 tấn trở lên phải đóng 50.000 đồng, không đóng thì họ dứt khoát không mở barie. Chúng tôi hỏi nguyên nhân thu thì họ nói được xã cho phép” - một tài xế kể.
Theo ghi nhận của PV những ngày gần đây, do đang vào mùa mưa, cộng với lưu lượng xe quá tải vào đông nên đoạn đường bị hư hại khá nhiều đoạn, nhiều ổ gà đọng nước thành vũng.
Tại khu vực cổng có barie, một xe ben chở đất trên 10 tấn biển số 62L-60… chạy trờ đến cổng rồi dừng lại. Người gác barie đóng thanh chắn, rồi chạy đến cabin nhận của tài xế 20.000 đồng bỏ túi, sau đó mới mở barie cho xe chạy qua.
Cũng theo quan sát của PV, phía bên trong đường này có hai DN kinh doanh bao bì và vật liệu sắt, thép. Người dân cho biết các xe chở sắt, thép đều có tải trọng 20-30 tấn trở lên, trong khi tải trọng đường chỉ có tám tấn. Ngoài xe của hai DN này, các xe tải từ nơi khác đến muốn chạy vào đường cũng phải đóng phí.
Barie lúc bình thường. |
Một xe tải bị barie chặn lại, thu tiền. Ảnh trong bài: H.NAM |
DN lẫn dân đều sai
Đại diện UBND xã Long An cho biết xã đã nhiều lần làm việc với đại diện các DN lưu thông trên đường này, đa số xe chở sắt, thép đều quá tải đường. Xã đã yêu cầu họ mỗi năm phải tiến hành duy tu, sửa chữa đường hai lần và họ cũng thực hiện khá tốt. Trước đây, người dân địa phương cũng có đề nghị thu phí xe quá tải đối với tuyến đường này. Tuy nhiên, theo quy định thì không được thu phí đối với các tuyến đường nông thôn với bất kỳ hình thức gì nên xã không đồng ý. Việc thu phí 10.000-50.000 đồng/lượt xe như hiện nay là do tổ tự quản trong dân tự đứng ra thu, ngoài mỗi tháng phải nộp lại 1,5 triệu đồng cho tổ tự quản dặm vá đường hư hỏng, phần còn dư được bồi dưỡng lại cho người trực tiếp thu phí. Dù việc thu phí của dân là không đúng theo quy định nhưng do nhu cầu thực tế tại địa phương nên xã cũng đã xin ý kiến cấp trên. “Vấn đề là ngoài xe của DN bên trong đường, các xe từ nơi khác khi vào đường này cũng bị thu, gây bức xúc nên chúng tôi đang bàn bạc lại. Một là kiến nghị xin giấy phép lưu thông đặc biệt cho các xe quá tải để kêu gọi đầu tư kèm với trách nhiệm sửa chữa, duy tu đường lâu dài, không thu phí cục bộ trái quy định như hiện nay. Hai là siết lại tải trọng, chỉ xe nào đúng tải trọng mới cho vào để tránh hư đường, tuy nhiên như vậy thì lại gây khó cho DN” - đại diện UBND xã nói.
Trao đổi qua điện thoại với PV, ông Phạm Hồng Thủy, đại diện Công ty Tuấn Lộc kinh doanh vật liệu sắt thép, một trong hai DN có xe quá tải chạy trên đoạn đường này, nói: “Biết chạy quá tải là sai nhưng do đây là độc đạo nên công ty xin được đóng phí, hỗ trợ sửa chữa đường. Sau này, nếu đường này có làm đường nhựa thì công ty sẽ tiếp tục hỗ trợ xã kinh phí”.
Ông Nguyễn Anh Dũng, Chủ tịch UBND huyện Cần Giuộc, cho biết UBND huyện sẽ chỉ đạo cơ quan liên quan kiểm tra vụ việc.
Theo Hoàng Nam (Pháp Luật TP HCM)