Các hãng bia và quán nhậu ở Việt Nam ngày càng ăn nên làm ra nhờ vào sở thích bia rượu của người Việt.
“Rất vui, tuần nào không có lại thấy thiếu thiếu”, anh Binh cho biết và còn nói vui rằng mình đã "góp tiền xây nhà lầu" cho bà chủ quán khi là khách quen của quán này hơn chục năm qua.
Thật ra, những khách tiêu thụ bia nhiều như anh Hồng Binh còn "góp tiền" giúp cho nhiều hãng bia không ngừng lớn mạnh. Sabeco đã trở thành cổ phiếu được trông đợi nhất khi có vốn hóa lên đến 3,15 tỷ USD và trở thành doanh nghiệp có vốn hóa lớn thứ 5 trên HoSE, sau Vinamilk, PV Gas, VietcomBank và VinGroup. Sức hấp dẫn của cổ phiếu Sabeco đến từ hấp lực lớn của thị trường bia rượu tại Việt Nam.
Theo Euromonitor, tăng trưởng của tầng lớp trung lưu và nhóm dân số trẻ đẩy nhu cầu bia tại Việt Nam lên 300% từ năm 2002 và ước tính thị trường trị giá 147.200 tỷ đồng năm 2016. Hãng này dự đoán mức tiêu thụ trên đầu người sẽ đạt 40,6 lít trong năm nay, biến Việt Nam thành nước tiêu thụ lớn nhất tại Đông Nam Á. “Việt Nam sẽ là chiến trường chính tiếp theo cho các nhà sản xuất bia”, báo cáo của Euromonitor International nhấn mạnh.
|
Thị trường bia ở Việt Nam rất hấp dẫn các nhà đầu tư. |
Tỷ lệ tiêu thụ rượu bia ở Việt Nam tăng nhanh chóng có nguyên nhân do mức tăng thu nhập trung bình cũng như sự thay đổi nhân khẩu học của một nền dân số trẻ đang ở độ tuổi vàng. Trung bình mỗi năm Việt Nam có thêm một triệu công dân bước sang tuổi 18, độ tuổi bắt đầu được sử dụng đồ uống có cồn hợp pháp. Nhưng thói quen rượu bia trong người dân Việt Nam đủ mọi độ tuổi mới là nguyên nhân chính dẫn đến những “kỷ lục” về bia rượu.
Tham gia nhóm nhậu của anh Hồng Binh, mỗi người trung bình cũng phải uống được ít nhất 5 chai. Tửu lượng được coi là thước đo của nhiều tiêu chí: chịu chơi, bản lĩnh đàn ông, cởi mở, đối tác tin tưởng, thậm chí là sức khỏe... Vì thế, nếu không uống được, nhiều người sẵn sàng móc họng tại bồn ói luôn sẵn sàng trong mọi quán nhậu, rồi quay trở lại bàn uống tiếp cho đủ số lượng.
“Các bạn thật sự uống rất nhiều. Chúng tôi chỉ uống 1, 2 chai rồi về chứ không uống không có điểm dừng như ở đây”, Apiradee, 28 tuổi, làm cho một công ty quảng cáo Thái Lan tại TP HCM, cho biết. Cô nói rằng, rượu bia ở Việt Nam quá rẻ và ngạc nhiên thấy tốc độ phát triển rất nhanh của các quán bar, câu lạc bộ bia (beer club) tại TP HCM, Hà Nội.
“Ở Thái Lan, bất cứ quán rượu hoặc hộp đêm nào bán đồ uống có cồn hoặc cho khách dưới 20 tuổi sẽ bị tước giấy phép kinh doanh hoặc bị đóng cửa trong 5 năm. Việc hoạt động quá giờ cho phép cũng sẽ bị xử phạt tương tự. Các quán rượu, nhà hàng và cửa hàng tiện lợi gần trường học, trường đại học và ký túc xá... cũng bị cấm bán đồ uống có cồn”, Apiradee so sánh. Cô còn cho biết, thậm chí, cảnh sát Thái Lan còn điều tra 6 người nổi tiếng đã đăng tải và chia sẻ hình ảnh với thức uống có cồn trên mạng xã hội.
Đây cũng là câu chuyện ông Yoshiki Otani, một doanh nhân Nhật, 50 tuổi, chuyên nhập khẩu hàng gốm sứ từ Việt Nam sang Nhật, chia sẻ rằng “luật pháp Việt Nam quá dễ dãi với người uống bia rượu”. Theo anh, tại Nhật, trước khi hẹn nhậu với bạn bè, mọi người đã phải chuẩn bị xe để đưa về. Đơn giản, nếu lái xe tại Nhật phát hiện có uống bia rượu quá nồng độ có thể bị tịch thu xe và tước bằng lái vĩnh viễn. Nếu quán bán rượu cho khách trong khi biết rõ khách lái xe hoặc vị thành niên, họ sẽ bị truy cứu trách nhiệm liên đới.
Trong khi đó, những mô hình như beer club tại Việt Nam lại đang kinh doanh rất thuận lợi. Sau khi nhận khoản đầu tư 6,9 triệu USD do Mekong Capital rót vào năm 2008, Golden Gate - công ty sở hữu Vuvuzela lại nhanh chóng chào đón một quỹ mới thuộc Ngân hàng Standard Chartered, với khoản đầu tư 35 triệu USD. Lãnh đạo Golden Gate vẫn tự tin đưa ra kế hoạch gia tăng số lượng cửa hàng tại các tỉnh thành ở Việt Nam. Cách đây vài năm, Vuvuzela cho biết đã đón tiếp 6.500 lượt khách mỗi ngày, chỉ với 9 nhà hàng. Họ kỳ vọng con số cao hơn với cửa hàng thứ 18 tại Thanh Hóa vừa mới khai trương.
Chi phí cho rượu, bia mỗi năm tại Việt Nam rất lớn, tương đương 3% số thu ngân sách của cả nước, do đó không làm giảm sức hấp dẫn đối với các nhà đầu tư vào mô hình beer club. Với mức lãi gộp có thể đạt tới 35% cho thức ăn và 50% đối với bia, nếu thành công nhà đầu tư có thể hoàn vốn chỉ trong vòng 12 tháng. “Tỷ suất lợi nhuận tương đối lớn và phù hợp với thời gian đầu tư của các quỹ nên trong thời gian tới, có thể các mô hình beer club sẽ đón nhận thêm nhiều nhà đầu tư nước ngoài”, một nhà phân tích của quỹ đầu tư Mỹ nhận định.
Sức tiêu thụ bia của Việt Nam từng khiến ông Michel de Carvalho, chủ sở hữu thương hiệu bia Heineken, phải thốt lên từ “kinh ngạc” khi nói chuyện với báo giới. Việt Nam có hơn 20 nhà máy đạt công suất trên 20 triệu lít một năm, 15 nhà máy có công suất lớn hơn 15 triệu lít một năm, và có tới 268 cơ sở có năng lực sản xuất dưới 1 triệu lít mỗi năm. Dù 350 cơ sở sản xuất bia cho thị trường 87 triệu dân là con số không nhỏ, nhưng các doanh nghiệp vẫn tiếp tục đầu tư, mở rộng hệ thống sản xuất. Hiện nay, cả nước có đến hàng trăm beer club với sự tham gia của Heineken, Sapporo, Tiger, Đại Việt, Habeco… Hình ảnh đông vui nhộn nhịp của các beer club một cách nào đó như nhấn mạnh tầm ảnh hưởng của văn hóa rượu bia tại Việt Nam. Bà Phạm Hoàng Anh, Tổ chức HealthBridge Canada, nhận định, bia được quảng cáo rầm rộ, quảng cáo trên truyền hình vào giờ vàng và các chương trình khác khiến việc sử dụng thức uống có cồn trở nên phổ biến.
Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) khuyến cáo, chính vì chi tiêu quá nhiều cho rượu bia khiến việc chi tiêu cho y tế và giáo dục bị hạn chế. Vì thời gian dành cho bia rượu nhiều làm giảm năng suất lao động, tinh thần lành mạnh cho các hoạt động khác... Vì thế, không quá lời khi WHO (Tổ chức Y tế thế giới) cảnh báo, lạm dụng rượu, bia ảnh hưởng tiêu cực đến năng suất lao động của các quốc gia, gây áp lực cho hệ thống y tế và sẽ gây khó khăn cho Việt Nam trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hiệp Quốc đến năm 2030.
“Không dễ từ bỏ thói quen bia rượu. Rất khó lòng mà từ chối mời nhậu và đã nhậu thì rất khó lòng từ chối bia rượu”, anh Hồng Binh cho biết.
Theo Kỳ Phong (VnExpress.net)