Dân "khóc" vì hóa đơn điện: Điều EVN chưa nói rõ?

21/04/2015 10:22:48

Tôi cho rằng việc giá điện tăng 7,5% chỉ là giá bình quân chung còn theo lũy tiến thì sẽ tăng cao hơn.

Tôi cho rằng việc giá điện tăng 7,5% chỉ là giá bình quân chung còn theo lũy tiến thì sẽ tăng cao hơn.

PV: - Tháng đầu tiên áp dụng giá điện mới, dư luận phản ứng vì tiền điện tăng cao. Trong khi đó, giải thích về vấn đề này, đại diện EVN Hà Nội cho rằng, do tháng vừa rồi nắng nóng cục bộ nên hóa đơn tiền điện mới tăng vọt như vậy. Ông có đồng tình với lý giải này không? Nếu như vậy thì trấn an giá điện tăng không ảnh hưởng nhiều tới người dân phải được nhìn nhận lại như thế nào?

Ông Ngô Trí Long: - Tôi cho rằng việc giá điện tăng 7,5% chỉ là giá bình quân chung còn theo lũy tiến thì sẽ tăng cao hơn. Có nghĩa là nếu dùng trên 100 kWh thì mức giá tăng sẽ khác, nhưng là 200kWh thì mức giá sẽ khác nữa.

Như vậy muốn biết cụ thể như thế nào, bên điện đúng hay người dân đúng thì tôi nghĩ rằng phải có cơ quan thanh tra kiểm tra vào cuộc. Phải xem đồng hồ đo thế nào, so sánh với biểu lũy tiến có tính đúng hay không.

Còn điều đương nhiên là tăng lên 7,5% cũng là tương đối lớn, nhất là vào thời điểm mùa nóng đến, dùng nhiều tiêu tốn nhiều là đương nhiên.

Về điều này đã nhiều người phản ánh là người dân sẽ phải trả tiền cao hơn nhiều chứ không phải chỉ là 7,5% so với tổng hóa đơn của tháng trước.

Và như vậy chắc chắn việc ảnh hưởng sẽ tùy từng mức độ gia đình, tùy từng đối tượng chứ không thể nói không ảnh hưởng nhiều tới người dân.
Tiền trả cho hóa đơn điện tăng cao nhiều người dân điêu đứng

PV: - Có thể nhận thấy, trong mọi lần tăng giá, luôn có sự nhận định ngược nhau giữa phía quản lý và người dân. Trong khi người dân than phiền về gánh nặng giá cả thì cơ quan quản lý khẳng định “không ảnh hưởng nhiều” tới người dân. Phải hiểu sự lệch pha này như thế nào? Hay bởi tâm lý đám đông cứ thấy tăng giá là kêu?

Ông Ngô Trí Long: - Tôi nghĩ rằng tâm lý của người dân thì chắc chắn không bao giờ muốn tăng giá.

Trong khi đó điện là một mặt hàng thiết yếu phục vụ và tác động tới tất cả các mặt hàng sản xuất và tiêu dùng. Không những nó tác động trực tiếp đến người tiêu dùng mà nó còn tác động gián tiếp nữa.

Như vậy khi giá điện tăng sẽ làm chi phí đầu vào tăng thì khiến cho giá thành của tất cả các sản phẩm khác cũng tăng theo.

Khi giá thành các sản phẩm tăng thì ảnh hưởng đến mặt bằng giá và lúc này ảnh hưởng đến người tiêu dùng. Chính vì vậy người dân kêu cũng là có cơ sở.

PV:- Đã có ý kiến của ngành điện cũng như giải thích của Bộ Công thương cho rằng nếu không tăng giá thì EVN sẽ phá sản. Tuy nhiên, đến thời điểm này, trong cơ cấu điện của Việt Nam, thủy điện - vốn là loại rẻ nhất vẫn chiếm tỷ trọng vượt trội. Vậy xét trên bình diện chung thì sự than phiền của người dân về chuyện giá tăng đúng ở mức độ nào?

Ông Ngô Trí Long: - Nếu lấy lý do không tăng giá thì EVN phá sản là không phù hợp.

Có thể thấy rằng trong suốt thời gian qua Nhà nước vẫn tính đúng, tính đủ chi phí để ngành điện có lãi chính đáng. Thế nhưng vừa qua chưa có một cơ quan độc lập để kiểm tra xem việc chi phí đó như thế nào.

Trong khi đó EVN thực hiện đầu tư ngoài ngành lỗ trên 2100 tỉ đồng, thất thoát điện năng lớn, năng suất lao động kém... là những điều cần phải làm minh bạch hơn.

Thế nhưng như chúng ta đã thấy, cuối cùng ngành điện lại đổ dồn lên người tiêu dùng là không nên.

PV: - Đã có những giải thích cho rằng EVN còn phải thực hiện nhiệm vụ chính trị nhưng sự thiếu minh bạch của EVN luôn khiến người dân nghi ngại. Theo ông, EVN cần phải làm thế nào để lấy lại niềm tin của những “thượng đế” của họ?

Ông Ngô Trí Long: - Có thể thấy từ 2007 đến nay, nước ta đã tăng giá điện nhiều lần, đặc biệt lần này tăng biên độ lớn nhất so với 4 lần trước đó. Thực tế, người tiêu dùng không phải không chia sẻ khó khăn với ngành điện mà là chưa thấy sự minh bạch về giá cả nên chưa đồng thuận cũng không khó hiểu.

Đây chính là bất cập lớn nhất. Cho nên, muốn có sự đồng thuận của người dân, không còn cách nào tốt hơn đó là sự minh bạch về giá cả.

Để làm được điều này, chúng ta cần cuộc đại phẫu thuật về giá do cơ quan chức năng chuyên môn, chuyên gia độc lập thực hiện. Còn hiện nay, cơ quan quản lý nhà nước nói về minh bạch giá điện vẫn chưa thực sự đứng ở vị thế trung gian.

Hiện nay có những khoản lỗ do chủ quan điều hành tạo ra, tức là do quản trị kém. Nhưng lỗ đó đã tính vào giá điện và đổ cả lên đầu người tiêu dùng gánh.

Xin trân trọng cảm ơn ông!
 
>> Hóa đơn tiền điện tăng vọt, vì sao?

Theo Bích Ngọc (Đất Việt)

Nổi bật