Chiều thứ 6 trước khi tan sở, chị Hoàng Thị Bảo Nhi ở Vương Thừa Vũ (Thanh Xuân, Hà Nội) vừa kịp nhận lô kẹo mà mình đặt cách đây 3 ngày. Kiểm tra hàng, bóc ăn thử, chị cười nói: “Kẹo giòn, độ ngọt vừa, rất thơm, có thêm chén trà nữa thì tuyệt”.
Đây là các loại kẹo chị Nhi mua để Tết Nguyên đán tới đãi khách cùng với chén nước chè xanh cho chuẩn vị. Nhưng nay chị mới chỉ nhận kẹo dồi, kẹo lạc và kẹo vừng. Riêng món kẹo chè lam thì phải sát Tết mới nhận để đảm bảo độ dẻo, đặt sớm để Tết ăn sẽ bị cứng, không ngon.
Chị cho biết, những năm trước vào mỗi dịp Tết chị thường mua các loại bánh kẹo ngoại với giá khá đắt đỏ. Như Tết năm ngoái, chỉ tính riêng tiền bánh kẹo mua làm quà biếu, để đãi khách đã tốn của chị cả chục triệu đồng.
Năm 2020 vừa qua, thu nhập giảm, thưởng cuối năm cũng không được như trước. Thế nên, Tết này, chị tính chi tiêu tiết kiệm. Thay vì sắm toàn bánh kẹo ngoại, chị chuyển sang mua các loại kẹo quê dân dã, giá rẻ lại ngon.
Ví như kẹo dồi, kẹo lạc, kẹo vừng giá chỉ 120.000 đồng/kg loại ít ngọt, chè lam giá 70.000 đồng/kg. Chị mua mỗi loại 2kg, tính ra hết chưa đến 750.000 đồng, sau đó đặt thêm 2kg chè ngon loại 500.000 đồng/kg để vừa uống vừa đem biếu nữa là xong, chị Nhi chia sẻ.
Không phủ nhận về chất lượng, song chị Vũ Kim Tiến ở Bùi Xương Trạch (Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết, bánh kẹo ngoại nặng về mẫu mã bao bì, thương hiệu nên giá đắt đỏ. Năm nay tiết kiệm nên chị chuyển sang chọn mua những loại kẹo quê dân dã.
Thực ra, ngày còn bé khi ở quê chè lam, kẹo lạc là món quà vặt quen thuộc, nhất là vào mỗi dịp Tết Nguyên đán. Bởi nhà nghèo, tiền không có nhưng lạc và gạo nếp thì lúc nào cũng sẵn nên mỗi dịp Tết đến mẹ chị thường làm những loại kẹo này cho cả ăn, đãi khách.
Món kẹo này ăn giòn tan, bùi bùi của lạc, cảm giác trở về thời ngày xưa. Còn bây giờ ít ăn lại thành lạ. Thế nên, Tết Tân Sửu này, chị quyết định không mua bánh kẹo ngoại, chỉ làm một ít mứt dừa non và mua 3kg kẹo lạc để đãi khách.
“Mứt, kẹo này không chất bảo quản, giá lại tương đối rẻ. Tết đến, ăn mứt, kẹo nhâm nhi cùng chén nước chè hợp vị”, chị chia sẻ.
Những ngày này, trên diễn đàn nấu ăn của các bà nội trợ, chị em còn mách nhau công thức nấu chè lam, kẹo lạc, kẹo dồi chuẩn vị, ít ngọt làm món ăn đãi khách dịp Tết theo tiêu chí ngon, bổ, rẻ.
Trao đổi với PV. VietNamNet, anh Đào Tuấn Việt - một đầu mối chuyên bỏ sỉ các loại kẹo quê ở Hà Đông (Hà Nội), cho biết, cận Tết Nguyên đán lượng hàng bán ra thường tăng mạnh, nhưng những loại kẹo lạc, kẹo dồi năm nay lại đặc biệt hút khách.
“Dân buôn chúng tôi gọi vui là kẹo nhà nghèo. Bởi ngày xưa khi không có tiền mua kẹo thì ông bà bố mẹ thường đem lạc, đường nấu,... thành kẹo ăn”, anh nói.
Cũng theo anh Việt, các loại kẹo lạc, vừng, kẹo dồi hay chè lam giờ được bán quanh năm, không phải hàng độc lạ gì. Song, xu hướng năm nay mọi người chọn mua kẹo này nhiều hơn. Nhờ đó, lượng hàng bán ra mỗi ngày đều tăng mạnh.
Giá đổ sỉ mấy loại kẹo này chỉ ở mức 60.000-80.000 đồng/kg. Theo đó, anh sẽ đóng gói hay đóng hộp 300-500gram tùy theo trọng lượng tùy khách sỉ yêu cầu.
“Kẹo lạc và chè lam đang là hai mặt hàng đắt khách nhất dịp Tết này. Như hôm nay, lượng chè lam đổ sỉ lên tới đầu tạ, còn kẹo lạc giao cho khách cũng gần 3 tạ/ngày, tăng gấp 5 lần ngày thường”, anh tiết lộ.
Chị Bùi Vân Hương ở Xuân La (Tây Hồ, Hà Nội) thừa nhận, kẹo lạc, kẹo dồi và chè lam năm nay còn đắt khách hơn cả các loại mứt dừa, mứt quất,...
“Mấy món kẹo này tôi đã bán 4 năm nay, nhưng chưa bao giờ đắt khách như dịp Tết này”. Chị nói và cho biết, khách đa phần đều mua 2-3 kg, còn nếu chọn hàng đóng hộp thì mua cả chục hộp một lần.
Theo chị, vì có giá rẻ, dân dã dễ ăn nên mọi người mua nhiều. Đây cũng là lý do tuần vừa qua chị bán kết 5 tạ kẹo quê các loại.
Thời điểm hiện tại lượng người mua sắm bánh kẹo Tết vẫn chưa nhiều, tầm khoảng 10 ngày nữa là cao điểm, lượng kẹo bán ra sẽ tăng khoảng gấp 3 lần dịp này nên chị đang gom hàng sẵn, tránh “cháy hàng”, chị cho hay.
Theo Châu Giang (VietNamNet)