Nhiều hội viên của Thiên Ngọc Minh Uy cho biết họ mang toàn bộ số vốn tích cóp nhiều năm tham gia hệ thống với những lời hứa hẹn đường mật về tiền lãi.
Bất an
Chia sẻ với chúng tôi, chị H. (Mê Linh, Hà Nội) cho biết chị đầu tư 14 “mã hàng hóa” của hệ thống Thiên Ngọc Minh Uy với số tiền khoảng 100 triệu đồng từ năm 2013 đến nay. Người của Thiên Ngọc Minh Uy khi đó nói với chị có thể thu về gần 300 triệu đồng sau 2 năm mà không phải làm gì cả. Chị chỉ cần tham gia vào hệ thống và chờ đợi.
Thấy mức lợi nhuận rất cao so với thu nhập hàng ngày, chị H. gom hết số tiền tích cóp của cả gia đình đi “đầu tư”. Chị giấu chồng con bán thêm một số tài sản của gia đình cộng với tiền có trong nhà để tham gia hệ thống.
Nhiều người dân tại các vùng quê nghèo đổ về trụ ở Thiên Ngọc Minh Uy xin rút tiền khỏi hệ thống. Ảnh: Anh Tuấn. |
Trước đó, chị H. cũng tham gia nhiều buổi nói chuyện “làm giàu” của Thiên Ngọc Minh Uy. Ngoài nghe số tiền lãi “trong mơ”, việc có nhiều người trong thôn, trong xã cũng tham gia làm chị yên tâm. Trong số đó, một số người giàu lên, mua xe, xây được nhà làm chị càng tin tưởng.
“Tôi nghĩ số tiền đó coi như một khoản tiết kiệm, ngoảnh đi ngoảnh lại là trôi qua 2 năm. Khi đó tiền tăng thêm tới gần 3 lần, tôi sẽ xây nhà cho thằng con trai lớn”, chị H. tâm sự.
Tuy nhiên sau 2 năm, số tiền chị nhận lại chỉ vài triệu đồng. Nhân viên trong hệ thống báo phải đóng một số khoản thuế mà chị không nhớ, nên trừ đi một nửa trong số đó.
Về việc thanh lý hợp đồng, nhân viên Thiên Ngọc Minh Uy liên tục lấy lý do phải hoàn thiện thủ tục, giấy tờ nên kéo dài bến bây giờ vẫn chưa xong.
Đợi chờ gần 4 năm, chị H. quyết định ra tận trụ sở chính của Thiên Ngọc Minh Uy tại Hà Nội để xin rút về phần gốc, phần lãi chị coi như không còn hy vọng.
Lần ra Hà Nội này lại đúng dịp nghe tin công ty bị chấm dứt hoạt động bán hàng đa cấp, chị càng lo lắng.
Giữa dòng người đông đúc xếp hàng làm đơn xin thanh lý hợp đồng, chị H. vốn quen với việc đồng áng bỡ ngỡ với những thủ tục giấy tờ khó hiểu. Câu trả lời chị nhận được từ Thiên Ngọc Minh Uy, là “cần thêm thời gian để xử lý”.
Chị đành buồn bã, đi vội ra xe buýt để về quê trước khi trời tối.
Nhiều cụ già cũng mang tiền tiết kiệm "đầu tư" vào hệ thống Thiên Ngọc Minh Uy. Ảnh: Anh Tuấn. |
Cùng quê với chị H., chị L. cũng tham gia hệ thống Thiên Ngọc Minh Uy nhưng số tiền ít hơn. Chị L. mua 3 mã (khoảng 21 triệu đồng) với hy vọng có thể thu về cả gốc và lãi gần 60 triệu đồng sau 2 năm.
Mòn mỏi chờ đợi, chị L. cũng không nhận lại được bao nhiêu so với khoản “đầu tư” của mình 4 năm qua. Chị xin thanh lý hợp đồng.
Chị L. kể ở vùng quê chị sống, rất nhiều người tham gia vào hệ thống Thiên Ngọc Minh Uy. Người ít 1-2 mã (mỗi mã khoảng 7 triệu đồng), người nhiều thì hàng chục, hàng trăm mã. Vùng quê nghèo bỗng rộ lên phong trao đầu tư sinh lợi cao nên nhiều người bán hết tài sản, huy động hết số vốn mình có đi “đầu tư”.
Có người giấu chồng, có người giấu vợ, có người giấu con cái mang tiền đầu tư. Cũng nhiều gia đình bất hòa, cãi nhau vì vợ, chồng phát hiện. Sau nhiều năm chờ đợi không có kết quả, người đầu tư ít thì “cắn răng” coi như mất trắng, người nhiều thì kiên trì đi đi lại lại lo thủ tục xin rút vốn.
Tuy nhiên, ai cũng rất mông lung về việc liệu mình có rút được hay không.
Cũng trong tình cảnh tương tự, anh Đ. và một số người cùng quê Hưng Yên lên Hà Nội từ sáng sớm xin làm thủ tục rút vốn đã “đầu tư” vào Thiên Ngọc Minh Uy.
Anh Đ. cho biết mình rất tin tưởng và đầu tư hàng chục triệu đồng vào đại lý của chị dâu. Nhưng hiện giờ, chị dâu của anh cũng “đứng ngồi không yên” cùng về Hà Nội.
Chị dâu của anh Đ. huy động vốn lên tới hàng chục tỷ đồng của người dân trong huyện, nhưng chính chị cũng không biết có thể lấy lại được hay không.
Tình hình kinh doanh của Thiên Ngọc Minh Uy giai doạn 2014-2015. Đồ họa: Hiếu Công. |
Nhiều người dân xung quanh trụ sở chính của Thiên Ngọc Minh Uy cho biết mỗi ngày có hàng trăm lượt khách hàng ra vào công ty này. Trong số đó đa phần là người dân từ các tỉnh lẻ đồ về. Nhiều người cho biết đã “đầu tư” toàn bộ tiền tích cóp vào hệ thống Thiên Ngọc Minh Uy.
“Họ có thể đầu tư nhiều tiền như thế nhưng ăn uống rất hà tiện, có người đi bộ hàng cây số đến trụ sở lấy lại tiền, có người khóc mếu, kêu gào trước trụ sở công ty”, một người dân gần Thiên Ngọc Minh Uy cho biết.
Chỉ thay tên?
Trong khi Bộ Công Thương thông báo chính thức rút giấy phép kinh doanh đa cấp của Thiên Ngọc Minh Uy, trưa 25/4, trên fanpage của doanh nghiệp đăng tải thông báo với nội dung khác.
Thông báo có đoạn "để tạo ra thương hiệu và qui mô tầm cỡ quốc tế nay công ty chúng ta sẽ chuyển đổi Thiên Ngọc Minh Uy thành 1 tập đoàn bao gồm nhiều các công ty con dưới sự điều hành của Tập đoàn Thiên Ngọc Minh Uy".
Lĩnh vực kinh doanh đa cấp mang tên Thiên Ngọc Minh Uy hiện tại sẽ do Công ty con của Thiên Ngọc Minh Uy tên Công ty TNHH Nhã Khắc Lâm chuyên sâu mảng MLM (kinh doanh đa cấp).
Công ty Thiên Ngọc Minh Uy không còn là đa cấp nữa nên trả giấy chứng nhận đa cấp cho Bộ Công Thương.
Doanh nghiệp này cũng cho biết dù được biết đến chính là kinh doanh đa cấp tại Việt Nam, chỉ được phép hoạt động trên lĩnh vực ngành nghề theo qui định của Nghi định 42 nhưng thực tế ngay từ khi thành lập, doanh nghiệp đã có hơn 21 mã ngành nghề kinh doanh được đăng ký.
Khẳng định "ai có mạng lưới thì vẫn làm bình thường", Thiên Ngọc Minh Uy tiếp tục kêu gọi thành viên tham gia thêm các hoạt động đầu tư.
Theo Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương), trong giai đoạn 2014-2015, tổng doanh thu ghi nhận của Thiên Ngọc Minh Uy là 3.593 tỷ đồng, với 87% là tiền thu trực tiếp từ người tham gia. Trong khi đó, giá vốn nhập hàng hóa vào chưa đến 1.000 tỷ đồng. Trong hai năm 2014-2015, số tiền hoa hồng của Thiên Ngọc Minh Uy đã chi lên tới gần 40% số thu từ người tham gia, tương ứng 1.586 tỷ đồng. Con số này cũng cao hơn gần 60% so với tổng giá vốn hàng hóa đã bán cho các thành viên của hệ thống. Nếu trừ giá vốn hàng bán và chi phí hoa hồng, Thiên Ngọc Minh Uy vẫn còn lãi gần 1.000 tỷ đồng trong giai đoạn 2014-2015, trong khi vốn điều lệ của doanh nghiệp chỉ ở mức 20 tỷ đồng. |
Theo Hiếu Công (Tri Thức Trực Tuyến)