Các đầu mối ở Việt Nam đã khởi động đợt đặt mua hàng dịp Black Friday từ vài tuần trước. Tuy nhiên, nhiều người sợ vướng cảnh "ôm bom" vì muốn lãi lớn.
Đã nhiều năm nhập hàng nước ngoài, đặc biệt là từ Mỹ, về bán, chị Diệu Thảo ở quận Gò Vấp, TP HCM bắt đầu lên kế hoạch từ đầu tháng 11 để săn hàng giảm giá trong ngày Black Friday diễn ra vào cuối tuần này. Theo chủ đầu mối này, chương trình giảm giá của các nhãn hàng, hãng bán lẻ khởi động 2-3 tuần trước khi sự kiện chính diễn ra, với mức giảm phổ biến thấp hơn ngày chính từ 20-30%. Tuy vậy, cá biệt cũng có những mặt hàng vừa mở bán đã giảm tới 70%.
"Mua sớm mức giảm ít nhưng size và màu còn nhiều, đủ lô, nhất là quần áo, giày dép… Nếu chờ đến ngày chính (vào thứ sau ngày 27/11) thì hãng sẽ giảm kịch liệt, nhưng thiếu size, thiếu màu, và đầu mối sẽ phải tranh cướp, mua vội", chị Thảo cho biết.
Các kênh đặt hàng cho ngày Black Friday đã được khởi động tại Việt Nam trước vài tuần diễn ra sự kiện. Ảnh chụp màn hình. |
Ngày mua sắm "Thứ sáu đen" cũng là dịp các đầu mối đặt hàng phá nguyên tắc mua bán thông thường. Khách không cần đặt cọc, gửi yêu cầu, mà chính các đầu mối sẽ tự cân đối đơn hàng, tỷ lệ chiết khấu, và ứng tiền cho khách nhằm lấy hàng về càng sớm càng tốt.
"Có trường hợp khách thấy hàng đẹp nhiều, ham mua, đến khi đầu mối đã đặt hàng xong thì thấy số tiền thanh toán quá lớn, liền 'chạy làng'. Hàng đã mua rồi nên đầu mối buộc phải ôm, năn nỉ khách không nhận thì buộc phải bán lại cho người có nhu cầu theo kiểu thanh lý với giá rẻ, lỗ cả tiền thuế, tiền vận chuyển. Hình thức này dân buôn gọi là 'ôm bom', vì hàng này bán lại rất khó", chị Thảo chia sẻ.
Black Friday chưa hẳn rẻ nhất
Trong khi đó, mối hàng của chị Nguyệt Nhi tại quận Cầu Giấy, Hà Nội cho biết, như mọi năm, ngoài trị giá hàng, khách sẽ phải trả công mua là 7-10% cũng phí vận chuyển 10-15 USD/kg đối với đường hàng không. Các sản phẩm như quần áo, giày dép, túi xách... được khuyến cáo nên sử dụng phương thức vận chuyển bằng đường biển, với giá chỉ bằng một nửa (nếu tính theo khối lượng) hoặc 5% (nếu tính theo giá trị hàng).
Những mặt hàng đầu mối có thể chịu khó mở hầu bao, mua mà không cần chờ đặt từ khách nhiều nhất thường là hàng điện tử, đồng hồ, nước hoa, giày dép... Các sản phẩm này nếu đặt ít thì mức giảm không lớn, trong khi không cần lo về mẫu mã nên chủ mối có thể chủ động đặt số lượng lớn hơn, nhằm cân đối tiền hàng.
"Thời trang là mặt hàng đại lý ngại nhận đặt nhất, dù số lượng khách năm nào cũng chiếm tới hơn 50%. Vì hàng giảm giá hầu hết đã lỗi mốt, size nước ngoài với người Việt Nam thì hoặc quá lớn, hoặc quá bé, rất khó để thanh lý nếu khách không lấy hàng như đã đặt", chủ đầu mối Hà Nội cho hay.
Để khuyến khích khách nhận hàng đúng cam kết, chị Thảo có chính sách riêng cho khách hàng quen và khách VIP. "Khách VIP tôi chỉ tính công 3% thay vì 8% như bình thường. Nếu khách quen, đầu mối không yêu cầu đặt tiền cọc, còn lại sẽ dao động từ 10% đến 60% giá hàng. Ngoài ra, với những khách mua nhiều, ưu đãi mà hãng cho đầu mối như giảm 20% tổng giá trị hàng thì tôi cũng chuyển luôn cho khách", chị Thảo tiết lộ.
Thực tế, thị trường Mỹ có rất nhiều chương trình giảm giá vào dịp cuối năm, chứ không chỉ tập trung vào ngày Black Friday. Lễ mua sắm trước dịp Giáng sinh mới được coi là mùa xả hàng cuối cùng của các hãng, và cũng là lúc các đơn vị bán lẻ vét hết sản phẩm khỏi kho, chuẩn bị cho một năm kinh doanh mới. Lúc này, các đầu mối sẽ lên danh sách để nhờ người mua hộ tại Mỹ chọn và lấy hàng.
Thời điểm này, những mặt hàng tồn kho ít, hay chỉ còn duy nhất một cỡ sẽ được bán với giá rẻ như cho, thấp hơn giá niêm yết ngày Black Friday tới vài USD mỗi món. Trong những đợt mua sau như thế này, đầu mối và khách sẽ có lợi hơn khi không cần tranh cướp, không phải thanh toán liên tục, mà lại được tặng thêm các set mỹ phẩm, nước hoa mini, phiếu giảm giá cho đợt hàng tiếp theo…