Những ngày gần đây, trên đường Trường Chinh, đoạn gần khu vực Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk (gọi tắt là bộ phận một cửa, ô tô luôn xếp hàng dài, nhiều xe mang biển số TP HCM, Hà Nội. Bên trong sân của bộ phận 1 cửa luôn chật cứng người tới làm thủ tục mua bán đất đai.
Anh Nguyễn Văn T. (ngụ xã Ea Tu, TP Buôn Ma Thuột) cho biết sau khi nghe thông tin Bệnh viện Trung ương Tây Nguyên sắp xây dựng tại TP Buôn Ma Thuột, anh đã dồn tiền tiết kiệm và vay mượn thêm ngân hàng mua 1 lô đất, cách khu vực dự kiến xây dựng bệnh viện khoảng 1km. Để sang tên, anh có mặt tại bộ phận 1 cửa từ 5 giờ sáng nhưng lúc tới đã có hàng trăm người đứng chờ. "Tình hình dịch bệnh Covid-19 vẫn đang phức tạp nhưng cứ chen chân nhau thế này thì nguy cơ lây lan dịch bệnh rất lớn" - anh T. lo lắng.
Trong khi đó, ông Trần Xuân C. cho biết đang sinh sống ở TP HCM. Mới đây, bạn bè rủ lên Đắk Lắk mua một miếng đất để xây dựng nhà vườn. "Trải qua đợt dịch, mấy người bạn tôi rủ nhau đi các tỉnh thành thưa dân cư để mua đất làm ngôi nhà thứ 2. Tôi chọn 1 lô đất vườn ở TP Buôn Ma Thuột vì đường sá đi lại thuận tiện, từ sân bay Buôn Ma Thuột chạy 10 phút là tới đất của tôi" - ông C. thông tin.
Khoảng 2 tháng gần đây, tình trạng mua bán đất trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk nói chung và TP Buôn Ma Thuột nói riêng diễn ra tấp nập. Mọi ngõ ngách ở TP Buôn Ma Thuột, đâu đâu cũng thấy rao bán từ đất thổ cư đến đất vườn, rẫy. Vì thế giá cả cũng được đẩy lên từng ngày, có những lô đất vừa đặt cọc buổi sáng thì buổi chiều đã được trả tăng lên 30% giá trị.
Theo thống kê của Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai TP Buôn Ma Thuột, tháng 12-2021, Bộ phận một cửa của thành phố đã tiếp nhận hơn 11.400 hồ sơ thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực đất đai, trung bình một ngày làm việc giải quyết gần 521 hồ sơ cho người dân. Trong tháng 1-2022, có những ngày cán bộ, nhân viên tiếp nhận và giải quyết tới 666 hồ sơ, cao gấp nhiều lần so với trước.
Ông Hoàng Xuân Phương, Giám đốc Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai TP Buôn Ma Thuột, cho biết trước tình hình này, đơn vị đã thực hiện nhiều giải pháp như tăng thêm quầy tiếp nhận hồ sơ, cán bộ ăn uống tại chỗ để làm việc từ 6 giờ 30 đến 22 giờ đêm hằng ngày…
Về lý do sốt đất, ông Phương cho hay qua nắm thông tin từ người dân thì họ nói rằng do lo ngại lạm phát nên đầu tư vào đất. Bên cạnh đó, hiện nay thông tin về các dự án lớn như: Bệnh viện Trung ương Tây Nguyên, cao tốc Nha Trang - Buôn Ma Thuột… chuẩn bị xây dựng nên người dân mua đất đón đầu. Đặc biệt, sau đợt dịch Covid-19 vừa qua, có rất nhiều người từ TP HCM, Hà Nội lên đây mua đất để xây dựng ngôi nhà thứ 2 do thuận tiện đi lại.
"Cò" thủ tục tấp nập
Theo ông Phương, vừa rồi có thông tin đơn vị chỉ tiếp nhận 60 đến 70 hồ sơ/ngày, còn lại muốn làm thì phải qua "cò". Tuy nhiên, đây là thông tin thất thiệt, do các đối tượng "cò" tung lên để người dân chi tiền cho họ nhờ làm. Cứ sáng sớm, nhóm "cò" đến tung tin khiến người dân lo lắng, nhiều người đã đến chờ từ 2-3 giờ sáng vì lo ngại không được bốc số. Thực tế, người dân đến giao dịch trước 16 giờ 30 phút hằng ngày, đơn vị đều cho bốc số, tiếp nhận hồ sơ.
"3 ngày qua, tôi phải có mặt lúc 4 giờ 30 để tuyên truyền, vận động người dân yên tâm, không nghe theo lời của nhóm "cò". Tại bộ phận 1 cửa có số điện thoại đường giây nóng, nếu người dân nào tới trước 16 giờ 30 phút hằng ngày mà không được bốc số, nộp hồ sơ thì gọi điện báo cho tôi" - ông Phương khẳng định.
Theo Cao Nguyên (Nld.com.vn)