Đại gia xây căn biệt thự tiền tỷ giữa rừng rồi lặn mất tăm

26/02/2021 08:17:03

Gần 10 năm, căn biệt thự tiền tỷ vẫn bỏ hoang giữa rừng, không thể hoàn thiện để ở. Trào lưu ngôi nhà thứ hai ven đô nói thì hay nhưng không phải ai cũng dễ dàng về quê trú ẩn.

Loạt biệt thự dang dở 

Năm 2008, ông Trần Hoàng Minh (một giám đốc công ty tài chính) đã nghĩ tới việc đầu tư một ngôi nhà thứ hai ven Hà Nội. Từng đi học ở nước ngoài, ông mơ ước có được một khu sinh thái ven đô để cả gia đình có thể nghỉ ngơi dịp cuối tuần.

Thời điểm đó, do bận công việc không có nhiều thời gian tìm hiểu, thấy có một số dự án nghỉ dưỡng ven đô ở Ba Vì, Hòa Bình ra mắt, ông Minh liền tham dự. Mục tiêu mà các dự án dạng này hướng đến là xây dựng những ngôi biệt thự nhà vườn phục vụ nhu cầu nghỉ dưỡng của người dân đô thị.

Đi kèm theo bản vẽ dự án là hàng loạt chiến dịch truyền thông nhằm tạo nên một trào lưu sở hữu “ngôi nhà thứ hai”. Đã có không ít người đổ tiền vào các dự án đó, với hy vọng kiếm lời từ “làn sóng” đầu tư này.

Theo quảng cáo của chủ đầu tư, những người lắm tiền như ông Minh không phải lo gì tới việc tìm đất, xây nhà mà tất cả để họ lo theo hình thức chìa khóa trao tay. Nếu không có nhu cầu ở, ông Minh vẫn có thể cho chủ đầu tư thuê lại nhằm kiếm thêm thu nhập.

Đại gia xây căn biệt thự tiền tỷ giữa rừng rồi lặn mất tăm
Nhiều dự án biệt thự ven đô bỏ hoang (Ảnh mang tính minh họa)

Gia đình đang có con nhỏ, công việc cũng bận rộn nên ông Minh đánh giá nhu cầu nghỉ dưỡng cuối tuần chưa nhiều, nhưng nếu cho thuê thì lại có món tiền lớn. Sau thời gian tìm hiểu, ông chọn một dự án ở Ba Vì để đầu tư với căn biệt thự sân vườn rộng gần 1.000m2. Căn biệt thự sẽ được bàn giao vào năm 2013.

Tuy nhiên, sau đó, do vướng mắc về mặt pháp lý, dự án bị dừng lại. Từ đó tới nay, công trình vẫn chưa thể hoàn thành. Số tiền ông Minh đóng cho chủ đầu tư lên tới hàng tỷ đồng. Ông cũng nhiều lần đàm phán với chủ đầu tư tìm kiếm giải pháp hợp tình hợp lý giữa hai bên để rút vốn về, song vẫn chưa được giải quyết.

“Ngôi nhà thứ hai chưa thấy đâu đã thấy mất một mớ tiền rồi, chẳng biết khi nào mới được về ở”, ông cho hay.

Không chỉ ông Minh, nhiều người mua nhà cũng đang trong tình cảnh tương tự. Cả quả đồi tới gần chục ngôi biệt thự nhìn hướng ra mặt hồ dang dở cả chục năm nhưng không bao giờ thấy bóng dáng chủ nhà.

Ông Nguyễn Thành Trung, Giám đốc Công ty CP Nghỉ dưỡng Ngoại Ô, cho biết, thị trường du lịch ngoại ô Hà Nội khởi nguồn từ những năm 2000 bằng cái tên rất đáng yêu “nhà vườn”; với 4 thủ phủ chính là Sóc Sơn, Lương Sơn - Hòa Bình, Hòa Lạc và Ba Vì. Đây là thị trường của những người chuẩn 'ba giàu', không chỉ giàu tiền, mà còn giàu lãng mạn, giàu thời gian.

Chi phí cho một ngôi nhà như vậy, ngoài tiền đầu tư thì việc duy trì cũng khá tốn kém. Với tối thiểu 2 người trông nom và các chi phí đầu tư thêm, bảo trì bảo dưỡng,... đây là thú chơi của người thực sự giàu.

Ông Trung đánh giá, chỉ còn dưới 20% lượng biệt thự được sử dụng như cách nó sinh ra. Các chủ nhà vẫn rất hạnh phúc với căn nhà của mình. 80% còn lại nhiều căn được tái cải tạo và gia nhập thị trường homestay, một số ít được sử dụng, một số gần như không được sử dụng.

Phát triển tự phát và chỉ tập trung vào một nhóm nhỏ nên các loại hình nghỉ dưỡng ven đô không phải là nguồn thu hấp dẫn cho các nhà đầu tư. Thậm chí, họ chấp nhận đóng cửa bỏ hoang thay vì vận hành cho thuê kiếm vài đồng bạc lẻ.

Chủ dự án tuyên phá sản

Không chỉ người mua nhà mà các chủ đầu tư một thời đình đám với các dự án nghỉ dưỡng ven đô cũng không còn xuất hiện trên thị trường. Năm 2010, Ngọc Viên Islands, do Công ty cổ phần Sỹ Ngàn làm chủ đầu tư, giới thiệu ra thị trường.

Dự án có tổng diện tích hơn 30 ha, bao gồm 3 hòn đảo nằm trên hồ Đồng Mô với 1.600 ha mặt nước, xung quanh là hàng chục hòn đảo lớn nhỏ, rừng cây xanh. Ngọc Viên Island có tổng mức đầu tư 70 triệu USD, bao gồm 112 phòng khách sạn, 80 căn hộ dịch vụ, 65 biệt thự cao cấp... Dự án còn hoành tráng bởi nhiều kiến trúc sư nổi tiếng thế giới thiết kế đạt tiêu chuẩn 5 sao, nằm trong liên minh The Leading Hotels of the World.

Đại gia xây căn biệt thự tiền tỷ giữa rừng rồi lặn mất tăm - 1
Dự án nghỉ dưỡng ra mắt đình đám

Tuy nhiên, dự án không thể thực hiện được. Năm 2013, TAND TP. Hà Nội có quyết định mở thủ tục phá sản với Công ty cổ phần Sỹ Ngàn. Thủ tục phá sản được mở theo yêu cầu của Công ty cổ phần Đầu tư Trường Phúc (Đống Đa, Hà Nội), một trong các chủ nợ của Công ty cổ phần Sỹ Ngàn.

TAND TP. Hà Nội khẳng định: "Sau khi xem xét các giấy tờ, tài liệu liên quan đến yêu cẩu mở thủ tục phá sản; các căn cứ đã chứng minh Công ty Cổ phần Sỹ Ngàn lâm vào tình trạng phá sản".

Một dự án khác cũng im bặt cho tới nay là The Grand Arena Hill, do Công ty CP Đầu tư Gia Tuệ làm chủ đầu tư tại Ba Vì. Dự án giới thiệu có tổng diện tích 10ha, với địa thế lưng tựa núi Ba Vì, mặt hướng ra Sông Đà.

Các hạng mục của dự án gồm: 1 khách sạn 4 sao được xây dựng trên đỉnh đồi với quy mô 100 phòng, 40 căn biệt thự bám quanh sườn đồi, được chia làm 6 khu với phong cách thiết kế khác nhau, diện tích mỗi căn từ 350m2 đến 550m2. Tổng mức đầu tư cho dự án là 20 triệu USD, thời gian hoàn thành dự kiến trong 2 năm, từ 2010 đến 2012.

Khu vực Ba Vì còn hàng loạt dự án khác như Green Villas, Tản Viên Villas and Resort, Nine Ivory, Country House do CTCP Đầu tư Archi làm chủ đầu tư; Top Hill Villas do CTCP Đầu tư du lịch và thương mại Hải Linh làm chủ đầu tư,...

Còn tại Hòa Bình, một số dự án đình đám thời điểm đó là Viên Nam Resort của CTCP Archi Viên Nam; Lâm Sơn Resort của CTCP Archi Reenco Hòa Bình; 3 dự án The First Villas & Resort, Top Hill Villas, The Melody Villas của CTCP Đầu tư thương mại Hải Linh (INT); 3 dự án Sky Villas, Sunset và The Field Villas của CTCP Đầu tư du lịch Kim Bôi...

Song, sau thời gian quảng bá rầm rộ để bán hàng, số phận các dự án này lại rất hẩm hiu. Một số cho đến nay vẫn chưa thể triển khai. Những dự án còn lại tuy triển khai một số hạng mục từ vài năm trước nhưng giờ vẫn không có một bóng người đến ở.

Ông Nguyễn Ngọc Quỳnh, một chuyên gia bất động sản, cho rằng, một trong những lý do khiến phân khúc bất động sản sinh thái gặp khó trong thời gian qua là vấn đề thủ tục pháp lý và hạ tầng kết nối các dự án còn chưa tốt.

Theo ông Quỳnh, bản thân các dự án sinh thái nằm ở những khu vực chưa có hạ tầng phát triển. Do đó, các chủ đầu tư theo đuổi phân khúc này thường mất nhiều thời gian triển khai, hoàn thiện hạ tầng cũng như xây dựng các dịch vụ, giải trí nhằm tạo sức hút, lôi cuốn khách hàng đến tham gia sự kiện, thay đổi nhận thức của họ.

Theo Bảo An (VietNamNet)

 

Nổi bật