Đầu tư hàng tỷ USD ra nước ngoài, nhiều doanh nghiệp Việt đã dần thu về những "mùa quả ngọt" trong vài năm gần đây.
Trong năm, Viettel cũng khai trương, đưa vào hoạt động 2 thị trường mới là Tanzania và Burundi. Như vậy, tập đoàn này đã có mặt ở 10 nước tại châu Á, châu Mỹ, châu Phi, cung cấp dịch vụ cho khoảng 75 triệu khách hàng.
Nhiều doanh nghiệp Việt đã đầu tư và được hái quả ngọt từ các thị trường như châu Phi |
Một tên tuổi khác là Tập đoàn FPT từ lâu đã đi đầu trong công cuộc "viễn chinh" ra nước ngoài ở lĩnh vực công nghệ. Năm 2015, các thị trường ngoài Việt Nam mang lại 4.859 tỷ đồng (221 triệu USD) cho tập đoàn, tăng 41% so với năm 2014. Lợi nhuận trước thuế ước đạt 674 tỷ đồng (31 triệu USD), tăng 17%.
FPT cho biết đã gặt hái được một số thành công đặc biệt ở thị trường mới như Myanmar và Bangladesh. Tại Myanmar, FPT là doanh nghiệp nước ngoài đầu tiên được cấp giấy phép cung cấp dịch vụ viễn thông, triển khai hạ tầng tuyến trục quốc gia, cung cấp đầy đủ các dịch vụ viễn thông cố định và các dịch vụ giá trị gia tăng khác tại đây.
Với mục tiêu một tỷ USD doanh thu từ thị trường nước ngoài đến năm 2020, thông điệp được tập đoàn này đề ra cho năm 2016 là "đổi mới", tăng năng suất và chất lượng. Theo đó, FPT sẽ nâng cấp vai trò của các chi nhánh tại nước ngoài, góp phần đảm bảo nguồn lực phục vụ nhu cầu khách hàng. Công ty dịch chuyển hợp đồng từ dạng hợp đồng xác định theo thời gian sang dạng hợp đồng trọn gói hay có giá cố định.
Ngoài ra, FPT coi M&A là một động lực tăng trưởng quan trọng mới. Công ty sẽ mở rộng hoạt động kinh doanh từ thương mại sang đầu tư theo hình thức PPP cho một số thị trường như Myanmar và Bangladesh, chẳng hạn hệ thống bán vé tàu điện tử đã triển khai thành công cho Tổng công ty Đường sắt Việt Nam được tập đoàn nhận định có cơ hội triển khai cho Chính phủ Myanmar.
Công ty sữa Vinamilk cũng là một đại gia kiếm hàng nghìn tỷ từ việc đầu tư ra nước ngoài và xuất khẩu sữa. Trong 2015, Vinamilk đạt doanh thu trên 40.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế tăng lên 7.769 tỷ đồng. Trong đó, doanh thu từ nước ngoài đóng vai trò ngày càng lớn với khoảng 8.000 tỷ đồng, tăng 39%, tương ứng gần 2.200 tỷ đồng so với năm 2014.
Thực tế, Vinamilk bắt đầu chiến lược đầu tư ra nước ngoài từ khá sớm thông qua việc liên doanh với Miraka Limited, xây dựng nhà máy chế biến sữa tại New Zealand. Đến nay, tổng vốn mà Vinamilk đầu tư vào vào Miraka đã lên tới hơn 13 triệu USD. Năm 2014 công ty cũng rót vốn vào một doanh nghiệp tại Campuchia nhằm cung cấp sữa cho thị trường này.
Trước đó, năm 2013 Vinamilk đã chi 7 triệu USD để mua lại 70% cổ phần Driftwood Dairy Holding (Mỹ) chuyên sản xuất và phân phối các sản phẩm sữa, đồ ăn nhẹ, nước hoa quả. Đồng thời Vinamilk còn thành lập công ty 100% vốn tại Ba Lan nhằm cung cấp nguyên liệu, chế biến sữa và đồ uống.
Đi đầu trong trào lưu đầu tư ra nước ngoài của ngành khai khoáng phải kể đến Tập đoàn Dầu khí Việt Nam. Trong một cuộc họp báo giữa năm 2015, ông Vũ Văn Nghiêm - Trưởng ban Dự án nước ngoài cho biết, hiện tập đoàn đã đầu tư ra nước ngoài 17 dự án, chủ yếu thuộc lĩnh vực thăm dò khai thác dầu khí. Giá trị đầu tư lên tới 2,6 tỷ USD. Theo đó, việc đầu tư ra nước ngoài giúp PVN gia tăng trữ lượng dầu khí 170 triệu tấn dầu quy đổi. Đến nay, PVN đã khai thác được 5,4 triệu tấn, số lợi nhuận chuyển về nước tăng lên 470 triệu USD.
Trong bối cảnh Việt Nam đang hội nhập sâu rộng, nhiều doanh nghiệp Việt mạnh tay chi hàng tỷ USD đầu tư ra nước ngoài. Mới đây nhất, Tập đoàn TH đã chi 2,7 tỷ USD đầu tư Dự án Chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa tập trung quy mô công nghiệp công nghệ cao tại Matxcơva (Nga). Đại gia Masan cũng quyết định bán đi 25% cho hãng bia của Singha của Thái Lan với giá trị giao dịch lên tới 1,1 tỷ USD. Mục đích của Masan là mở rộng thị trường kinh doanh thực phẩm và đồ uống ra toàn khu vực, với trọng tâm là các nước "Inland ASEAN" (Việt Nam, Thái Lan, Myanmar, Campuchia, Lào) với 250 triệu người tiêu dùng.
Một số ngân hàng như Vietinbank, BIDV, Agribank… cũng đang dốc sức mở rộng chi nhánh hoạt động tại nước ngoài, đặc biệt trong khối ASEAN.
Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch & Đầu tư), doanh nghiệp Việt đã đầu tư gần 20,5 tỷ USD ra nước ngoài. Thị trường đầu tư tập trung chủ yếu ở Lào, Campuchia, châu Phi, châu Mỹ… Về lĩnh vực, các doanh nghiệp Việt chủ yếu rót vốn vào khai khoáng, nông nghiệp, viễn thông…
Cục Đầu tư nước ngoài nhận định, hoạt động đầu tư ra nước ngoài của doanh nghiệp Việt Nam đã có tính đa dạng hơn so với thời gian trước, về cả thị trường đầu tư lẫn lĩnh vực đầu tư. Bên cạnh dòng vốn đầu tư của nhà nước tại các doanh nghiệp nhà nước thì đầu tư của khối tư nhân, đặc biệt là của cá nhân, các doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng ngày càng tăng.
Theo Bạch Dương (VnExpress.net)