Thêm những gương mặt trẻ tiếp quản tập đoàn tỷ USD
Chỉ vài hôm trước ngày doanh nhân Việt Nam 13/10, Tập đoàn DOJI đã bổ nhiệm bà Đỗ Vũ Phương Anh, con gái của người sáng lập Đỗ Minh Phú giữ chức Tổng Giám đốc tập đoàn.
Bà Đỗ Vũ Phương Anh có học hàm tiến sĩ và đã có 17 năm công tác tại DOJI, từng phụ trách mảng quản trị nguồn nhân lực của doanh nghiệp này.
Bên cạnh đó, bà Phương Anh cũng đang đảm nhận chức Chủ tịch DOJI Land, doanh nghiệp quản lý mảng bất động sản của Tập đoàn DOJI. Bà Đỗ Vũ Phương Anh cùng em trai Đỗ Minh Đức hiện cũng là các cổ đông nắm giữ cổ phần tại TPBank, ngân hàng do ông Đỗ Minh Phú làm Chủ tịch.
Đây là một động thái nhân sự đáng chú ý của một trong những doanh nghiệp tư nhân hàng đầu Việt Nam. Bà Phương Anh cũng được xem là một gương mặt sáng giá kế nghiệp tập đoàn của ông Đỗ Minh Phú.
DOJI được biết đến là một doanh nghiệp chuyên kinh doanh về vàng bạc, phát triển mạnh trong những năm gần đây. Hiện, tập đoàn có 15 công ty thành viên, với hàng trăm trung tâm kinh doanh và nhiều đại lý, điểm bán trang sức trên toàn quốc. Doanh thu lên tới gần 100.000 tỷ đồng/năm.
Trong vài năm gần đây, rất nhiều tập đoàn tư nhân Việt Nam phát triển lên quy mô tỷ USD và cơ nghiệp bắt đầu được trao cho con cái để phát triển lên cao hơn nữa.
Hồi giữa tháng 9, giới đầu tư cũng chứng kiến thiếu gia Vưu Tuấn Kiệt (1994) - con trai duy nhất của tập đoàn giày dép lớn tại Việt Nam là Biti's đảm nhận vị trí giám đốc điều hành công ty bất động sản của gia đình.
Mặc dù có năng khiếu và được đào tạo bài bản về âm nhạc nhưng Vưu Tuấn Kiệt theo học kinh doanh một cách chuyên nghiệp, tại Anh và Bắc Kinh từ 2013-2016.
Lớp doanh nhân kế cận trong ngành ngân hàng
Trong ngành ngân hàng, nhiều thiếu gia và ái nữ nhà đại gia Việt đã và đang "trám" vào vị trí đứng mũi chịu sào mà "thế hệ F1" để lại.
Sau đại hội cổ đông thường niên năm 2023, Ngân hàng Sài Gòn - Hà Nội (SHB) đã bầu ông Đỗ Quang Vinh, con trai ông Đỗ Quang Hiển (Bầu Hiển) làm Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) nhiệm kỳ 2022-2027.
Hiện, ông Đỗ Quang Hiển vẫn là Chủ tịch SHB. Tuy nhiên, ông Đỗ Quang Vinh được xem là gương mặt sáng giá cho vị trí lãnh đạo cao nhất tại SHB trong tương lai không xa.
Ông Đỗ Quang Vinh sinh năm 1989, là thạc sĩ chuyên ngành tài chính và quản trị tại University of East Anglia (Vương quốc Anh) và có 12 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng. Ông Vinh có nhiều năm làm trong doanh nghiệp, ngân hàng ở nước ngoài trước khi trở về Việt Nam năm 2019.
Năm 2021, Đỗ Quang Vinh trở thành Phó Tổng Giám đốc trẻ tuổi nhất SHB. Hiện ông Vinh là lãnh đạo trực tiếp dẫn dắt việc triển khai chiến lược và chuyển đổi toàn diện của Ngân hàng SHB.
Đỗ Quang Vinh cũng từng giữ vai trò lãnh đạo tại SHB Finance, công ty con của SHB hoạt động lĩnh vực tài chính tiêu dùng. Đơn vị này đã có thỏa thuận chuyển nhượng 100% vốn điều lệ cho Ngân hàng Krungsri của Thái Lan, với giá trị được đồn đoán lên tới 156 triệu USD.
Tại Ngân hàng TMCP Việt Nam Thương Tín (VietBank), ông Dương Nhất Nguyên (1983) là thế hệ 2 trong Tập đoàn Hoa Lâm của vợ chồng ông Dương Ngọc Hòa và bà Trần Thị Lâm. Ông Nguyên được bầu làm Chủ tịch VietBank từ cuối tháng 4/2021.
Ông Nguyên có học vấn cũng rất ấn tượng so với thế hệ các doanh nhân đi trước, là cử nhân trường Greenwich University (Anh), thạc sĩ Quản trị kinh doanh tại Trường Đại học Devry (Mỹ). Thiếu gia này bắt đầu vào Ban Điều hành Vietbank từ đầu năm 2013 với vị trí Phó Tổng giám đốc và từ đó đến nay trải qua nhiều cương vị quan trọng.
Tại Ngân hàng TMCP Phương Đông, ông Trịnh Văn Tuấn giữ vị trí Chủ tịch hơn thập kỷ qua. Còn con gái Trịnh Thị Mai Anh (1992) hiện là thành viên HĐQT của ngân hàng này. Đây là cũng là gương mặt nữ 9x hiếm hoi trong HĐQT của một ngân hàng tại Việt Nam.
Trịnh Thị Mai Anh tốt nghiệp London School of Economics and Political Science (Anh) và đã từng làm tại HSBC London, VinaCapital, Tập đoàn Temasek Singapore… Mai Anh sở hữu hơn 40 triệu cổ phiếu OCB, tương đương tỷ lệ sở hữu 2,29%, trị giá khoảng 810 tỷ đồng.
Những gương mặt thành công
Trong thời gian gần đây, giới đầu tư trầm trồ thán phục khi “chủ tịch hát 1 đêm hơn team marketing chạy cả tháng”. Một doanh nhân thuộc thế hệ 2 đã dẫn dắt một ngân hàng tư nhân hàng đầu Việt Nam một cách bài bản nhưng lại như một nghệ sĩ thực thụ khi biểu diễn ca hát.
Ông Trần Hùng Huy đã nối gót gia đình (ông Trần Mộng Hùng và bà Đặng Thu Thủy) để lèo lái Ngân hàng ACB cả chục năm qua. Tuy nhiên, doanh nhân thế hệ thứ 2 này vẫn trẻ trung và truyền cảm hứng tích cực tới lớp thanh niên trẻ Việt Nam.
Chủ tịch Ngân hàng ACB Trần Hùng Huy (sinh năm 1978) được biết đến là nhà lãnh đạo trẻ đã vực dậy ACB sau cuộc khủng hoảng gắn liền với vụ án Bầu Kiên ACB. Trong 5 năm gần nhất, ACB ghi nhận lợi nhuận tăng theo từng năm và duy trì được tỷ lệ nợ xấu thuộc tốp thấp nhất trong hệ thống. Năm 2012, ông Huy trở thành chủ tịch ngân hàng trẻ nhất, khi mới 34 tuổi.
Ông Trần Hùng Huy có học vấn đáng nể với bằng cử nhân 3 chuyên ngành: quản trị kinh doanh, tài chính, kinh doanh quốc tế; sau đó là thạc sĩ Đại học Chapman và tiến sĩ tại Golden Gate (Mỹ).
Ông Huy là một trong 45 người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam, hiện sở hữu số lượng cổ phiếu ACB (tính tới 10/10/2023) trị giá khoảng 2.900 tỷ đồng.
Tại SeABank, sau một thời gian nắm giữ vị trí CEO với khá nhiều thành công, bà Lê Thu Thủy, con gái bà Nguyễn Thị Nga thôi đảm nhiệm vị trí Tổng Giám đốc nhưng tiếp tục tham gia quản trị ngân hàng với vai trò Phó Chủ tịch HĐQT.
Trong thời gian bà Thủy làm CEO, SeABank có nhiều chuyển biến tích cực. Hồi tháng 3/2021, SeABank chính thức đưa hơn 1,2 tỷ cổ phiếu SSB niêm yết trên Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM - HOSE (HSX) với giá tham chiếu 16.800 đồng/cp. Hiện cổ phiếu SeABank có giá khoảng 24.600 đồng/cp. SeABank có vốn hóa đạt hơn 60.000 tỷ đồng.
SeABank là một trong những ngân hàng tầm trung có tăng trưởng mạnh mẽ nhất vài năm gần đây. Lợi nhuận của nhà băng này đã tăng gấp nhiều lần, đạt ngưỡng nghìn tỷ trong 3 năm qua. Vốn điều lệ cũng tăng mạnh, từ 5.465 tỷ đồng vào cuối năm 2018 lên tới hơn hơn 20.000 tỷ đồng.
Bà Thủy cũng có học vấn cao, với bằng tốt nghiệp cử nhân Quản trị kinh doanh và cử nhân Tài chính ngân hàng tại Đại học George Mason, Mỹ. Con gái bà Nga hiện sở hữu hơn 48 triệu cổ phiếu SSB của SeABank, giá trị khoảng 1.500 tỷ đồng.
Giới đầu tư cũng chứng kiến những cái tên doanh nhân thế hệ 2 nổi bật như ông Đặng Hồng Anh tại Sacomreal; bà Đặng Huỳnh Ức My tại đế chế mía đường nhà ông Đặng Văn Thành; Lê Thị Dịu Minh tại Thủy sản Minh Phú…
Có thể thấy, trong những năm vừa qua, các tập đoàn tư nhân vẫn không ngừng phát triển, bất chấp những khó khăn vì đại dịch hay những bất ổn trên thế giới. Các doanh nhân trẻ - thế hệ thứ 2 đã bước vào thương trường, dần tiếp quản và lèo lái các “con thuyền” tỷ USD một cách đầy tự tin.
Đây là một thế hệ có nền tảng học vấn tốt, có trình độ và có sự rèn luyện khi nền kinh tế Việt Nam dịch chuyển và hội nhập sâu rộng với thế giới.
Lớp doanh nhân này hứa hẹn sẽ đóng góp nhiều hơn cho đất nước, trên con đường trở thành một nền kinh tế phát triển vào năm 2045.
Theo Mạnh Hà (VietNamNet)