Lũy kế bốn tháng đầu năm, ông lớn bán lẻ vàng trang sức này đạt doanh thu thuần tăng hơn 33%, lên 16.049 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế đạt 915 tỷ đồng, tăng hơn 6% so với cùng kỳ năm liền trước.
Năm nay, PNJ mục tiêu doanh thu đạt 37.148 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 2.089 tỷ đồng, tăng lần lượt 12% và 6%. Sau bốn tháng, doanh nghiệp này này đã hoàn thành được hơn 43% chỉ tiêu doanh thu và lợi nhuận cả năm.
Trong cơ cấu doanh thu của PNJ, mảng bán lẻ vẫn khẳng định vị thế chủ lực khi chiếm hơn 50% tỷ trọng doanh thu, tăng hơn 12% so với cùng kỳ. Đại diện doanh nghiệp lý giải, kết quả này dựa trên việc PNJ liên tục tung ra các bộ sưu tập phù hợp thị hiếu, đồng thời triển khai các chiến dịch marketing và chương trình bán hàng phù hợp.
Ngoài bán lẻ, hoạt động kinh doanh vàng miếng của ông lớn ngành vàng cũng ghi nhận tốc độ tăng trưởng doanh thu kỷ lục. Bốn tháng đầu năm, PNJ thu về 6.805 tỷ đồng nhờ kinh doanh vàng miếng. Tốc độ tăng trưởng doanh thu gần 80%, mức cao kỷ lục từ khi doanh nghiệp công bố kết quả kinhh doanh. Theo đó, tỷ trọng vàng miếng cũng tăng từ 31 lên hơn 42% trong bốn tháng đầu năm.
Tại Đại hội cổ đông thường niên hôm 16/4, ông Lê Trí Thông, Phó chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc PNJ, cho biết đặc thù năm nay, khách hàng sẽ mua sản phẩm 24K, vàng miếng cao hơn, do tính phòng thủ tăng lên so với những năm "thuận gió".
"Tuy nhiên, tỷ trọng vàng 24K tăng lên sẽ khiến tỷ suất lợi nhuận giảm đi. Hiện, biên lợi nhuận kinh doanh vàng miếng chưa đến 1%", ông Thông nói.
Do đó, biên lợi nhuận gộp trung bình bốn tháng đầu năm PNJ đạt 17%, giảm so với mức 19,1% cùng kỳ năm 2023 do sự thay đổi cơ cấu hàng bán trong kênh lẻ, vàng miếng trong cơ cấu doanh thu và sự biến động giá nguyên liệu, yếu tố đầu vào khác.
Tổng chi phí hoạt động 4 tháng của đơn vị này đã tăng hơn 29% so với cùng kỳ. Tỷ lệ chi phí hoạt động chia lợi nhuận gộp 4 tháng tăng từ mức 52% lên mức 57% do sự thay đổi về hành vi mua sắm của khách hàng.