Số doanh thu 4.000 tỷ đồng mỗi năm chỉ đến từ việc bán xi măng tại thị trường Việt Nam và dự kiến còn tăng mạnh trong năm 2019. Ông Snopporn Keeratibunharn, Tổng giám đốc Công ty SCG Xi măng - VLXD Việt Nam (trực thuộc Tập đoàn SCG Thái Lan), khẳng định điều đó trong chia sẻ mới đây.
Trao đổi với chúng tôi, ông Snopporn Keeratibunharn cho hay xi măng là một trong ít mảng kinh doanh đầu tiên của SCG tại thị trường Việt Nam. Năm 2011, SCG đã mua lại Công ty sản xuất xi măng Bửu Long (Đồng Nai) và rót thêm 5,5 triệu USD để nâng cấp nhà máy.
Tham vọng của đại gia Thái
Đến năm 2017, công ty này đã chi ra gần 160 triệu USD để mua lại 100% vốn Công ty Cổ phần Vật liệu xây dựng Việt Nam (VCM), chủ sở hữu nhà máy xi măng Sông Gianh.
Hai năm sau thương vụ này, SCG hiện sở hữu khoảng 14-16% thị phần khu vực miền Trung và mảng kinh doanh này đang mang lại bình quân 4.000 tỷ đồng mỗi năm cho tập đoàn mẹ tại Thái Lan.
“Ngoài nhà máy ở Quảng Bình, chúng tôi còn 2 nhà máy ở Đà Nẵng và một ở Phú Yên. SCG cũng còn nhiều nhà máy ký kết gia công sản xuất xi măng của chúng tôi để bán ra thị trường. Vì vậy, doanh thu trong các năm tiếp theo chắc chắn sẽ tăng hơn nữa”, ông Snopporn nói.
Đối với riêng nhà máy xi măng Sông Gianh, ông Snopporn khẳng định sau khi về tay người Thái, tình hình kinh doanh của nhà máy được cải thiện rõ rệt. Riêng quý I/2019 doanh thu đã tăng 25% so với cùng kỳ, tuy nhiên con số cụ thể không được tiết lộ.
Đặc biệt, vị này cũng cho biết kể từ tháng 3 năm nay, nhà máy này sẽ không sản xuất xi măng với thương hiệu Sông Gianh như trước, mà sẽ chuyển sang thương hiệu Thái SCG Super Xi măng.
"Hiện nay, thị trường xi măng tại Việt Nam gồm 3 phân khúc, cao cấp chiếm 20% tổng thị phần; giữa chiếm 50% và 30% còn lại là phân khúc thấp. Kỳ vọng của chúng tôi là chiếm một nửa phân khúc cao cấp (tương đương 10% thị phần thị trường - PV)", lãnh đạo SCG cho hay.
Chiến lược M&A tại Việt Nam
Tập đoàn SCG là doanh nghiệp không mấy xa lạ khi là một trong những tập đoàn Thái đầu tư vào Việt Nam sớm nhất, từ năm 1992. Trong năm gần nhất (2018), SCG đạt gần 31.000 tỷ đồng doanh thu chỉ riêng tại Việt Nam, tăng 20% so với năm trước, chủ yếu nhờ mảng hóa dầu.
Chiến lược của SCG tại Việt Nam chủ yếu thông qua các thương vụ mua bán và sáp nhập (M&A) và nhắm tới các doanh nghiệp đầu ngành để mua lại.
Ngoài khoản đầu tư 160 triệu USD vào VCM trong lĩnh vực xi măng, năm 2012, tập đoàn này từng chi tới gần 5.000 tỷ đồng để mua lại 85% vốn Công ty cổ phần Prime Group, doanh nghiệp sản xuất gạch lát lớn nhất Việt Nam (trên 30% thị phần).
Đây cũng là thương vụ M&A lớn nhất trong lĩnh vực vật liệu xây dựng tại Việt Nam cho tới nay. Hiện tại, SCG cũng đã có kế hoạch mua 15% vốn còn lại tại Prime Group, với giá 1.400 tỷ đồng để nâng sở hữu tại đây lên 100% vốn.
Năm 2015, cũng chính SCG chi gần 1.000 tỷ đồng mua lại 80% vốn Công ty Cổ phần Bao bì nhựa Tín Thành (Batico), thuộc top 5 công ty lớn nhất Việt Nam trong lĩnh vực sản xuất sản phẩm bao bì.
SCG cũng chính là công ty mẹ của Nawaplastic Industries, cổ đông chi phối sở hữu 54% vốn tại Nhựa Bình Minh, số cổ phần có giá trị thị trường hơn 2.000 tỷ đồng. Giữa năm 2018, cũng chính SCG đã mua lại 29% vốn còn lại tại Nhà máy Hóa dầu Long Sơn từ Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) với giá 2.052 tỷ đồng.
Qua đó, công ty nâng tỷ lệ sở hữu tại dự án này lên 100%. Đây là dự án được cấp phép đầu tư từ năm 2008, sau một số lần điều chỉnh hiện tổng vốn đầu tư của dự án lên tới 5,4 tỷ USD.
Ngoài ra, SCG còn nắm giữ cổ phần tại một số công ty khác như Liên doanh Việt - Thái Plastchem, Công ty Vật liệu nhựa Minh Thái; Công ty Giấy Kraft Vina, Công ty Công nghiệp Tân Á, Công ty Bao bì AP (Hà Nội)...
Đại diện SCG từng cho biết ưu tiên của tập đoàn này tại Việt Nam vẫn là các thương vụ M&A, và ngân sách cho hoạt động này riêng tại thị trường Việt lên tới 5-6 tỷ USD đến năm 2020.
Theo Quang Thắng (Tri Thức Trực Tuyến)