Đại gia Phương Hữu Việt, SJC sở hữu bao nhiêu tại Viet A Bank?

28/10/2024 13:52:26

Ngân hàng TMCP Việt Á (Viet A Bank) vừa công bố thông tin về danh sách các cổ đông sở hữu từ 1% vốn điều lệ ngân hàng. Danh sách này có tên ông Phương Hữu Việt và doanh nghiệp của ông, còn có cả SJC.

Theo danh sách công bố, 4 nhà đầu tư tổ chức và 4 nhà đầu tư cá nhân đang sở hữu từ 1% vốn điều lệ của Viet A Bank. 

Trong đó, CTCP Tập đoàn Đầu tư Việt Phương của doanh nhân Phương Hữu Việt đang là cổ đông lớn nhất, sở hữu 12,21% vốn điều lệ. Văn phòng Thành uỷ TPHCM là cổ đông lớn thứ hai, tỷ lệ nắm giữ 4,97% vốn điều lệ. 

Cổ đông lớn thứ ba là ông Phương Hữu Việt, Chủ tịch HĐQT CTCP Tập đoàn Đầu tư Việt Phương. Doanh nhân kín tiếng này sinh năm 1964 tại Bắc Ninh. Ông Việt từng là Chủ tịch HĐQT Viet A Bank trước khi chuyển giao vị trí này cho cháu là ông Phương Thành Long.

Đáng chú ý, cổ đông lớn thứ tư là Công ty TNHH Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC), doanh nghiệp độc quyền vàng miếng tại Việt Nam. SJC đang nắm giữ 2,77% vốn điều lệ.

Đại gia Phương Hữu Việt, SJC sở hữu bao nhiêu tại Viet A Bank?
Danh sách cổ đông sở hữu từ 1% vốn điều lệ tại Viet A Bank.

Các cổ đông còn lại trong danh sách gồm: bà Lê Thị Lan (2,77%), CTCP Đầu tư phát triển công nghiệp thương mại Củ Chi (1,20%), ông Trần Tiến Dũng (1,02%) và bà Đỗ Thị Ngọc Hà (1,02%).

Về doanh nghiệp của đại gia Phương Hữu Việt, Công ty Việt Phương được thành lập từ năm 1996, ban đầu kinh doanh vận tải taxi và thép không gỉ, sau đó lấn sân sang lĩnh vực sản xuất, chế biến gỗ, lắp ráp ô tô, khai khoáng,…

Giai đoạn 2010-2015, Việt Phương lấn sân sang ngân hàng, xây dựng và năng lượng. Hiện Việt Phương đầu tư và trở thành cổ đông lớn nhất của Ngân hàng Việt Á. 

Doanh nhân Phương Hữu Việt còn tham gia vào lĩnh vực dược phẩm và là cổ đông lớn tại Vinapharm.

Tập đoàn Việt Phương sở hữu một danh mục các dự án thủy điện như: Thủy điện Nậm Be (Tân Uyên, Lai Châu); Thủy điện Tà Niết (Mộc Châu, Sơn La); Thủy điện Mường Mươn và Thủy điện Huổi Vang (Mường Chà, Điện Biên); Thủy điện Chấn Thịnh (Văn Chấn, Yên Bái), Thủy Điện A Vương 3 và 5 (Đông Giang, Quảng Nam).

Bên cạnh đó, Việt Phương là cổ đông của CTCP Đầu tư Năng lượng Trường Thịnh, chủ sở hữu nhiều dự án thủy điện nhỏ ở Tây Nguyên như: Tà Vi, Đăk Bla 1, Đăk Ne, Đăk Pia.

Việt Phương còn sở hữu mỏ cát trắng 406,36ha tại huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế, công suất từ 0,5-1 triệu tấn/năm; sở hữu CTCP Vàng Vaco 

Ngoài ra, đế chế Việt Phương còn phủ bóng tới một số dự án bất động sản và một số doanh nghiệp chế biến xuất khẩu gỗ. 

Sau khi rời vị trí Chủ tịch HĐQT Viet A Bank, tháng 4/2023 ông Phương Hữu Việt cũng rút khỏi vị trí thành viên HĐQT ngân hàng này. 

Tuy nhiên, cái bóng của đại gia Phương Hữu Việt tại Viet A Bank vẫn là quá lớn thông qua việc sở hữu trực tiếp và gián tiếp cổ phần tại nhà băng này. 

Ông Việt từng thành lập CTCP Capella Group vào năm 2015, nắm giữ 99% trong tổng số vốn điều lệ 1.000 tỷ đồng của công ty. Tháng 1/2022, công ty tăng vốn lên 3.600 tỷ đồng và cơ cấu cổ đông cũng thay đổi. Ông Phương Minh Tuấn và bà Nguyễn Thu Hằng mỗi người sở hữu 30% vốn điều lệ của Capella, bà Phương Thùy Liên (chị gái của ông Phương Thành Long, Chủ tịch Viet A Bank) nắm giữ 40% còn lại.

Capella Group là cổ đông nắm giữ 50% cổ phần tại CTCP LEC Group và hàng loạt doanh nghiệp khác trong lĩnh vực đầu tư, khai thác khoáng sản.

Theo Tuân Nguyễn (VietNamNet)

Nổi bật