Trong năm 2022, quỹ ETF vàng (giao dịch hoán đổi vàng) bán ròng 3 tỷ USD, tương đương với số vàng vật chất nắm giữ 110 tấn, giảm 3% so với cùng kỳ.
Nhu cầu giao vàng tăng mạnh vào 4 tháng đầu tiên, sau đó giảm do lãi suất bắt đầu tăng. Tính đến cuối năm 2022, tài sản ETF vàng toàn cầu dưới quản lý của các quỹ khoảng 203 tỷ USD, tương đương 3.473 tấn vàng.
Tỷ lệ nắm giữ của các quỹ ở Bắc Mỹ giảm 3 tỷ USD, tương đương khoảng 75 tấn vàng. SPDR Gold Shares và iShares Gold Trust là hai quỹ có lượng vàng lớn nhất, có thanh khoản cao nhất. Trong 4 tháng đầu năm, nhu cầu vàng của các quỹ này lên tới 188 tấn. Sau đó, các quỹ bán vàng ra khi lợi suất và đồng USD tăng giá.
Ở châu Âu, lượng vàng nắm giữ của các quỹ ETF vàng giảm 1% so với cùng kỳ năm trước, khoảng 15 tấn vàng. Ảnh hưởng của mâu thuẫn Nga-Ukraine và triển vọng tăng trưởng kinh tế tác động tới thị trường vàng khu vực này.
Tại châu Á, lượng vàng nắm giữ của các quỹ ở Trung Quốc giảm đáng kể, trong khi Nhật Bản và Ấn Độ, nhu cầu mua vàng tăng. Các quỹ châu Á đã giảm lượng vàng nắm giữ tới 21 tấn, tương đương 1 tỷ USD, trong năm qua. Các quỹ châu Á không ghi nhận lượng vàng mua vào tăng đột biến ở những tháng đầu năm do giá vàng trong nước cao hơn, khuyến khích hoạt động bán chốt lời.
Điểm sáng của tháng 12 là việc nhu cầu tại các quỹ ở Bắc Mỹ bắt đầu phục hồi tích cực sau 7 tháng, tăng nắm giữ 9 tấn vàng.
Đánh giá triển vọng 2023, theo Hội đồng Vàng thế giới, giao dịch vàng có thể tăng do ảnh hưởng của lạm phát và sự can thiệp của các ngân hàng trung ương. Lợi nhuận đầu tư vàng có thể ổn định như năm 2022. Tuy nhiên, rủi ro vẫn có thể xảy ra đối với vàng trong thời gian tới.
Theo Duy Anh (VietNamNet)