Nhà gỗ kẻ truyền gỗ mít giờ là một thú chơi xa xỉ. Lượng gỗ mít khan hiếm là một trở ngại lớn nếu muốn sở hữu, thậm chí chồng tiền tỷ chưa chắc đã có được.
Trên thị trường, gỗ mít đang ở mức 15 triệu đồng/m3, đó là mức giá dành cho việc đóng đồ thờ hay vật phẩm tâm linh trong nhà. Còn giá gỗ mít dành trong việc xây cất nhà đang ở mức 35 – 40 triệu/m3. Lý do giá bị đẩy cao lên như vậy vì, tính đặc thù trong xây dựng nhà đòi hỏi cây cột to, cao 7m phải được định giá thuộc hàng đặc biệt hiếm không thể tính theo m3 thông thường, trung bình mỗi cây cột gỗ đủ tiêu chuẩn làm nhà đang ở mức giá từ 40 - 50 triệu đồng/cây.
|
Thân cây mít được mang về bóc vỏ, phơi khô, đéo tròn thành những cây cột nhà. |
Năm 2009, ông Nguyễn Quang Học (Hạ Bằng - Thạch Thất – Hà Nội) xây cất xong ngôi nhà kẻ truyền 5 gian, với diện tích hơn 100m2. Vào thời điểm đó ông chỉ bỏ ra hơn 1,3 tỷ đồng, mỗi cây cột ông mua với giá 30 triệu đồng/cây. Nếu theo như giá gỗ mít hiện tại trên thị trường, để dựng lên ngôi nhà gỗ như của ông Học giá trị không thể dưới 2 tỷ đồng.
Tuy nhiên, giá bị đẩy cao không là yếu tố gây trở ngại đối với những người sẵn sàng bỏ ra vài tỉ đồng để được sở hữu một nếp nhà ưng ý, mà họ đang gặp phải khó khăn ở khâu tìm gỗ.
|
Cột đủ tiêu chuẩn để dựng nhà phải dài trên 7m. |
Ông Đỗ Thanh Xuân, một nghệ nhân có nhiều năm làm nhà gỗ kẻ truyền ở Hương Ngải chia sẻ, năm ngoái ông nhận một đơn hàng xây cất một nếp nhà 5 gian trị giá 2,6 tỉ đồng, với yêu cầu phải hoàn thiện trong vòng 2 năm. Theo ông, đó là giá hời, nhưng ông đành từ chối vì không thể tìm được đủ số gỗ trong khoảng thời gian ngắn như vậy.
“Cất dựng nên một nếp nhà 5 gian không hề đơn giản, phải đủ ít nhất 24 cột đủ tiêu chuẩn, tương đương với 24 thân cây mít to. Để tìm được số cột đó trước kia chỉ cần 6 tháng là có, nay phải mất khoảng 2 đến 3 năm mới gom đủ, sau rồi mất 2 năm xử lý gỗ và thiết kế xây dựng, hoàn thiện chắc cũng phải 5 năm mới xong”, ông Xuân cho biết.
|
Những cây gỗ không đủ độ dài tiêu chuẩn làm cột nhà chỉ dùng đóng đồ nội thất hoặc các vật dụng khác. |
Anh Đỗ Văn Thành (Hương Ngải - Thạch Thất – Hà Nội), một người chuyên săn lùng những cây gỗ mít to để làm cột nhà cho biết, gỗ mít thường có 2 loại, mít vườn và mít rừng. Mít vườn được tìm kiếm khắp các tỉnh miền bắc và kéo sâu vào tận Quảng Ngãi... Nó thuộc loại gỗ lành tính, được sống gần gũi với con người, chất gỗ mịn, ít co ngót. Còn mít rừng, không phải loại mít ăn quả thông thường mà quả giống với mít vườn nhưng không thể ăn được. Nhìn bề ngoài chất gỗ cũng có màu vàng giống với mít nhà, nhưng chất lượng kém hơn rất nhiều, độ co ngót rất lớn.
“Tìm được cây gỗ mít rừng to, đủ tiêu chuẩn làm cột trong thời điểm này là vô cùng quý, chứ nói gì đến mít vườn, cho nên khách hàng không có lựa chọn nào khác cũng phải chấp nhận”, anh Thành chia sẻ..
|
Anh Đỗ Văn Thành người nhiều năm đi săn tìm những thân cây mít lớn, dài chỉ mục đính làm cột nhà. |
Ông Nguyễn Thanh Sơn (Sơn Tây – Hà Nội), sau 3 năm miệt mài đi tìm kiếm gỗ mít để làm nhà, giờ ông cảm thấy quá mệt mỏi vì số gỗ tìm được không đủ. Trong khi đó, ông đang rất nóng lòng chờ được sống trong một không gian với nếp nhà kẻ truyền ông từng ao ước. Vì vậy, ông đang tính chuyến sang dựng nhà bằng gỗ lim Nam Phi với giá thành tương đương với gỗ mít mà gỗ lim Nam Phi trên thị trường rất sẵn.
“Làm bằng gỗ lim Lào thì quá đắt đỏ, không đủ lực tài chính, còn gỗ mít thì không kiếm được đủ số lượng, lựa chọn duy nhất trong lúc này làm bằng lim Nam Phi hợp lý và nhanh nhất.”, ông Sơn than thở.
Theo Tuấn Linh (VietNamNet)