Nếu nợ quá hạn, ngân hàng có thể siết nợ, còn nợ thuế kéo dài các cơ quan chức năng chưa thể có biện pháp nào mạnh hơn bằng việc cưỡng chế, phong tỏa tài khoản. Chính vì thế, không ít doanh nghiệp BĐS chấp nhận nợ thuế kéo dài.
Ngoài một số chủ đầu tư khó khăn do thị trường BĐS suy yếu, thực tế nhiều năm qua cho thấy phần lớn cố tình chây ì nợ. Ngay sau khi Cục thuế Hà Nội công bố danh sách 38 dự án còn nợ dây dưa tiền sử dụng đất thì tới ngày 15/7, đã có 15/38 chủ đầu tư thực hiện nộp tiền sử dụng đất với tổng số tiền là hơn 219 tỷ đồng, chỉ đạt hơn 10% số nợ tiền sử dụng đất của các dự án tính đến ngày 30/6/2015.
Không ít trường hợp trong số 38 dự án bị bêu tên đã bán hết hàng, tuy nhiên, số tiền nợ thuế vẫn lên tới hàng trăm tỷ đồng.
Điển hình như dự án TTTM, dịch vụ công cộng và nhà ở để bán 108 Nguyễn Trãi của Công ty TNHH MTV quản lý và phát triển nhà Hà Nội với số tiền nợ 151 tỷ 753 triệu đồng.
CTCP đầu tư và phát triển nhà số 6 Hà Nội mới nộp 10 tỷ (tính đến ngày 17/7), trong khi số tiền nợ còn lại lên tới 106 tỷ, còn dự án Diamond Flower của công ty này đã bán hàng, chủ đầu tư đã thu được nguồn tiền lớn.
|
Nhiều ông lớn nợ thuế tiền tỷ. (Ảnh: H.Trâm) |
Hay CTCP đầu tư xây dựng số 9 mới nộp 500 triệu đồng, số tiền còn nợ là hơn 99 tỷ đồng, mặc dù dự án đã triển khai và bán căn hộ.
Dự án 265 Cầu Giấy đã đóng đầy đủ số tiền 93,2 tỷ đồng thuế. Khu đất này có diện tích hơn 1 ha, nằm ở vị trí “vàng” của quận Cầu Giấy, được thiết kế làm tòa tháp đôi cao 38-50 tầng. Dự án này đã được bán lại cho một nhà đầu tư khác sau thời gian dài bỏ không.
Để câu giờ, không ít chủ dự án dùng chiêu xin giãn tiến độ và khất nợ tiền đất. Nợ 322, 355 tỷ đồng nhưng CTCP sản xuất bao bì và hàng xuất khẩu mới chỉ nộp 50 triệu đồng. CTCP Lilama mới nộp 45 triệu đồng trên tổng số 27,690 tỷ đồng nợ thuế.
Hay như dự án Tháp doanh nhân, đường Thanh Bình, quận Hà Đông mới chỉ nộp 2 tỷ đồng, số tiền CTCP đầu tư xuất nhập khẩu Tây Đô còn nợ thuế là 19,907 tỷ đồng.
CTCP đầu tư xây dựng Trung Việt sau khi nộp 13,7 tỷ đồng tiền thuế (tính đến 17/7) tại dự án khu đô thị mới Phú Lương, Hà Đông thì số tiền thuế vẫn còn nợ là gần 179,4 tỷ đồng.
Trong số đó, vẫn còn nhiều doanh nghiệp nợ đọng tiền sử dụng đất lên tới hàng trăm tỷ đồng như dự án ĐTXD VP giao dịch nhà ở, chung cư cao tầng, biệt thự và nhà vườn để bán và cho thuê tại phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai của CTCP sản xuất bao bì và hàng xuất khẩu 322,305 tỷ đồng. CTCP thương mại và xây dựng Á Châu với dự án Tiểu khu nhà ở Đồi Dền, thị xã Sơn Tây, số tiền nợ thuế hơn 231,3 tỷ đồng..
Sẽ mạnh tay cưỡng chế, xiết nợ
Thị trường BĐS đóng băng thời gian qua là nguyên nhân dẫn tới các chủ đầu tư gặp nhiều khó khăn. Do đó, nhiều doanh nghiệp đã được hưởng khá nhiều ưu đãi của nhà nước từ miễn, giảm, giãn thuế đến nhiều hỗ trợ khác trong việc đầu tư kinh doanh, triển khai các dự án.
Để đảm bảo quyền lợi người mua nhà, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có yêu cầu các cơ quan chức năng vẫn phải cấp sổ đỏ cho người dân mua nhà đối với các dự án có chủ đầu tư vi phạm.
|
Không ít dự án bán hàng rầm rộ vẫn chây ỳ |
Cuối năm 2014, Văn phòng Đăng ký đất đai Hà Nội mới giải quyết và cấp được 35.518 giấy chứng nhận cho người mua nhà tại các dự án phát triển nhà ở trên địa bàn, chỉ chiếm khoảng 30% số hồ sơ xin cấp sổ đỏ. Nguyên nhân đến từ phía chủ đầu tư, trong đó vướng mắc chủ yếu là về giấy tờ hoặc các nghĩa vụ tài chính với Nhà nước.
Theo một chuyên gia trong lĩnh vực BĐS, chiêu bài này không mới và đã có khá nhiều doanh nghiệp áp dụng. Các chủ đầu tư đều đủ thông mình để biết nếu chậm nộp thuế sẽ bị tính tiền phạt. Tuy nhiên, nếu nợ ngân hàng quá lâu, họ có thể bị siết nợ. “Cơ quan thuế có thể cảm thông hơn so với ngân hàng và các chủ nợ khác”, ông cho hay.
Nhưng, với sự quyết liệt của ngành thuế gần đây, không phải là doanh nghiệp nào cũng áp dụng được chiêu này. Vì thế, kể cả đang trong quá trình mở bán hay làm móng để bán được hàng thì chủ đầu tư cũng phải ngậm ngùi nộp thuế.
Theo Cục thuế Hà Nội, đơn vị này tiếp tục triển khai nhiều biện pháp để thu thuế mà các dự án đang còn nợ. Đại diện Cục Thuế Hà Nội, cho biết, trước khi áp dụng biện pháp cưỡng chế đối với DN nợ thuế quá 90 ngày, cơ quan thuế đã có thông báo tới từng trường hợp, sau đó đôn đốc để họ nộp.
Với những trường hợp chây ỳ, nợ thuế kéo dài thì cơ quan thuế tuân thủ theo đúng quy định là áp dụng các biện pháp cưỡng chế, trong đó có biện pháp thông báo hóa đơn không còn giá trị sử dụng. Trường hợp không thể có tiền trả nợ thuế vì cứ có tiền về tài khoản là ngân hàng lại siết nợ tiền gốc, lãi vay.
Tuy nhiên, với các chủ đầu tư không đủ năng lực về tài chính, cơ quan này đang kiến nghị cơ quan chức năng tiến hành thu hồi mã số thuế, đình chỉ việc sử dụng hóa đơn, thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, giấy phép thành lập và hoạt động, giấy phép hành nghề… để đảm bảo quyền lợi của người dân cũng như ngân sách Nhà nước.
>> Các ngân hàng xiết nợ khác nào "xã hội đen"?
>> Ngân hàng dựng lều, mắc võng để siết nợ doanh nghiệp
>> Những chiêu siết nợ "độc" của các ngân hàng
>> Chậm trả nợ, ngân hàng "rình" bắt xe ô tô
Theo D.Anh (Diễn Đàn Kinh Tế Việt Nam)