Yonhap cho biết SK Group đã ký thỏa thuận mua 6,1% cổ phần của VingroupVIC+1.39%. Khoản đầu tư này trị giá khoảng 1 tỷ USD. Đây được xem là số tiền đầu tư lớn nhất mà tập đoàn này rót vào một doanh nghiệp Việt Nam hiện nay.
Ngoài ra, thỏa thuận giữa SK Group và Vingroup cũng kêu gọi sự hợp tác chiến lược giữa hai bên trong các cơ hội kinh doanh khác tại Việt Nam như phát triển cơ sở hạ tầng hay liên kết kinh doanh.
Đại diện Vingroup xác nhận với Zing.vn về việc hợp tác này. Trong thông cáo vừa phát đi, Vingroup cho biết SK đăng ký mua 154,3 triệu cổ phiếu phát hành theo phương án chào bán riêng lẻ từ Vingroup và mua lại 51,4 triệu cổ phiếu thứ cấp từ VinCommerce, với giá trung bình là 113.000 đồng/cổ phiếu. Tổng giá trị giao dịch khoảng 23.300 tỷ đồng, tương ứng 1 tỷ USD.
Các tin đồn SK sẽ rót vốn vào Vingroup xuất hiện từ tháng 3. Thông tin này xuất hiện ngay sau khi Vingroup công bố kế hoạch chào bán riêng lẻ 250 triệu cổ phần, tương đương 7,8% lượng cổ phiếu đang lưu hành cho tối đa 5 nhà đầu tư tổ chức nước ngoài, với mức giá không thấp hơn 100.000 đồng/cổ phiếu.
Theo kế hoạch, với số tiền thu được từ đợt chào bán này, Vingroup sẽ sử dụng 10.000 tỷ đồng để cơ cấu lại nợ vay; đầu tư 6.000 tỷ đồng cho các công ty con gồm VinFast, VinTech, và Vinsmart; chi 9.000 tỷ đồng cho hoạt động kinh doanh, cấp vốn ngắn hạn cho tập đoàn và các công ty con.
Trong bài viết trên Bloomberg với tiêu đề "South Korea's big bet on Vietnam doesn't add up", tạm dịch "Màn đặt cược khó hiểu của đại gia Hàn Quốc vào Việt Nam", cây bút tài chính Shuli Ren nhận xét các khoản đầu tư khổng lồ đến từ Hàn Quốc đặt ra những dấu hỏi lớn.
"Với mức giá tối thiểu 100.000 đồng (4,31 USD)/cổ phiếu, SK đang định giá cổ phiếu Vingroup cao hơn 43 lần so với tỷ suất lợi nhuận trên cổ phần dự kiến năm 2019 (2.326 đồng).
Với số tiền đầu tư 1 tỷ USD, thay vì mua cổ phiếu Vingroup, SK có thể làm gì? Nếu đại gia Hàn Quốc quan tâm đến danh mục đầu tư bất động sản của Vingroup, họ có thể chỉ đầu tư vào cổ phiếu Vinhomes JSC và sẽ chỉ phải mua với giá (mỗi cổ phiếu) cao gấp 18,3 tỷ suất lợi nhuận trên cổ phần dự kiến năm 2019. Hiện tại Vinhomes JSC chiếm 2/3 doanh thu của công ty mẹ.
Hoặc nếu SK có hứng thú với chi nhánh bán lẻ của Vingroup thì mức vốn đầu tư cho mỗi cổ phiếu Vincom Retail JSC sẽ là gấp 26,2 lần tỷ suất lợi nhuận trên cổ phần dự kiến năm 2019. Vincom Retail và Vinhomes cùng nhau chiếm 85% tổng doanh thu của công ty mẹ", bà viết trên Bloomberg.
Đây sẽ là lần đặt cược lớn nhất của SK Group vào một tập đoàn của Việt Nam. Trước đó, vào tháng 9/2018, tập đoàn đến từ xứ sở kim chi này từng mua 9,5% cổ phần của MasanMSN-0.91% Group Corp với giá 470 triệu USD.
Vài năm trở lại đây, tập đoàn lớn thứ 3 Hàn Quốc liên tục có những động thái thể hiện nỗ lực mở rộng sự hiện diện của mình tại thị trường Đông Nam Á.
Là một tập đoàn đa ngành nhưng SK nổi tiếng nhất trong lĩnh vực viễn thông thương hiệu SK Telecom, một trong 3 nhà mạng lớn nhất tại Hàn Quốc.
Ngoài ra, tập đoàn còn kinh doanh trong ngành sản xuất đĩa nhạc và phim, hiện hợp tác cùng 3 công ty giải trí lớn nhất Hàn Quốc SM; YG và JYP. SK cũng là nhà phân phối thuốc lớn nhất ở Hàn Quốc, đồng thời là một số ngành kinh doanh như khai thác vận chuyển dầu khí, bất động sản, khách sạn và trung tâm thương mại...
Theo 2 tạp chí Interbrand và BusinessWeek, tổng giá trị của thương hiệu SK đứng thứ 20 trong số các tập đoàn toàn cầu, đạt 14,9 tỷ USD từ năm 2009.
Bằng việc mở rộng kinh doanh trên toàn thế giới, năm 2017, tập đoàn này thu về tới 141 tỷ USD doanh thu hợp nhất.
Theo Văn Hưng (Tri Thức Trực Tuyến)