Công ty cổ phần VinID, thành viên của Tập đoàn Vingroup (mã CK: VIC), vừa hoàn tất thủ tục mua cổ phần của People Care - đơn vị sở hữu ví điện tử MonPay. Không đơn thuần là khoản đầu tư, những lãnh đạo từ VinID đã thay thế toàn bộ nhân sự cũ trong Hội đồng quản trị của People Care, ngay trước khi thương vụ mua bán hoàn tất.
Trước đó, từ cuối năm 2018, những lãnh đạo của Grab Việt Nam cũng xuất hiện trong Hội đồng quản trị của Moca - một Fintech trung gian thanh toán. Phần thanh toán của ứng dụng gọi xe này, sau đó, được chuyển từ GrabPay - vận hành trên nền tảng của bên thứ ba - sang GrabPay by Moca.
Moca hay MonPay, thực tế, chỉ là hai trong nhiều trường hợp Fintech có sự tham gia của những đối tác mới. Thị trường các nền tảng thanh toán, với đại diện là các ví điện tử, bùng nổ từ giai đoạn 2015 - 2016 đang bước vào thời kỳ tiếp theo - tái định hình - với sự xuất hiện của những "ông chủ" có tiềm lực tài chính đứng sau. Những động thái này, theo góc nhìn của giới phân tích, có thể đưa thị trường này bước sang một giai đoạn mới, với tính cạnh tranh cao hơn.
"Sự tham gia của các 'tay chơi' mới là một tín hiệu tốt vì họ chỉ đầu tư khi thị trường thanh toán thực sự có tiềm năng và nhu cầu sử dụng của khách hàng đang tăng cao", ông Nguyễn Bá Diệp, Phó chủ tịch HĐQT Momo - một trong những trung gian thanh toán và làm ví điện tử đầu tiên của Việt Nam nói với VnExpress.
Đến cuối năm 2018, cả nước đã có 4,2 triệu ví điện tử liên kết với tài khoản ngân hàng với giá trị giao dịch cả năm hơn 91.000 tỷ đồng. Nhưng những con số này vẫn còn quá khiêm tốn so với tiềm năng thị trường.
Từ những ví điện tử đầu tiên như Momo, Bankplus, Mobivi, Vimo cho tới những cái tên mới góp mặt sau này như AirPay, ZaloPay, Ví Việt, đều đang so kè nhau trong cuộc đua giành thị phần. Dù vậy, thị phần hiện nay không được quyết định bởi ví nào ra mắt sớm hay muộn, mà chủ yếu nhờ sự "chịu chi".
Nghiên cứu từ 21.000 mẫu thảo luận trên mạng xã hội tháng 7/2018, Buzzmetrics cho biết sự quan tâm của người dùng đổ dồn về 4 ví điện tử là Momo, Viettelpay, Zalopay và Airpay, chiếm hơn 90% lượng tương tác. Tuy nhiên, từ những tương tác này, Buzzmetrics tìm ra một thực tế là lý do lớn nhất người dùng lựa chọn ví điện tử vì những chương trình khuyến mãi. 25% số người chia sẻ mục đích sử dụng ví điện tử là để tham gia chương trình khuyến mãi từ các nhà cung cấp. Một bộ phận khác dùng ví điện tử vì thói quen thanh toán trực tuyến khi mua hàng. Và điều này cũng là góp phần lý giải vì sao hầu hết Fintech thanh toán đều đang lỗ.
Ông Phạm Tiến Dũng, Vụ trưởng Vụ thanh toán từng cho biết, chỉ có khoảng 20% đơn vị có lãi từ các giao dịch, phần còn lại của thị trường được đánh giá là "không ổn định". Thua lỗ với những startup nói chung và Fintech nói riêng không phải điều khó dự đoán, đặc biệt khi các đơn vị này thường chọn hướng đánh đổi lợi nhuận lấy thị phần.
Công ty cổ phần Zion, đơn vị thành viên của VNG, được cấp phép trung gian thanh toán từ đầu năm 2016 và sau đó xuất hiện trên thị trường với sản phẩm ví điện tử ZaloPay. Hai năm sau khi ra mắt, khoản lỗ của đơn vị này tăng theo cấp số nhân. Theo báo cáo thường niên của VNG, năm 2017, Zion báo lỗ hơn 21 tỷ đồng. Con số lỗ tăng lên gần 6 lần vào năm 2018, đạt hơn 133 tỷ đồng.
Momo, ví điện tử đang đứng đầu về số lượng người dùng tại Việt Nam, lỗ lũy kế hơn 1.000 tỷ đồng đến cuối năm 2018. Tốc độ tăng lỗ của ví điện tử này cũng xấp xỉ với tốc độ tăng doanh thu. Năm gần nhất Momo lỗ hơn 440 tỷ đồng, gần gấp đôi năm 2017.
Theo báo cáo tài chính hai năm 2017 và 2018, lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh của Momo đều âm vài trăm tỷ đồng mỗi năm, và gần như toàn bộ lượng vốn được bù lại từ hoạt động tài chính.
Tuy nhiên, thực trạng này cũng mở ra cơ hội cho những "tay chơi" mới tham gia thị trường, thông qua các thương vụ M&A.
Với những doanh nghiệp lớn xây dựng mô hình phát triển theo hệ sinh thái, sở hữu một nền tảng thanh toán là điều được giới phân tích đánh giá "không sớm thì muộn" cũng phải thực hiện. Những thương vụ đầu tư vào trung gian thanh toán mới đây, hầu hết, cũng đều xuất phát từ những đơn vị đã có hệ sinh thái riêng.
Grab, ứng dụng gọi xe xuất hiện tại Việt Nam từ năm 2014, đã mở rộng mảng kinh doanh sang nhiều dịch vụ, bao gồm cả chuyển phát, giao đồ ăn. VinID được giới thiệu là chương trình chăm sóc khách hàng thân thiết của Vingroup, áp dụng cho các sản phẩm, dịch vụ thuộc hệ sinh thái của tập đoàn như mua sắm, tiêu dùng, nghỉ dưỡng, y tế, giáo dục, ẩm thực, vui chơi giải trí... SEA (tên cũ Garena) trở thành cổ đông của VNPay từ cuối năm 2016, cũng đồng thời là cổ đông lớn của Foody - một nền tảng về đánh giá và đặt món.
Bên cạnh đó, một lý do khác cho việc tham gia là khả năng định hình lại thị trường. Do quy mô còn nhỏ, thị trường trung gian thanh toán cũng được đánh giá là "đang bị phân mảng" vì không có một đơn vị nào có hệ sinh thái đủ mạnh để hút đa số khách hàng về mình. Mỗi ví điện tử gần như chỉ cố gắng tìm ra một mảng thị trường riêng. Theo nghiên cứu của Buzzmetrics, 60% khách hàng tìm tới Momo do những chương trình khuyến mãi, 70% sử dụng Viettelpay cho chuyển khoản, còn với Airpay 100% là thanh toán gọi món.
Điều này mở ra cơ hội để trở thành người dẫn dắt cuộc chơi với những "đại gia" có tiềm lực tài chính lớn. Dù vậy, cuộc chiến này, cũng như những lĩnh vực như thương mại điện tử, được dự báo sẽ không kém khốc liệt.
"Để phát triển thanh toán điện tử, mỗi đơn vị phải có một thế mạnh và một hệ sinh thái riêng biệt, trong đó khách hàng sẽ là người lựa chọn dịch vụ nào tốt nhất và phù hợp nhất", Phó chủ tịch Momo nói và cho rằng khi phát triển đủ lớn thị trường thanh toán chỉ đủ chỗ cho 2-3 đơn vị cùng cung cấp dịch vụ.
Theo Minh Sơn (VnExpress.net)