Năm 2023, Tổng Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc (KBC) của ông Đặng Thành Tâm hưởng lợi từ dòng tiền tăng mạnh trong hoạt động kinh doanh bất động sản công nghiệp. Qua đó, KBC giảm nợ vay và xóa toàn bộ 2.400 tỷ đồng nợ trái phiếu ra khỏi sổ sách.
Cụ thể, KBC đã trả nợ đúng hạn trái phiếu KBCH2123001 (đáo hạn ngày 22/2/2023), trị giá 400 tỷ đồng; mua lại trước hạn toàn bộ trái phiếu KBCH2123002 (đáo hạn ngày 3/6/2023), trị giá 1.000 tỷ đồng, hoàn tất thanh toán vào ngày 5/4/2023.
KBC đã mua trước hạn toàn bộ lô trái phiếu KBCH2123004 (đáo hạn ngày 11/11/2024), trị giá 1.000 tỷ đồng, hoàn tất thanh toán vào ngày 31/3/2023.
Cùng với KBC, nhiều doanh nghiệp cũng thực hiện tất toán toàn bộ nợ trái phiếu. CTCP Phát triển Bất động sản Phát Đạt (PDR) cũng mới công bố đưa dư nợ trái phiếu về 0. Trong đó, PDR mua lại toàn bộ 2 lô trái phiếu có tổng mệnh giá phát hành 800 tỷ đồng, đồng thời còn chi 37,5 tỷ đồng để mua lại trước hạn toàn bộ lô trái phiếu PDR12204.
Theo thống kê của Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), năm 2023, 35 công ty bất động sản trả dứt điểm nợ vay từ trái phiếu, với tổng số tiền thanh toán hơn 20.000 tỷ đồng.
Trong đó, CTCP Đầu tư Bất động sản Đông Dương, chủ đầu tư dự án La Vida Residences tại Vũng Tàu, đã hoàn thành hết nợ trái phiếu cho các trái chủ với tổng số tiền 1.200 tỷ đồng do lợi nhuận nửa đầu năm 2023 tăng mạnh.
Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển BĐS Nice Star đã mua lại trước hạn toàn bộ 1.500 tỷ đồng lô trái phiếu 4 năm, lãi suất 12,5%/năm trong tháng 10.
Tương tự, CTCP Phúc Long Vân - chủ đầu tư dự án khu dân cư Phúc Long Vân tại tỉnh Long An, hoàn thành sớm nghĩa vụ đối với trái chủ khi mua lại lô trái phiếu 1.350 tỷ đồng, lãi suất 11,75%/năm, phát hành tháng 7/2019 và theo kế hoạch sẽ đáo hạn vào 4 năm sau.
Công ty TNHH Kinh doanh BĐS LC chi 1.000 tỷ đồng để tất toán trái phiếu năm 2023 dù đang lỗ ròng 100 tỷ đồng.
Mặc dù lỗ 123 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm 2023, nhưng CTCP Đầu tư Du lịch Eurowindow Nha Trang cũng thanh toán 586 tỷ nợ trái phiếu trước hạn sau 1 năm phát hành.
Tin doanh nghiệp
Thị trường chứng khoán còn một số sự kiện quan trọng khác của các doanh nghiệp niêm yết trên sàn.
* GVR: Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam công bố kết quả thực hiện sản xuất kinh doanh năm 2023 ước đạt 24.485 tỷ đồng (vượt 1% kế hoạch nhưng giảm gần 4% so với năm trước). Lãi trước thuế hợp nhất đạt 4.015 tỷ đồng (vượt 1,4% kế hoạch nhưng giảm gần 30% so với năm trước).
* PSW: CTCP Phân bón và Hóa chất Dầu khí Tây Nam Bộ công bố điều chỉnh một số chỉ tiêu kinh doanh năm 2023. Cụ thể, doanh thu đạt 2.870 tỷ đồng, giảm 31%; lãi sau thuế còn hơn 4 tỷ đồng, bằng khoảng 1/5 kế hoạch được thông qua tại ĐHĐCĐ 2023.
* C92: Ủy ban Chứng khoán Nhà nước ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính 60 triệu đồng đối với CTCP Xây dựng và Đầu tư 492 do có hành vi công bố thông tin không đúng thời hạn theo quy định.
* MVN: Năm 2023, Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam ghi nhận doanh thu 17.964 tỷ đồng, vượt 4% kế hoạch; lợi nhuận đạt 2.084 tỷ đồng, bằng 90% kế hoạch năm.
* DIG: Ngày 3/1, Tổng CTCP Đầu tư Phát triển Xây dựng nhận được thông báo của Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu về việc hoàn tất giải thể CTCP Đầu tư Phát triển Thương mại DIC – công ty con của DIG.
* ACV: Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam công bố ước kết quả kinh doanh năm 2023 với tổng doanh thu đạt hơn 20.000 tỷ đồng, vượt 3% kế hoạch năm và tăng 26% so với năm 2022. Lợi nhuận trước thuế đạt 8.646 tỷ đồng, vượt 2% kế hoạch năm và tăng 14% so với năm 2022.
* CTR: Tổng CTCP Công trình Viettel thông báo chốt danh sách cổ đông nhận cổ tức còn lại năm 2022 bằng tiền với tỷ lệ 19,19%. Ngày giao dịch không hưởng quyền là 18/1.
* GDT: CTCP Chế biến Gỗ Đức Thành thông báo chốt danh sách cổ đông nhận tạm ứng cổ tức đợt 1/2023 bằng tiền mặt tỷ lệ 10%. Ngày giao dịch không hưởng quyền là 16/1.
* CII: CTCP Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP. HCM công bố thực hiện kế hoạch chi trả cổ tức tiền mặt đều đặn vào ngày đầu mỗi quý, với tỷ lệ chi trả là 4%/quý, tương đương 16%/năm.
VN-Index
Kết phiên giao dịch ngày 5/1, VN-Index tăng 3,96 điểm (+0,34%) lên 1.154,68 điểm, HNX-Index tăng 0,2 điểm (+0,09%) lên 232,76 điểm, UpCOM-Index tăng 0,2 điểm (+0,23%), lên 87,93 điểm.
Theo Chứng khoán Agriseco, nhịp tăng có phần khá gấp gáp từ vùng đáy 1.080 điểm mà không có nhịp điều chỉnh đáng kể nào, khiến cho áp lực rung lắc ngày một rõ nét khi chỉ số tiếp cận ngưỡng cản gần quanh 1.170-1.180 điểm.
Trong kịch bản tích cực, VN-Index được kỳ vọng sẽ xuất hiện một nhịp đi ngang tích lũy quanh vùng 1.130-1.180 điểm nhằm giải tỏa áp lực chốt lời ngắn hạn trước khi quay trở lại xu hướng tăng điểm.
Còn theo Chứng khoán KIS Việt Nam, áp lực bán ròng của khối ngoại trong tuần đầu năm 2024 không đáng ngại. Thêm vào đó, áp lực từ khối ngoại đã được lực cầu của nhà đầu tư trong nước hấp thụ. Điều này đã diễn ra trong năm 2023, nhờ lực cầu này mà thị trường không giảm mạnh trước áp lực bán từ khối ngoại.
Theo Ngọc Cương (VietNamNet)