Đại gia công nghệ đi bán thuốc thu nghìn tỷ, kiếm đậm thời dịch bệnh

01/06/2022 15:40:20

Nhiều doanh nghiệp bán lẻ ghi nhận triển vọng tốt trong mảng bán thuốc sau khi lĩnh vực cốt lõi có dấu hiệu bão hòa, khó tăng trưởng trong vài năm gần đây.

CTCP Đầu tư Thế Giới Di Động (MWG) của ông Nguyễn Đức Tài ghi nhận doanh thu trong 4 tháng đầu năm tăng 18% so với cùng kỳ lên trên 47,9 nghìn tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế tăng 8% lên gần 1,82 nghìn tỷ đồng.

Các mảng mới của Thế Giới Di Động đều ghi nhận tăng trưởng khá tốt. Điện Máy Xanh (ĐMX) và Topzone tăng trưởng lợi nhuận 21%. Đặc biệt mảng kinh doanh thuốc tây tăng mạnh. Chuỗi nhà thuốc An Khang của MWG ghi nhận doanh số lũy kế 4 tháng tăng gấp 3,7 lần so với cùng kỳ.

An Khang đã có 250 nhà thuốc và đang hướng đến cột mốc 500 nhà thuốc trong tháng 7.

Công ty bán lẻ kỹ thuật số FPT - FPT Retail (FRT) của ông Trương Gia Bình cũng phát triển mạnh chuỗi nhà thuốc Long Châu và dự kiến mang về 50-100 tỷ đồng lợi nhuận trong năm 2022.

Mảng dược phẩm được đánh giá có triển vọng tốt. Tuy nhiên, kinh doanh mảng này không dễ và nó cũng cần các doanh nghiệp dày vốn. Tính đến cuối 2021, Dược phẩm FPT Long Châu còn lỗ lũy kế 150 tỷ đồng, tương đương gần 57% vốn góp của chủ sở hữu.

Hiện tại, cả Pharmacity, Long Châu và An Khang đều đang đẩy mạnh kế hoạch mở rộng chuỗi cửa hàng. Sau 4 năm, chuỗi Long Châu đã mở thêm 520 cửa hàng và trở thành 1 trong 3 chuỗi nhà thuốc lớn nhất hiện nay (cùng Pharmacity và An Khang). 

Đại gia công nghệ đi bán thuốc thu nghìn tỷ, kiếm đậm thời dịch bệnh
Doanh nghiệp của ông Trương Gia Bình tấn công vào mảng kinh doanh dược phẩm.

Theo Bộ Y tế, thị trường thuốc Việt Nam có tốc độ tăng trưởng khá nhanh, bình quân 17%/năm giai đoạn 2014-2018. Và thị trường này được ước tính có quy mô lên tới 7-8 tỷ USD và có thể đạt ngưỡng 16 tỷ USD vào 2026.

Các nhà đầu tư nước ngoài cũng đẩy mạnh tham gia mảng dược phẩm, từ sản xuất cho đến kinh doanh. Nhiều tập đoàn dược phẩm nước ngoài đã có cổ phần lớn tại các doanh nghiệp dược phẩm hàng đầu tại Việt Nam.

Có doanh nghiệp "bán mình" cho đối tác ngoại và hủy niêm yết cổ phiếu trên sàn HOSE như PME của CTCP Pymepharco. Đây là doanh nghiệp dược có vốn hóa lớn thứ 2 trên thị trường chứng khoán. Trước đó đầu năm 2021 đã thông qua việc cho phép cổ đông lớn Stada Service Holding B.V và người có liên quan nâng tỷ lệ sở hữu tối đa lên 100% vốn điều lệ công ty mà không cần thực hiện chào mua công khai.

Vào đầu năm nay, ông lớn dược Ấn Độ Công ty Sri Avantika đến khảo sát tại tỉnh Hải Dương nhằm đầu tư dự án công viên dược quốc tế quy mô hơn 10 tỷ USD tại Việt Nam.

Dịch bệnh hoành hành gần đây cũng giúp nhiều cổ phiếu ngành dược bứt phá. Dược phẩm Mekophar được biết đến là doanh nghiệp sản xuất thuốc trị Covid tại Việt Nam.

Trong năm 2021 và đầu 2022, FPT Retail (FRT) tiếp tục là doanh nghiệp được hưởng lợi nhất từ chiến dịch sống chung với Covid với nỗ lực mở cửa nền kinh tế của Chính phủ. Doanh nghiệp này đã đặt ra kế hoạch kinh doanh tỷ USD trong năm 2022 với doanh thu tăng 20% lên 27 nghìn tỷ đồng và lợi nhuận tăng 30%.

Trong năm 2021, FPT Retail ghi nhận kết quả kinh doanh đột phá với lợi nhuận tăng gần 20 lần lên hơn 550 tỷ đòng và doanh thu tăng hơn gấp rưỡi lên 22,5 nghìn tỷ đồng (gần 1 tỷ USD). FPT Retail ghi nhận chuỗi nhà thuốc Long Châu chính thức có lãi nhẹ trong năm vừa qua, sớm hơn kế hoạch 2 năm.

Chuỗi nhà thuốc FPT Long Châu mua cả triệu viên thuốc trị COVID Molnupiravir. Nhà thuốc này bán nhiều vật tư thiết bị y tế liên quan tới việc phòng chống Covid như khẩu trang, kit test…

Thế Giới Di Động (MWG) cũng bán thuốc trị đặc trị Covid-19 thông qua chuỗi nhà thuốc An Khang.

Với các doanh nghiệp sản xuất dược phẩm, kết quả không thực sự ấn tượng trong các năm vừa qua như MKP. Các doanh nghiệp đối mặt là sự cạnh tranh gay gắt trong ngành dược. Bên cạnh đó, nguyên liệu sản xuất có 90% là nhập khẩu. Việc Trung Quốc đóng cửa nhiều nhà máy khiến giá nguyên liệu tăng cao. Giá thầu thuốc quá thấp nên công ty không thể trúng thầu thuốc vào các bệnh viện. Xuất khẩu thuốc bị cạnh tranh với thuốc rẻ sản xuất từ Ấn Độ và Trung Quốc.

Áp lực chốt lời

Theo BSC, VN-Index có thể sẽ tích lũy quanh vùng 1.290 trong 1, 2 phiên và sẽ bật lên khỏi ngưỡng tâm lý 1.300 khi có dòng tiền ủng hộ. Các chỉ báo kỹ thuật đều đang tích cực, ủng hộ xu hướng tăng của VN-Index, ngoại trừ thanh khoản còn khiêm tốn.

Theo AseanSC, thị trường hôm 31/5 ghi nhận một phiên giao dịch khá giằng co, do áp lực bán gia tăng ở nhiều nhóm cổ phiếu, trong bối cảnh số mã giảm giá chiếm ưu thế, thanh khoản tăng nhẹ và cao hơn trung bình 20 phiên. Điều này cho thấy đà tăng có dấu hiệu chững lại, do đó AseanSC cho rằng khả năng thị trường sẽ xuất hiện những nhịp rung lắc trước khi có sự phân định xu hướng rõ ràng hơn. Dự báo trong phiên giao dịch tới, sự giằng co có thể diễn ra giữa lực mua tại vùng hỗ trợ 1.285 – 1.290 điểm và lực bán tại vùng kháng cự 1.295 – 1.300 điểm, trước khi có sự phân định xu hướng rõ ràng hơn về cuối ngày.

Chốt phiên giao dịch chiều 31/5, chỉ số VN-Index giảm 1,24 điểm xuống 1.292,68 điểm. Chỉ số HNX-Index của sàn Hà Nội tăng 2,99 điểm lên 315,76 điểm. Upcom-Index giảm 0,26 điểm xuống 95,45 điểm. Thanh khoản đạt tổng cộng 19,2 nghìn tỷ đồng, trong đó có 16,1 nghìn tỷ đông trên sàn HOSE.

Theo V. Hà (VietNamNet)

Nổi bật