Đại gia BĐS Nhật tính rót 100 triệu USD xây đại TTTM tại quận 9

05/10/2018 10:50:39

Mới đây, Tập đoàn Tokyu (Nhật Bản) vừa có cuộc làm việc với lãnh đạo UBND TP.HCM và mong muốn thực hiện dự án thương mại dịch vụ ngay Bến Xe Miền Đông mới tại quận 9.

Theo đó, tập đoàn Tokyu đã đề nghị thành lập liên danh giữa tập đoàn này và Tổng công ty Cơ khí Giao thông Vận tải Sài Gòn - TNHH MTV (Samco), chủ đầu tư Bến Xe Miền Đông mới để triển khai khu dịch vụ, thương mại tại Bến xe Miền Đông mới trên diện tích 30.000m2 với tổng mức đầu tư 100 triệu USD.

Giai đoạn 1 có mức đầu tư khoảng 25 triệu USD, trong đó Samco góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng đất, phần còn lại như đầu tư thiết bị, xây lắp, vận hành… do Tokyu đầu tư.

Theo đại diện Tokyu, Bến xe Miền Đông mới là nơi giao thoa của 3 địa phương: TPHCM, Bình Dương và Đồng Nai, điểm cuối của tuyến Metro số 1, khu du lịch Suối Tiên, Đại học Quốc gia TPHCM, Khu công nghệ cao… nên là cơ hội để phát triển "lõi" đô thị hạt nhân tại đây, làm nền tảng lan tỏa sang các khu vực khác.

Về phía địa phương, UBND TPHCM cũng đã giao Samco và các sở ngành liên quan xem xét các khung pháp lý về cho thuê đất, giao đất… khi liên doanh được thực hiện triển khai dự án để UBND TP.HCM có văn bản trả lời Tokyu trong tháng 10 này.

Đại gia BĐS Nhật tính rót 100 triệu USD xây đại TTTM tại quận 9
Công trường thi công dự án Bến xe miền Đông mới, nằm cạnh là nhà ga metro trung tâm.

Chủ đầu tư dự án Bến xe miền Đông mới, cho biết, hiện các đơn vị thi công đang đẩy nhanh tiến độ xây dựng để kịp hoàn thành nhà ga giai đoạn 1 vào cuối tháng 12 và đưa vào khai thác từ quý 1/2019.

Bến xe Miền Đông mới được khởi công xây dựng vào tháng 4.2017, với diện tích hơn 16ha thuộc phường Bình Thắng, thị xã Dĩ An (Bình Dương) và phường Long Bình, Q.9, (TP.HCM). Các đơn vị thi công đang khẩn trương xây dựng để kịp đưa vào sử dụng vào quý 1 năm 2019.

Theo đó, giai đoạn 1 nhà ga bến xe Miền Đông mới, được xây dựng với kết cấu gồm 2 tầng hầm và 4 tầng nổi. Toàn bộ công trình bến xe được thiết kế theo kiến trúc hiện đại, trở thành bến xe lớn nhất nước và là một trong những bến xe hiện đại của khu vực Đông Nam Á.

Theo quy hoạch Phát triển giao thông vận tải TPHCM đến năm 2020 tầm nhìn đến năm 2025, khu vực Bến xe miền Đông mới và ga Suối Tiên sẽ là đầu mối giao thông lớn của TPHCM với các tỉnh Đông Nam Bộ, miền Trung và miền Bắc.

Tại đây, các dự án này sẽ kết nối trực tiếp với hai nhà ga metro lớn để di chuyển vào khu vực trung tâm TP.HCM.

Bến xe Miền Đông có tổng vốn đầu tư khoảng 4.000 tỉ đồng, gồm bốn khu A, B, C, D; trong đó, khu A là đất bến bãi, công trình công cộng và phụ trợ, với công trình cao nhất có 26 tầng, có diện tích 122.480m2 (chiếm 76,37%,); khu B là trạm xe buýt (cao 2 tầng); khu C là kho trung chuyển và giao dịch hàng hóa (cao 5 tầng); và khu D là khu thương mại dịch vụ (cao 15 tầng).

Theo Nguyên Minh (Nhịp Sống Kinh Tế)