Đại gia bậc nhất Việt Nam đối mặt điều tồi tệ khó lường

18/06/2021 13:57:17

Đại gia số 1 Việt Nam gặp khó do những biến động trên thị trường thế giới. Những thay đổi không lường trước khiến cho mọi kế hoạch đều không được đảm bảo và phụ thuộc vào yếu tố bên ngoài.

CTCP Tập đoàn Thủy sản Minh Phú (MPC) – ông lớn số 1 trong lĩnh vực tôm tại Việt Nam vừa công bố những khó khăn có thể ảnh hưởng lớn tới kế hoạch kinh doanh của doanh nghiệp này.

Theo đó, Thủy sản Minh Phú của vợ chồng ông Lê Văn Quang và bà Chu Thị Bình cho biết kế hoạch sản xuất trong năm 2021 sẽ đạt nhưng kế hoạch bán hàng và kế hoạch lợi nhuận khả năng sẽ chỉ đạt 80%. Doanh nghiệp đối mặt với vấn đề thiếu hụt container rỗng và t ình trạng thiếu tàu trở nên tồi tệ hơn khi thủy thủ tàu đi sang quốc tế bị nhiễm Covid-19.

Tại ĐHCĐ 2021, Thủy sản Minh Phú thông qua kế hoạch kinh doanh 2021 với doanh thu gần 15,78 nghìn tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế là 1.092 tỷ đồng, tăng 10% và tăng 62% so với thực hiện năm 2020.

Trong năm 2020 và 2019, MPC ghi nhận lợi nhuận khá khiêm tốn, tương ứng 668 và 440 tỷ đồng do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 và gặp khó khăn khi xuất khẩu sang Mỹ.

Tình hình đã tốt đẹp hơn do MPC thắng vụ kiện liên quan đến chống bán phá giá tại Mỹ. Tuy nhiên, dịch Covid bùng phát mạnh khiến doanh nghiệp của ông Lê Văn Quang tiếp tục đối mặt với khó khăn về chuỗi cung ứng, nguyên nhiên vật liệu tăng rất mạnh.

Chi phí vận tải tại tăng liên tục trong thời gian qua và hiện không có cả container để xuất đi do tình trạng thiếu hụt chung vì hàng xuất đi nhưng không có hàng về vì đại dịch. Cước container đi các cảng tăng hiện từ 2-4 lần.

Đại gia bậc nhất Việt Nam đối mặt điều tồi tệ khó lường
Vợ chồng ông Lê Văn Quang - bà Chu Thị Bình.

MPC cũng không thể dự liệu giá cước có còn tăng nữa hay không. Theo tính toán của doanh nghiệp, giá thức ăn và giá cước tăng ảnh hưởng khoảng 20% lên giá bán. Nhưng vấn đề lớn nhất vẫn là thiếu container rỗng để xuất hàng đi.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, giá container tăng mạnh gấp 5-10 lần khiến doanh nghiệp Việt gặp khó khăn do chuỗi cung ứng đứt gãy, tắc nghẽn tại cảng.

Doanh nghiệp thủy sản dù có mức tăng trưởng khá cao nhưng cũng gặp khó khăn về dòng tiền, không đặt được container do giá tăng cao, thiếu container rỗng. Giá container đi thị trường Trung Đông tăng từ 2.000 USD/container lên 10.000 USD/container.

Mặc dù gặp khó khăn về vận tải nhưng Thủy sản Minh Phú vẫn ghi nhận hoạt động khá tốt so với các doanh nghiệp trong ngành và các ngành khác.

MPC dự kiến sẽ trả cổ tức năm 2021 tỷ lệ 50-70%, gấp 2-3 lần mức trả cổ tức năm 2020 (dự kiến trả bằng tiền mặt tỷ lệ 20%).

Trước đó, hồi cuối năm 2020, MPC đã trả cổ tức bằng tiền tỷ lệ 15%, tương đương mỗi cổ phiếu sẽ nhận về 1.500 đồng. Với gần 200 triệu cổ phiếu lưu hành, tổng số tiền Minh Phú chi ra để trả cổ tức cho cổ đông là 300 tỷ đồng. Khi đó, Chủ tịch Tập đoàn Minh Phú Chu Thị Bình và chồng là ông Lê Văn Quang cùng gia đình quản lý tổng cộng 87 triệu cổ phiếu MPC và đã nhận về lượng tiền mặt lên tới 130 tỷ đồng trong đợt chia cổ tức này.

Bà Bình hiện là cổ đông cá nhân lớn nhất tại Minh Phú với 35 triệu cổ phiếu, tương đương 17,8% cổ phần. Chồng bà Bình là Tổng Giám đốc Lê Văn Quang nắm giữ 32 triệu cổ phiếu công ty, tương ứng tỷ lệ 16,3% cổ phần.

Các con của ông bà chủ Minh Phú đứng tên 11,7 triệu cổ phần MPC. Bên cạnh đó, Công ty Đầu tư Long Phụng do ông Lê Văn Quang và bà Chu Thị Bình sở hữu 90% cổ phần cũng nắm giữ 8,2 triệu cổ phiếu Minh Phú.

Thủy sản Minh Phú là doanh nghiệp sản xuất tôm lớn nhất cả nước về quy mô doanh thu.

Gần đây, nhiều doanh nghiệp trên sàn tiếp tục trả cổ tức cao bất chấp ảnh hưởng của đại dịch.

Masan Group (MSN) chi 1.175 tỷ trả cổ tức bằng tiền mặt, mỗi cổ đông sẽ nhận về 1.000 đồng/cổ phiếu. Tập đoàn Hòa Phát trả cổ tức tỷ lệ 40% (35% bằng cổ phiếu và 5% bằng tiền mặt) và gia đình ông Trần Đình Long nhận hàng trăm tỷ đồng…

Trên thị trường chứng khoán (TTCK), VN-Index tăng gần 12 điểm lên trên ngưỡng 1.370 điểm.

Theo VDSC, mặc dù bị chao đảo đầu phiên hôm qua nhưng VN-Index vẫn lấy lại được sắc xanh. Thanh khoản khớp lệnh giảm nhẹ nhưng duy trì ổn định ở mức trung bình 50 phiên. Cho thấy dòng tiền vẫn đang hỗ trợ thị trường trước áp lực chốt lời gia tăng. Với tín hiệu hỗ trợ hiện tại, thị trường có cơ hội thử thách lại vùng đỉnh cũ 1.370 - 1.375 điểm trong thời gian gần tới.

Đóng cửa phiên giao dịch chiều ngày 17/6, chỉ số VN-Index tăng 3,4 điểm lên 1.359,92 điểm; HNX-Index giảm 3,42 điểm lên 317,07 điểm. Upcom-Index tăng 0,73 điểm lên 89,55 điểm. Thanh khoản đạt 27,1 nghìn tỷ đồng.

Theo V. Hà (VietNamNet)

Nổi bật