Đại biểu HĐND mua trái mít, được tặng... thuốc bảo quản

16/03/2017 13:48:00

Bà Nguyễn Thị Nga, Phó Chủ tịch Liên đoàn lao động quận 12, đại biểu HĐND TP.HCM kể: “Tôi vào chợ đầu mối Hóc Môn mua hai trái mít chín. Sau khi trả tiền, người bán đưa tôi hai lọ nhựa đựng thứ nước màu trắng không nhãn hiệu rồi dặn muốn giữ mít tươi lâu độ hai tuần thì… phun thuốc này vào”.

Bà Nguyễn Thị Nga, Phó Chủ tịch Liên đoàn lao động quận 12, đại biểu HĐND TP.HCM kể: “Tôi vào chợ đầu mối Hóc Môn mua hai trái mít chín. Sau khi trả tiền, người bán đưa tôi hai lọ nhựa đựng thứ nước màu trắng không nhãn hiệu rồi dặn muốn giữ mít tươi lâu độ hai tuần thì… phun thuốc này vào”.
 

Bà Thi Thị Tuyết Nhung, Trưởng ban Văn hóa-Xã hội HĐND TP.HCM cho biết: “Trong lần đến chợ đầu mối Hóc Môn, thấy một loại rau giống như được trồng ở Đà Lạt nên tôi hỏi mua. Tuy nhiên người bán nói rau được nhập từ Trung Quốc, đồng thời hướng dẫn tôi cách phân biệt rau Đà Lạt và rau Trung Quốc. Nếu người bán nói là rau Đà Lạt thì tôi cũng tin bởi chẳng có một dòng thông tin liên quan đến loại rau tôi mua.” – bà Nhung nói.

Đại biểu HĐND mua trái mít, được tặng... thuốc bảo quản - 1
Hình minh họa

Ông Cao Thanh Bình, Phó Trưởng ban Kinh tế-Ngân sách HĐND TP.HCM, nói: “Trong lần giám sát ATVSTP tại một chợ ở quận 7 (TP.HCM), tôi đến sạp bán heo quay và hỏi xem chứng từ đi kèm. Tuy nhiên người bán lắc đầu và nói không có. Thực phẩm vào chợ mà không nguồn gốc, chẳng chứng từ thì khó chấp nhận. Tại một chợ tự phát ở phường 2, quận 8, tôi thấy một sạp bán thịt có treo bảng “sản phẩm sạch”. Thế nhưng khi tôi hỏi chứng từ nguồn gốc, chủ sạp đưa ra giấy tờ chẳng liên quan đến số thịt đang bán. Điều này cho thấy công tác giám sát thực phẩm tại TP.HCM còn nhiều tồn tại”.

Theo bà Huỳnh Thị Kim Cúc, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT TP.HCM, hiện 70% rau, củ, quả, thịt các loại, thủy hải sản… từ các tỉnh đưa vào ba chợ đầu mối ở TP.HCM được Sở NN&PTNT TP kiểm soát kỹ. 30% thực phẩm còn lại không thể kiểm soát do phân phối nhỏ lẻ. Vẫn còn tồn tại thực trạng sử dụng hóa chất cấm trong chăn nuôi. Đặc biệt đối với nguồn sản phẩm động vật giết mổ từ các tỉnh đưa vào TP.HCM.

Bà Tuyết Nhung lưu ý rằng hiện nay các điểm giết mổ lậu trên địa bàn TP.HCM vẫn còn. Điều đáng quan tâm các điểm này thường giết mổ heo, gà… bệnh, chết hoặc có chất tăng trọng, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người tiêu dùng. "Sở NN&PTNT TP.HCM cần lưu ý đến thực trạng này” – bà Nhung nói.

Ông Phạm Đức Hải, Phó Chủ tịch HĐND TP.HCM yêu cầu thực phẩm đưa vào ba chợ đầu mối phải có chứng từ, phải truy xuất được nguồn gốc khi có sự cố xảy ra. “Nếu chẳng may xảy ra sự cố liên quan ATVSTP, không chỉ người kinh doanh mà ban quản lý chợ đầu mối cũng phải chịu trách nhiệm” – ông Hải nói.

Tại buổi giám sát, ông Huỳnh Tấn Phát, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y TP.HCM, cho biết cơ quan chức năng vừa phát hiện đường dây thu mua thịt heo ế ở chợ Bình Điền (TP.HCM) rồi bán lại cho các quán cơm. Tổng số thịt heo bị phát hiện đang lưu trữ trong kho lạnh là 43 tấn. Trong đó 15 tấn buộc tiêu hủy vì bị biến chất, 28 gấn còn lại chờ kết quả xét nghiệm.

Trước đó, Pháp Luật TP.HCM đưa tin vào ngày 8-3, đoàn kiểm tra liên ngành an toàn vệ sinh thực phẩm huyện Bình Chánh (TP.HCM) bất ngờ kiểm tra kho lạnh của ông Nguyễn Văn Ngọc tại ấp 3, xã An Phú Tây.

Đoàn ghi nhận kho lạnh bảo quản thịt heo không đảm bảo điều kiện vệ sinh. Chưa hết, cơ sở cũng không có giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh thú y. Toàn bộ lô hàng bảo quản trong kho lạnh không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Theo Trần Ngọc (Pháp luật TPHCM)

Nổi bật