Vấn đề cân đối ngân sách, nợ công nhận được nhiều ý kiến của đại biểu trong phiên thảo luận tại Quốc hội sáng 9/6.
"Mức bội chi ngân sách hiện gấp 3 lần tăng trưởng, tính ra làm thêm được một đồng thì tiêu 3 đồng", ông nói. Những hạn chế đó, theo ông Phong khiến những tác động từ tăng trưởng đến xã hội chưa được như kỳ vọng, đất nước tăng trưởng nhưng người dân chưa hưởng lợi, tạo sinh kế như mong muốn.
Nếu chia bình quân đầu người thì nợ công của Việt Nam đang ở mức cao, xấp xỉ 1.000 USD. |
Là người phát biểu đầu tiên trong buổi thảo luận, bà Bùi Thị Quỳnh Thơ, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Tĩnh cũng dành đa số thời lượng để đưa ra những đề xuất về việc tái cơ cấu các khoản trong chi ngân sách, vay nợ Chính phủ và chống thâm hụt ngân sách.
Về vấn đề chi ngân sách, theo bà Thơ, thông thường phải tăng chi đầu tư phát triển và giảm chi thường xuyên. Kế hoạch Chính phủ xây dựng trước đó cũng đề ra mục tiêu chi thường xuyên của 2016-2020 trong khoảng 25-26%, giảm so với giai đoạn trước.
Tuy nhiên gần đây, chi thường xuyên lại có xu hướng tăng dần, ngược lại tổng chi đầu tư phát triển giảm. Mức bình quân chi thường xuyên những năm trở lại đây chiếm khoảng gần 30% cơ cấu tổng chi ngân sách. Trong khi đó, năm 2016 chi đầu tư phát triển chỉ chiếm gần 19,72%, chưa bằng một phần năm trong tổng chi ngân sách.
Cũng liên quan đến ngân sách, đại biểu còn đề cập đến vấn đề nợ Chính phủ. Theo bà Thơ, những năm qua Chính phủ dành ngân sách không nhỏ để trả nợ nhưng vẫn không đủ nên phải đi vay để đảo nợ.
"Một con số rất đáng trăn trở là năm 2017, dự toán chi trả nợ nợ gốc là 163.846 tỷ đồng, trong đó vay trả nợ gốc là hơn 156.537 tỷ đồng. Tình trạng đảo nợ cho thấy Chính phủ đang gặp trục trặc về khả năng trả nợ", bà Thơ nhấn mạnh.
Cũng theo bà Thơ, các con số trong báo cáo cho thấy Việt Nam đang loay hoay trong bài toán đảm bảo thường xuyên, tức là vay cho tiêu dùng và đi vay để trả nợ vay. Trong khi đó về nguyên lý là các khoản nợ vay chỉ được sử dụng cho đầu tư phát triển và được sử dụng lợi nhuận của nền kinh tế để chi trả.
"Do vậy. tôi cho rằng cơ cấu lại các khoản chi theo hướng giảm chi thường xuyên, tăng đầu tư phát triển là vô cùng cấp bách. Điều đó cũng đồng nghĩa Chính phủ phải mạnh tay hơn nữa để tinh giản biên chế. Cải cách bộ máy hành chính theo hướng tinh gọn, tiết kiệm...", bà Thơ cho hay.
Về vấn đề thâm hụt ngân sách, đại biểu đoàn Hà Tĩnh cũng cho rằng thời gian tới cần có có định hướng trong chiến lược quản lý. Chính phủ đã đưa trần bội chi cho 2015 là 4,5% GDP, sau đó giảm tiếp là 4% cho giai đoạn 2016-2020. Tuy nhiên, ngân sách tiếp tục tăng nhưng chi luôn vượt thu. Thâm hụt ngân sách đã tăng từ mức 4,9% GDP giai đoạn 2001-2005 lên hơn 5% trong 2006-2010, nhưng năm 2015 con số này đã lên đến 6,28%.
"Điều đáng nói là những con số bội chi ngân sách này không những vượt trần bội chi do Chính phủ cam kết mà còn vượt khung Quốc hội giới hạn. Chúng tôi hết sức chia sẻ với những khó khăn của Chính phủ trong bối cảnh thu ngân sách hạn hẹp, nhưng việc vay nợ cần đảm bảo chi đầu tư phát triển", bà Thơ nói.
Theo Nhóm phóng viên (VnExpress.net)