Khách Mỹ, Úc,... ồ ạt đặt mua
Cuối tháng 11, tại Bến Tre, lô bưởi da xanh Việt Nam 40 tấn được xuất khẩu chính thức sang Mỹ. Đây là lô bưởi đầu tiên xuất sang thị trường này sau gần 2 tháng Bộ Nông nghiệp Mỹ thông báo chính thức cho phép nhập khẩu quả bưởi tươi Việt Nam.
Bà Ngô Tường Vy, Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn xuất khẩu trái cây Chánh Thu (doanh nghiệp xuất khẩu bưởi sang Mỹ), cho biết, 40 tấn bưởi da xanh được vận chuyển cả bằng đường hàng không và đường biển. Trong đó, khoảng 4 tấn bưởi đã được "đi máy bay" sang Mỹ, được phân phối tới các điểm bán lẻ.
Ghi nhận từ các cửa hàng, siêu thị tại nhiều bang khác nhau ở Mỹ, giá bưởi da xanh được niêm yết ở mức 15-22 USD/kg, tương đương 375.000-535.000 đồng/kg.
Bưởi da xanh Chánh Thu xuất khẩu sang Mỹ có trọng lượng từ 1-1,7 kg/quả, tính ra giá mỗi quả dao động từ 375.000-900.000 đồng, tùy loại.
Mức giá này cao gấp khoảng 16-20 lần so với giá bưởi da xanh tại thị trường nội địa.
Với lô hàng đầu tiên đi bằng đường hàng không, theo bà Vy, cả doanh nghiệp xuất khẩu và nhập khẩu đều chưa tính đến lợi nhuận mà chủ yếu nhằm giới thiệu sản phẩm. Bởi, chi phí vận chuyển bằng đường hàng không rất đắt đỏ. Đến tháng 1/2023, bưởi đi bằng đường biển sẽ cập bến với chi phí vận chuyển thấp hơn. Lúc đó, bưởi sẽ được bán đại trà.
"Số lượng bưởi vận chuyển bằng đường biển sẽ kịp cập cảng để phục vụ thị trường Tết Nguyên đán cho bà con Việt kiều và cộng đồng dân châu Á ở Mỹ", bà Vy nói. Đơn hàng bưởi da xanh dày đặc từ nay đến Tết Nguyên đán 2023.
Không chỉ xuất khẩu sang Mỹ, doanh nghiệp này đang hoàn tất các thủ tục để xuất khẩu bưởi sang Úc, New Zealand, Canada. Do vấn đề vùng trồng và mã số vùng trồng còn hạn chế, bà Thu lo không đáp ứng kịp các đơn hàng.
Ngoài bưởi da xanh, cuối tháng 11, sau khi kiểm tra 6 mẫu bưởi đỏ đều đạt 821 chỉ tiêu kiểm định về an toàn thực phẩm theo yêu cầu của EU và Anh, lô hàng đầu tiên đã được xuất khẩu sang thị trường Anh.
Cơ hội lớn cho quả bưởi Việt Nam
Thông tin từ Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN-PTNT), bưởi là một trong những cây trồng chủ lực ở nước ta, diện tích lên tới 105.400 ha, sản lượng gần 905 nghìn tấn/năm. Các giống bưởi đa dạng, đặc trưng cho từng vùng miền như: bưởi da xanh, bưởi năm roi, bưởi Diễn, bưởi đỏ, bưởi Đoan Hùng...
Trong đó, bưởi trồng tập trung ở ĐBSH hơn 13.000ha, sản lượng trên 175 nghìn tấn; Trung du miền núi phía Bắc hơn 30.000ha, sản lượng 253 nghìn tấn. Riêng ĐBSCL có khoảng 32.000ha, sản lượng khoảng 369 nghìn tấn…
Năm 2021, bưởi tươi Việt Nam được xuất khẩu sang 12 quốc gia và vùng lãnh thổ, sản lượng xuất khẩu hơn 3.000 tấn trong năm 2021. Tuy nhiên, so với các loại trái cây khác của Việt Nam, lượng bưởi xuất khẩu còn khá khiêm tốn.
Ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, nhận định, việc Mỹ, New Zealand chấp thuận nhập khẩu quả bưởi tươi Việt Nam mở ra cơ hội lớn cho loại đặc sản này của nước ta. Kim ngạch xuất khẩu được kỳ vọng sẽ tăng mạnh.
Nhưng ông cũng lưu ý, để được xuất khẩu vào những thị trường này đã khó, giữ được thị trường còn khó hơn.
Các sản phẩm phải đáp ứng đầy đủ yêu cầu của nước nhập khẩu về kiểm dịch thực vật và an toàn vệ sinh. Trong đó, đặc biệt quan trọng là sản phẩm trồng phải truy xuất được nguồn gốc, từ quản lý giám sát vùng trồng với các sản phẩm đầu vào, đầu ra; quản lý cơ sở đóng gói. Do vậy, người dân và các doanh nghiệp cần tuân thủ đầy đủ, đúng các quy định, tiêu chuẩn mà phía thị trường nhập khẩu yêu cầu.
Việc ký kết các nghị định thư để xuất khẩu chính ngạch nông sản sẽ tạo điều kiện pháp lý rõ ràng minh bạch, cũng là tạo động lực cho nông dân Việt Nam làm ăn chuyên nghiệp hơn, bài bản hơn và quy mô lớn hơn, ông nhấn mạnh.
Theo Tâm An (VietNamNet)