Nhà máy Đóng tàu Dung Quất tưởng đã hồi sinh nhờ PVN ra tay hỗ trợ, nhưng hoá ra, không phải như vậy |
Theo Bộ Công Thương, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) cần xem xét 3 phương xử lý với Nhà máy ĐTDQ.
Phương án 1 là thực hiện tái cơ cấu nhà máy này bằng cách đánh giá lại hiểu quả, xử lý các tồn tại của nhà máy sau khi tái cơ cấu. Sau đó, có thể đưa nhà máy về trực thuộc PVN hoặc tách khỏi PVN".
Phương án thứ hai là PVN cho chuyển nhượng công ty. Theo đó, Tập đoàn này sẽ lên kế hoạch, hình thức, điều kiện và khả năng thực hiện.
Đáng chú ý, Bộ Công Thương đã nêu cả khả năng cho phá sản Nhà máy ĐTDQ theo phương án 3 và nêu yêu cầu PVN đánh giá các pháp lý liên quan, khả năng thực hiện, thiệt hại về vốn đầu tư tài sản của nhà nước… để trình Chính phủ xem xét.
"PVN cần phải tiến hành đánh giá, làm rõ nguyên nhân khách quan, chủ quan trách nhiệm của tổ chức, cá nhân dẫn đến tình trạng hoạt động sản xuất kinh doanh gặp khó khăn trong thời gian qua", nguồn tin trên cho biết.
Đây là một động thái khá mới và quyết liệt đối với Dự án nhà máy ĐTDQ bởi vì trước đó, vào thời điểm tháng 6/2015, nhiều thông tin từ Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã cho rằng, có những dấu hiệu "hồi sinh" từ nhà máy này.
Cụ thể, tại thời điểm đó, ban lãnh đạo Công ty Công nghiệp Tàu thuỷ Dung Quất (DQS) cho biết, sau 5 năm Công ty này được chuyển giao từ Vinashin về PVN, các chỉ tiêu tài chính của công ty này cho thấy: Từ chỗ thua lỗ triền miên, mấp mé miệng vực phá sản đã có lợi nhuận, nộp ngân sách nhà nước, đảm bảo đời sống việc làm và đời sống cho người lao động. Đến tháng 6/2015, tổng doanh thu của DQS đạt 4.857 tỉ đồng, từ năm 2014, DQS đã có lợi nhuận 49 tỉ đồng và riêng 6 tháng đầu năm 2015, lợi nhuận đạt 25 tỉ đồng.
Trước đó, lãnh đạo PVN đã có nhiều chỉ đạo, dành nhiều dự án, công việc trong ngành dầu khí cho DQS thực hiện để tạo việc làm, doanh thu cho Công ty này như các dự án đóng mới 2 tàu chở dầu công suất lớn 104.000 DWT (năm 2013) cho chủ tàu TCty Vận tải dầu khí (PV Trans) và tàu 105.000 DWT (năm 2015) cho chủ tàu PVEP khai thác dầu tại mỏ Đại Hùng...DQS cũng đã thực hiện được một số hợp đồng đóng, sửa chữa tàu biển cho một số đối tác nước ngoài.
Tuy nhiên, đến thời điểm này, có vẻ như tình hình lại càng trở lên khó khăn với Công ty Công nghiệp Tàu thủy Dung Quất. Hiện Công ty này tuy có một số kết quả kinh doanh tốt hơn thời điểm chuyển về PVN nhưng vẫn chưa xử lý nổi các khoản lỗ luỹ kế hàng ngàn tỷ đồng. PVN còn nắm 100% vốn tại DQS (khoảng gần 2000 tỷ đồng) nhưng hiện, Tập đoàn này đã phải trích lập dự phòng rủi ro đầu tư 100%.
Trong báo cáo về tình hình phát triển công nghiệp 3 tháng cuối năm, Bộ Công Thương cũng đã yêu cầu xử lý một loạt dự án lớn trong ngành. Với dự án lọc hóa dầu Nghi Sơn, Bộ này chỉ đạo PVN yêu cầu đề xuất phương án tiêu thụ sản phẩm dự án, chỉ đạo việc nhập khẩu nguyên liệu, bán thành phẩm phục vụ chạy thử dự án lọc hóa dầu Nghi Sơn. Đối với dự án nhà máy sản xuất xơ sợi Polyester Đình Vũ gần 7.000 tỷ đồng đang trong tình trạng ngừng hoạt động, Bộ Công Thương yêu cầu PVN tiếp theo dõi và bám sát chỉ đạo của Thủ tướng về các đề xuất phương án xử lý khó khăn vướng mắc đối với dự án để triển khai thực hiện. Đối với các dự án sản xuất nhiên liệu sinh học (ethanol), Bộ Công Thương chỉ đạo PVN thúc đẩy việc ký thỏa thuận hợp tác với các địa phương, các doanh nghiệp... triển khai phân phối xăng E5; tìm kiếm đối tác để chuyển nhượng phần vốn của PVOil tại Công ty Cổ phần Hóa dầu và Nhiên liệu sinh học dầu khí (PVB)... |
Theo H.Nguyễn (Dân Trí)