Đã đến lúc phải quản lý tiền số?

30/11/2024 09:32:07

Nếu nhà nước quản lý được thị trường tiền số, ngoài việc thu thuế cho ngân sách còn có thể tận dụng để phát triển công nghệ

Tại phiên thảo luận tổ của Quốc hội về dự án Luật Công nghiệp công nghệ số mới đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng hiện nay, "đời thực như nào thì đời ảo như thế". Thủ tướng đặt vấn đề: "Tiền Bitcoin trên thế giới hiện có giá gần 3.000 tỉ USD. Thực tế, ở nước ta vẫn có giao dịch Bitcoin nhưng tại sao không đưa vào quản lý?".

Quy mô rất lớn

Bitcoin và nhiều loại tiền kỹ thuật số (tiền số) khác đã ra đời, tồn tại hàng chục năm qua nhưng chưa được thừa nhận tại Việt Nam. Nước ta cũng chưa có quy định pháp lý liên quan hoạt động phát hành, mua bán, trao đổi các loại tài sản này. Tuy nhiên, các hoạt động đầu tư, giao dịch tiền số ngay tại Việt Nam lại rất sôi động.

Trên các diễn đàn, hội nhóm đầu tư tài chính, chủ đề liên quan việc đầu tư Bitcoin được trao đổi sôi nổi, nhất là khi đồng tiền số này có chuỗi tăng kỷ lục và hướng tới mốc 100.000 USD.

Thống kê của cổng thanh toán tiền điện tử Tripple-A công bố giữa năm 2024 cho thấy UAE đứng đầu thế giới về tỉ lệ sở hữu tiền số của người dân, với 34,4%. Việt Nam đứng thứ hai với tỉ lệ 21,2% dân số sở hữu tiền số - cao hơn Mỹ, ở vị trí thứ ba (15,6%).

Đã đến lúc phải quản lý tiền số?
Bitcoin hiện là tài sản số phổ biến nhất trên thị trường tiền ảo. Ảnh: PHẠM ĐÌNH

Theo báo cáo tổng hợp từ Chainalysis (công ty dẫn đầu trong ngành công nghiệp tài sản số, có trụ sở ở Mỹ), năm 2023-2024, Việt Nam là quốc gia có nhiều người áp dụng tài sản tiền mã hóa, với hơn 20 triệu nhà đầu tư và số vốn khổng lồ 120 tỉ USD - đứng thứ 4.

Các nhà đầu tư chủ yếu là những người trẻ tuổi (18 - 36), tập trung ở các thành phố lớn như TP HCM (50%-54%), Hà Nội (25%-30%), Đà Nẵng (3%-5%). Ngoài ra, báo cáo của Chainalysis cũng cho biết trong năm 2023-2024, 35,9% nhà đầu tư Việt Nam kiếm được lợi nhuận, 44,5% nhà đầu tư thua lỗ và 19,6% hòa vốn từ việc đầu tư Crypto.

Điều này lý giải vì sao hầu hết các sàn giao dịch tiền số lớn của thế giới đều có hoạt động tại Việt Nam, như Binance, Bybit, OKX, Kucoin… Các sàn này đều có giao diện tiếng Việt, người dùng dễ dàng tạo tài khoản khi chỉ cần gmail, số điện thoại, liên kết với số tài khoản ngân hàng là đã có thể giao dịch. Các sàn này có khối lượng giao dịch hàng tỉ USD mỗi ngày, riêng sàn Binance lúc cao điểm có thể đạt hơn 100 tỉ USD.

Trên các mạng xã hội Facebook, Zalo và X, nhiều cộng đồng trao đổi thông tin tiền điện tử diễn ra rất sôi động. Người dùng chỉ cần nhập từ khóa Crypto, Bitcoin… sẽ hiện ra rất nhiều hội nhóm sở hữu lượng lớn người tham gia. Trong đó, có nhóm lên đến gần 1 triệu thành viên. Họ liên tục chia sẻ những bài viết về tiềm năng thị trường tiền số và kêu gọi người dùng tham gia đầu tư để kiếm lời trong mùa "uptrend".

Chủ yếu mua bán lướt sóng

Ông Phan Đức Nhật, Chủ tịch Coin.Help & BHO. Network, cho biết người dân, nhất là các nhà đầu tư 8x, 9x, thường tham gia đầu tư Bitcoin và các loại tiền số với mục đích đầu cơ, mong muốn kiếm được lợi nhuận khi các đồng coin tăng giá. Chỉ số ít trong đó đầu tư vào Bitcoin theo hướng tích trữ tài sản (như vàng).

Tuy nhiên, luật pháp Việt Nam không công nhận tiền số và chưa có quy định về việc sử dụng tiền số hay bất cứ loại tài sản ảo nào thanh toán thay cho VNĐ. Vì vậy, khi muốn thanh toán hàng hóa, nhà đầu tư phải chuyển đổi từ tiền số sang tiền Việt để tiện cho việc sử dụng. Hình thức chuyển đổi thường thấy là P2P - người này bán sang tay cho người kia.

Dù vậy, do nhiều người mua bán, trao đổi tiền số theo phong trào, ít hiểu biết nên việc thua lỗ, thiệt hại, thậm chí bị lừa vẫn thường xảy ra. Ông Hoàng Khải, nhân viên văn phòng tại TP HCM, cho biết từng lên mạng xã hội Facebook tìm các hội nhóm tiền số và được hướng dẫn đầu tư để kiếm lời nhưng cái kết bị "mất trắng".

"Tôi được một người hướng dẫn đăng ký và nộp tiền vào ví trên sàn Onus. Ban đầu, tôi nộp 50.000 đồng, được sàn tặng 200.000 đồng nhưng không được rút ra trong vòng 1 năm. Giao dịch theo phương thức Future, ban đầu tôi "ăn" được khoảng 150.000 đồng. Sau đó, tôi nộp 5 triệu đồng để giao dịch nhưng bị "cháy tài khoản". Tôi nộp tiếp 10 triệu đồng nữa nhưng vẫn không được gì . Khi hiểu ra được cách chơi, tôi đã mất trắng 15 triệu đồng trong chưa đầy 3 ngày" - ông Khải ngậm ngùi.

Theo báo cáo thị trường Crypto Việt Nam của Coin98 Insight, năm 2023, số lượng nhà đầu tư Việt mới tham gia sàn giao dịch Bing X tăng khoảng 138% so với năm trước, đạt 143.025 người. Tuy nhiên, gần 65% trong số đó không thu được lợi nhuận và 43% thua lỗ.

Thất thu thuế và lừa đảo

Theo chuyên gia tài chính Phan Dũng Khánh, thống kê của một số tổ chức tài chính quốc tế từng công bố cho thấy người Việt Nam đứng tốp đầu trong các nước nắm giữ tài sản số, trong đó có Bitcoin.

Số liệu không chính thức còn cho thấy người Việt Nam có tài khoản ở những sàn giao dịch quốc tế về tài sản kỹ thuật số cao hơn cả tài khoản chứng khoán và giao dịch với số lượng lớn… Do đó, nếu nhà nước đưa vào quản lý được, ngoài chuyện thu thuế cho ngân sách còn có thể tận dụng để phát triển công nghệ.

"Hiện nay, dù Việt Nam chưa có những quy định cụ thể về tài sản kỹ thuật số nhưng công nghệ số liên quan thì không cấm. Việt Nam đã có Hiệp hội Blockchain. Số liệu được họ công bố năm 2021-2022 cho thấy nước ta ghi nhận giá trị tài sản số khoảng 91 tỉ USD, tài sản số bất hợp pháp khoảng 956 triệu USD là không cao. Vì vậy, cần sớm có luật, quy định và khung pháp lý để quản lý tài sản kỹ thuật số này" - ông Phan Dũng Khánh đề xuất.

Ông Phan Dũng Khánh cho rằng do chưa có khung khổ pháp lý rõ ràng nên việc nhà đầu tư đổ xô đầu tư tiền số sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro. Bởi lẽ, đầu tư tiền số cũng như đầu tư ngoại hối trên các sàn quốc tế (FX), chưa có quy định quản lý rõ ràng ở Việt Nam, nếu xảy ra sự cố sẽ không được pháp luật bảo vệ.

Các sàn giao dịch tiền số không có văn phòng, chi nhánh tại Việt Nam nên không chỉ nhà nước thất thu thuế mà nhà đầu tư cũng không biết tìm ai để đòi quyền lợi khi gặp sự cố. Tất cả thông tin của các sàn giao dịch tiền số, sàn đầu tư Bitcoin đều trên không gian mạng, với tỉ lệ đòn bẩy tài chính rất cao và biên độ biến động mỗi ngày rất lớn…

"Một rủi ro khác là lừa đảo. Vì trên không gian mạng nên nhà đầu tư có thể gặp phải sàn giao dịch lừa đảo mà không biết đòi quyền lợi ở đâu" - ông Khánh lo ngại.

Nhìn ở góc độ vĩ mô, kinh tế số đang được xem là trọng tâm phát triển kinh tế của Việt Nam. Trong kinh tế số, có một nhánh là tài sản số. Chuyên gia kinh tế, TS Đinh Thế Hiển phân tích: Nếu đã phát triển kinh tế số thì tài sản số là chuyện cần được đề cập và quản lý, nhất là khi Bộ Chính trị vừa thông qua chủ trương phát triển 2 trung tâm tài chính quốc tế ở TP HCM và Đà Nẵng. Vì sao Bitcoin và nhiều tiền số khác vẫn giao dịch thời gian qua ở Việt Nam nhưng chưa được quản lý?

TS Đinh Thế Hiển cho rằng cần cân nhắc xem xét đưa Bitcoin nói riêng và tài sản số vào quản lý ngay lúc này. Từ giai đoạn năm 2025 trở đi, với những chiến lược về kinh tế số và định hướng xây dựng các trung tâm tài chính quốc tế, trong khi trên thế giới thị trường này đã phát triển ổn định…, Việt Nam sẽ cần những quy định để quản lý tài sản số, tiền số phù hợp.

Cơ quan quản lý nhà nước cũng đề cập việc thí điểm cơ chế thử nghiệm (sandbox) cho các công ty tài chính công nghệ (fintech), sắp tới là các cơ chế thử nghiệm trong quá trình xây dựng trung tâm tài chính quốc tế. Các bước đi hiện nay là phù hợp với tiến trình vừa quản lý vừa phát triển và hạn chế những rủi ro, hệ lụy đối với tiền số, tài sản số…

"Nếu đưa vào khung khổ pháp lý, cần phải chọn lọc những sàn giao dịch với các loại tiền số được nhà nước cấp phép, quản lý và thu thuế. Thời gian qua, bên cạnh Bitcoin và Ethereum đem lại mức sinh lời, rất nhiều nhà đầu tư đã bị thiệt hại nặng nề bởi những loại tiền ảo khác, thậm chí giả mạo" - TS Đinh Thế Hiển cảnh báo. 

Theo ông Phan Đức Nhật, ở Việt Nam rất hiếm nhóm đào tạo đạt kỹ năng về phân tích chuyên sâu đối với Crypto, Bitcoin. Nếu có thì các nhóm này thường hoạt động Private (riêng tư), chỉ người quen hoặc người có năng lực mới được tham gia.

Do đó, để có thông tin và biết cách thức giao dịch, nhiều người chọn cách gia nhập các hội nhóm trên mạng xã hội. Đa số các nhóm đều được tham gia miễn phí, chỉ một số ít phải đóng phí nhưng chất lượng giảng dạy, đầu tư rất phập phù.

(Còn tiếp)

Theo Sơn Nhung - Thái Phương - Lê Tỉnh (Nld.com.vn)

Nổi bật